Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị cáo vụ Nhật Cường: Ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu

Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng mình không phạm tội như nhận định của tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, 2 bị cáo khác lại khai về chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội liên quan việc dừng mở thầu.

Chiều 11/7, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội dành thời gian để cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 bị cáo khác trình bày các căn cứ kháng cáo trong vụ tiếp tay cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa dữ liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Theo bản án sơ thẩm, ông Chung bị phạt 3 năm tù vì vụ lợi cá nhân, đã lợi dụng chức vụ chủ tịch Hà Nội, chỉ đạo nhóm bị cáo thuộc Sở KH&ĐT “ưu ái” trái quy định cho Công ty Nhật Cường được thí điểm số hóa dữ liệu doanh nghiệp của Hà Nội.

"Dừng mở thầu theo chỉ đạo của chủ tịch thành phố"

Được thẩm vấn trước, bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội) trình bày năm 2015, gói thầu số hóa dữ liệu doanh nghiệp được giao cho Sở KH&ĐT Hà Nội làm chủ đầu tư. Khi sở thông báo mở thầu, 6 doanh nghiệp mua hồ sơ tham gia, Công ty Nhật Cường không nằm trong số này.

Theo bà Tuyến, khoảng một giờ trước khi diễn ra buổi họp giao ban ngày 6/5/2016, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ bất ngờ thông báo rằng theo yêu cầu của chủ tịch thành phố, sở dừng việc mở thầu. Cựu Chánh văn phòng Sở KH&ĐT Phạm Thị Thu Hường cũng cho biết trước cuộc họp giao ban, mọi thứ đã sẵn sàng cho đến khi ông Tứ thông báo dừng mở thầu. Hôm đó, cựu giám đốc sở nói rằng việc dừng này do có chỉ đạo của chủ tịch.

Hai cựu cán bộ Sở KH&ĐT Hà Nội khai các quy định lúc đó không có nội dung nào nêu rõ về việc dừng thầu. Sau đó, họ làm theo chỉ đạo của cấp trên, vận dụng những quy định khác để gửi thông báo cho 6 doanh nghiệp về việc dừng thầu. Sau đó, Công ty Nhật Cường đã được giới thiệu để thí điểm thực hiện các gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp.

Xet xu Nguyen Duc Chung anh 1

Ông Chung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ảnh: N.H.

Còn ông Chung giữ nguyên kháng cáo kêu oan và cho rằng không có hành vi như tòa cấp sơ thẩm quy kết.

Bị cáo Chung khai trước năm 2016, mỗi sở ngành, quận huyện ở Hà Nội chỉ có một cổng thông tin hoặc mạng LAN để kết nối với nhau. Sau khi ông Chung trở thành Chủ tịch UBND, do yêu cầu mới nên thành phố đã thuê hệ thống để kết nối mạng lưới chung về công nghệ thông tin giữa các đơn vị, sở ngành.

Ngày 10/12/2015, ông Chung yêu cầu tạm dừng các dự án CNTT. Sau đó, Hà Nội có biến động cơ sở dữ liệu về dân cư. Còn lại dữ liệu doanh nghiệp được giao cho Sở KH&ĐT thực hiện.

Giai đoạn 2015-2016, ông Chung trao đổi với cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ (lĩnh 30 tháng tù và không kháng cáo) song hoàn toàn không đề cập đến yếu tố công nghệ nào. Sau đó, bị cáo chỉ đạo ông Tứ dừng mở thầu gói số hóa dữ liệu nhưng yêu cầu "phải thực hiện theo đúng thủ tục".

Ông Chung thừa nhận tháng 8/2016, sau khi nhận được văn bản của Sở KH&ĐT đề xuất cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa dữ liệu, bị cáo đã giao các đơn vị thuộc UBND TP nghiên cứu, báo cáo. Tuy nhiên, ông Chung phủ nhận cáo buộc can thiệp cho Nhật Cường trúng thầu.

"Việc thử nghiệm này chỉ mang tính chất xem xét về mặt thông số. Chúng tôi có phân quyền, phân cấp. Tôi hoàn toàn không có ý kiến cá nhân, không ai can thiệp vào được", cựu chủ tịch Hà Nội trình bày.

Cũng theo lời khai của ông Chung, sau khi “chân ướt chân ráo” sang làm chủ tịch UBND thành phố, bị cáo đã chọn Sở KH&ĐT và Văn phòng UBND TP để làm 2 nơi cải cách về CNTT. Tuy nhiên, toàn bộ những nội dung chỉ đạo của bị cáo xuyên suốt từ tháng 12/2015 đến năm 2020 đều bám vào chương trình CNTT đã được phê duyệt.

"Ngay từ sơ thẩm, tôi đã nhận trách nhiệm của người đứng đầu nên tôi mong HĐXX xem xét", ông Chung nhắc lại lời khai đã nói trước đây và cho rằng tại gói thầu số hóa dữ liệu ở Sở KH&ĐT, UBND thành phố Hà Nội mới là chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định là chủ tịch UBND TP.

Nộp hồ sơ bệnh án trước phiên xử

Nói về lý do kháng cáo, ông Chung cho biết ngoài những nội dung trình bày ở trên cùng với gần 60 trang giải trình đã gửi cho tòa phúc thẩm, bị cáo mong HĐXX xem xét thêm gần 100 tài liệu về bằng khen, giấy khen, huân chương… Ngoài ra, các luật sư của ông Chung còn bổ sung thông tin về việc bị cáo mắc bệnh ung thư trực tràng, theo dõi di căn phổi.

"Với những việc đã làm, tôi không nghĩ mình bị truy tố, xét xử với mức án như thế. Tôi mong được đối xử bình đẳng như những người khác trước pháp luật", cựu chủ tịch Hà Nội bày tỏ.

Xet xu Nguyen Duc Chung anh 2

Trong 7 bị cáo của vụ án, ông Chung và 2 người khác kháng cáo. Ảnh: N.H.

Đề cập đến Công ty Minh Hoa (do vợ bị cáo làm giám đốc), ông Chung nói rằng đây là một doanh nghiệp. Trong đó, giám đốc Công ty Minh Hoa là cá nhân, cá thể riêng. Những việc làm của đơn vị này hoàn toàn độc lập.

“Họ làm nếu có sai thì họ sẽ bị xử lý”, ông Chung trình bày và nói rằng theo nhận thức của bản thân, Bộ luật hình sự chưa có nội dung nào quy kết vợ làm sai thì chồng phải chịu trách nhiệm.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty Nhật Cường và Công ty Minh Hoa đã ký với nhau hợp đồng số 06/2016 (cơ quan tố tụng xác định là hợp đồng khống) để hợp thức về năng lực nhằm giúp doanh nghiệp được trúng thầu.

Ngoài ông Nguyễn Đức Chung, 2 bị cáo còn lại kháng án xin giảm nhẹ hình phạt gồm Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh văn phòng Sở KH&ĐT, sơ thẩm tuyên 3 năm 6 tháng tù) và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng thuộc sở này, án sơ thẩm là 4 năm 6 tháng tù).

Trong đó, bà Hường cho rằng hiện bị cáo sức khỏe yếu, đã tác động gia đình tích cực khắc phục hậu quả, còn bà Tuyến được ghi nhận đã nộp khắc phục 500 triệu đồng.

Theo án sơ thẩm, năm 2016, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm gói thầu số hóa dữ liệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các gói thầu, từ đề xuất của Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường), ông Chung với tư cách chủ tịch thành phố đã nhiều lần gọi điện chỉ đạo quyết liệt bị cáo Tứ dừng mở thầu. Việc làm này trái quy định của pháp luật.

Ông Chung còn yêu cầu Sở KH&ĐT chọn công nghệ mới của Nga và từ đó, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, thí điểm số hóa. Ngoài ra, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm giám đốc) ký hợp đồng khống với Nhật Cường để hợp thức hóa hồ sơ năng lực cho doanh nghiệp dự thầu.

Ông Nguyễn Đức Chung hầu tòa phúc thẩm trong vụ án Nhật Cường

Cựu Chủ tịch Hà Nội kháng cáo vụ án thứ 3, cho rằng bản thân không tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Công an bác tin lãnh đạo doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết tin đồn về người đứng đầu doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là thất thiệt.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm