Tìm kiếm nguồn cội
Những ngày qua, sau khi đăng thông tin tìm bố mẹ ruột người Việt Nam, Emeriau Laetitia (SN 1998, hiện sinh sống tại Bruxelles, Bỉ) gần như không rời chiếc điện thoại. Chị mong chờ những tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử... trong tâm trạng hồi hộp, đầy hy vọng.
Ngày 15/10/1998, Laetitia chào đời tại một bệnh viện ở TPHCM với tên khai sinh Cao Thị Kim Ngân. Ngay sau đó, bé gái bị mẹ ruột bỏ rơi và được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình, quận Thủ Đức, nay là TP Thủ Đức, TPHCM.
4 tháng sau, cô bé được một phụ nữ độc thân người Pháp nhận nuôi. Bà đưa đứa bé rời Việt Nam đến Pháp sinh sống tại một thành phố gần thủ đô Paris.
![]() ![]() |
Biên bản trẻ bỏ rơi và giấy khai sinh của Emeriau Laetitia. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Laetitia kể: “Trước đó, bà đã nhận nuôi một bé trai vào năm 1995. Chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Với chúng tôi, mẹ là người phụ nữ phi thường.
Bà luôn xem chúng tôi như con ruột và chăm lo cho chúng tôi không thiếu thốn bất kỳ điều gì. Trong gia đình, anh em tôi chưa bao giờ cảm thấy có sự khác biệt vì được nhận nuôi. Từ đáy lòng, chúng tôi luôn xem bà là mẹ ruột”.
Mẹ nuôi của Laetitia cũng không giấu giếm nguồn cội các con. Ngay khi Laetitia bắt đầu có nhận thức, bà kể cho chị nghe việc chị là người Việt Nam, được nhận nuôi từ lúc lọt lòng.
Người thân của bà cũng yêu thương Laetitia như ruột thịt. Từ nhỏ đến bây giờ, dù không cùng huyết thống, Laetitia chưa bao giờ cảm thấy người thân của mẹ nuôi đối xử khác biệt với mình.
Tuy vậy ở trường, Laetitia luôn bị trêu chọc, phân biệt. Laetitia nhớ mãi năm đi mẫu giáo. Cô bé liên tục bị các bạn thắc mắc vì sao trông không giống mẹ.
Nơi Laetitia sinh sống, học tập, mỗi trường học chỉ có 2 - 3 học sinh châu Á. Vì vậy, sự khác biệt về ngoại hình, nguồn gốc của Laetitia luôn trở thành chủ đề bàn tán, trêu chọc từ bạn bè.
“20 năm qua, những lời trêu chọc nhắm vào ngoại hình là điều tôi phải chịu đựng nhiều nhất. Đến khi đi làm, người châu Á thường được đánh giá là nghiêm túc và chăm chỉ tôi mới ít bị chêu trọc, phân biệt hơn”, Laetitia chia sẻ.
![]() |
Sau khi bị bỏ rơi, Laetitia được đưa vào trại trẻ mồ côi trước khi được một phụ nữ Pháp nhận nuôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Mục tiêu lớn nhất cuộc đời
Suốt thời thơ ấu, dù sống trong gia đình đủ đầy tình yêu thương, Laetitia vẫn luôn nghĩ về nguồn cội, cha mẹ ruột. Chị luôn muốn biết bố mẹ ruột trông như thế nào, mình giống ai nhiều hơn…
Chị cũng chưa bao giờ buồn hay oán trách việc bị gia đình ruột bỏ rơi. Từ nhỏ, chị được mẹ nuôi giải thích rằng, có lẽ bố mẹ ruột không đủ khả năng nuôi dưỡng chị và họ muốn chị có cuộc sống tốt hơn.
Năm 2016, Laetitia về Việt Nam để tìm hiểu đất nước, nguồn cội của mình. Chị mang theo hy vọng tìm được manh mối về cha mẹ ruột.
![]() |
Tại Pháp, cô gái được sống trong gia đình đủ đầy tình yêu thương. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chị đến Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình, nơi từng nhận nuôi mình trước đây. Tuy vậy, Laetitia không có thêm được gì ngoài thông tin: mẹ ruột tên Cao Thị Rơi (SN 1970); người khai sinh tên Huỳnh Thị Kim Hải (SN 1944, cư trú tại địa chỉ: 130 Khiết Tâm, phường Bình Chiểu).
Laetitia cũng tìm được biên bản trẻ bỏ rơi ghi lại trường hợp của mình. Biên bản này ghi rõ ngày 17/10/1998, Đại úy Nguyễn Văn Lâm, Công an khu phố Tam Bình, bà Cao T. Ngọc Dung, Trưởng trạm Y tế Tam Bình; nữ hộ sinh tên Phạm Thị Út và bác sĩ tại trạm y tế tên Trần Quang Của đồng chứng kiến việc bé gái bị bỏ rơi.
Laetitia tâm sự: “Việc tìm lại gia đình ruột là điều vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với tôi. Trước đây vì bận học, tôi chưa có nhiều thời gian cho việc này.
Nhưng giờ đây, khi đã có gia đình, có con, tôi càng muốn hoàn thành hành trình ấy. Với tôi bây giờ việc tìm lại cha mẹ ruột là mục tiêu lớn nhất cuộc đời. Tôi thật sự cần tìm lại họ trước khi từ giã cõi đời.
Tôi đã đăng thông tin về việc tìm kiếm cha mẹ ruột của mình lên mạng xã hội người Việt và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Tôi cũng tìm được một sơ từng chăm sóc tôi lúc còn ở trại mồ côi.
![]() |
Giờ đây, Laetitia khao khát tìm lại gia đình ruột và xem đó như mục tiêu lớn nhất cuộc đời. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cuộc hội ngộ khiến cả tôi và sơ rất xúc động. Dù vậy, hành trình tìm lại bố mẹ ruột của tôi vẫn chưa có nhiều manh mối.
Tôi chỉ muốn bố mẹ biết rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi luôn biết ơn ông bà. Bố mẹ đã cho tôi cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi sẽ không bao giờ trách móc, oán giận cha mẹ và giấc mơ lớn nhất của tôi là được gặp lại gia đình ruột thịt của mình.
Tôi không biết mình sẽ phản ứng thế nào khi giấc mơ ấy thành hiện thực. Nhưng chắc chắn đó sẽ là khoảnh khắc pha trộn giữa xúc động và vỡ òa hạnh phúc trong nước mắt”.
Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.