Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị cáo vụ Vinalines khai gì về ụ nổi hỏng giá hàng triệu đô

Nhiều bị cáo khẳng định, trong vụ mua ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng, họ không tư lợi gì.

Các bị cáo khai gì về ụ ổi 83M hỏng nhưng vẫn cố mua

Chiều 22/4, TAND tối cao tại Hà Nội tiếp tục thẩm vấn các bị cáo nguyên là cán bộ của Vinalines.

Dương Chí Dũng có 'cửa' thoát án tử?

Bình luận tình tiết Dương Chí Dũng cho rằng bị kết án tử hình “oan”, bị “diệt khẩu”, một số luật sư cho rằng, nghi vấn trên là thiếu cơ sở và khó có thể lấy lý do này để kêu oan.

 

Bị cáo Trần Hữu Chiều, cựu phó Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines khai chỉ duy nhất gặp ông Goh (Công ty AP, Singapore) một lần. Ông này cho rằng việc mua ụ nổi là trưởng ban quản lý nên khi được ủy quyền của anh Mai Văn Phúc (Tổng giám đốc Vinalines) bị cáo đã ký hợp đồng.

"Sau khi đi khảo sát tình trạng kỹ thuật của ụ nổi tại Nga, bị cáo có giao cho Khang và Sơn làm báo cáo gửi anh Phúc, bị cáo chỉ ký nháy vào biên bản này. Khi khảo sát, ụ nổi có một số chi tiết kỹ thuật hư hỏng, ụ nổi này không phải là tàu biển. Khi đưa ụ nổi về Việt Nam thì ụ này mới được cấp phép tạm thời. Trong khi khảo sát về bị cáo cũng đã báo cáo ụ nổi này vẫn là của Nga, sau đó bị cáo không biết là ai yêu cầu Vinalines lại mua ụ nổi 83M qua Công ty AP (Singapore)", bị cáo Chiều nói.

Nói về ụ nổi, bị cáo Mai Văn Phúc khai khi mới về làm việc được 2 tháng, Vinalines đã đang triển khai dự án xây nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Trong quá trình mua ụ nổi 83M có được các bộ phận tham mưu. "Khi anh Chiều trình thì tôi bảo, sao ụ nổi cũ thế, có ụ nào khác không nhưng anh Chiều bảo không có cái nào tốt hơn. Về trách nhiệm bị cáo thấy mình có một phần trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát tiền cho Nhà nước", cựu Tổng giám đốc Vinalines nói.

Trả lời đại diện VKS về hành vi Tham ô, trong khi Chiều và Sơn đã nhận tội, bị cáo Phúc khai không biết gì về việc ăn chia số tiền 1,66 triệu USD. "Trong vụ mua ụ nổi 83M này bị cáo hiểu là mình không có sai phạm gì. Theo báo cáo của anh Chiều thì thủ tục đã đầy đủ các chữ ký của các bộ phận liên quan, bị cáo chỉ việc ký", bị cáo Phúc biện hộ. 

Các bị cáo tại tòa chiều nay.
Các bị cáo tại tòa chiều 22/4.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - đại diện nguyên đơn dân sự cho hay hiện tại ụ nổi đang neo đậu tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai), chi phí neo đậu và các chi phí khác mỗi ngày tiêu tốn 800 triệu - 1 tỷ đồng. Tổng công ty đã có đơn gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc bán ụ nổi để thu hồi vốn. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng, ụ nổi là tang vật vụ án nên phải chờ sau khi phiên tòa kết thúc và tòa án có phán quyết thì mới được tiến hành bán ụ nổi.

Tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) nói, lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại tòa sơ thẩm và tại phiên tòa hôm nay là hoàn toàn đúng sự thật, không bị mớm cung.

Người từng bị tòa ở cấp sơ thẩm tuyên 22 năm tù nói, khi đi khảo sát tại Nga về Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) làm, bị cáo này chỉ bổ sung, nội dung trong báo cáo có một số phần không trung thực.

Tại phần thẩm vấn Mai Văn Khang – thành viên Ban quản lý dự án, bị cáo đề nghị HĐXX minh oan vì cho rằng không phạm tội Cố ý làm trái quy định. Nếu không minh oan được thì mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

"Khi tham gia đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga bị cáo chỉ làm công việc phiên dịch, bị cáo không có chức vụ gì. Tại Nga khi tham gia đoàn khảo sát bị cáo cũng được chứng kiến một phần nổi của ụ 83M. Khi về bị cáo chỉ ký vào văn bản những gì được dịch từ tiếng Anh ra”, bị cáo Khang khai.

HĐXX hỏi khi ụ nổi đã quá cũ, 42 năm rồi liệu có còn sử dụng được không, bị cáo Khang cố lý giải nếu được sửa chữa thì ụ nổi này vẫn sử dụng được. Còn theo bị cáo Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên – Cục đăng kiểm Việt Nam) thẳn thắn nói ụ nổi có 3 máy phát điện thì 2 chiếc đã hỏng hoàn toàn, máy còn lại cũng không hoạt động.

"Nếu làm theo nội dung biên bản giám định của bị cáo thì Vinalines không thể mua được ụ nổi. Ở biên bản đó, bị cáo ghi ụ nổi không đủ điều kiện hoạt động để có thể mua lại. Nội dung là hoàn toàn trung thực, bị cáo không có động cơ mục đích gì", bị cáo Dương biện minh và xin thay đổi yêu cầu kháng cáo từ đề nghị minh oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.

Các cán bộ chi cục Hải quan khai gì?

Ở ngày xử đầu tiên, trước khi xét hỏi Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng (cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong - Khánh Hòa), các bị cáo Khang, Phúc và Sơn được đưa sang phòng khác.

Ba cựu cán bộ chi cục Hải quan Vân Phong đã thuật lại quá trình nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra thông quan ụ nổi. Bị cáo Đức lập luận hồ sơ ụ nổi là loại hồ sơ của hàng hóa thông thường do đó không cần các loại giấy phép của Bộ, giấy kiểm định ô nhiễm môi trường.

“Bị cáo nhận thức ụ nổi có cấu trúc di động như tàu biển, do đó bị cáo và đại diện bước 2, 3 đã cho thông quan”, bị cáo Đức khai. Theo bị cáo này, chỉ vì nhận thức chưa đúng nên dẫn đến sai sót, việc tòa sơ thẩm bị cáo bồi thường 9 tỷ đồng là quá nặng.

Còn bị cáo Lê Văn Lừng thừa nhận đến cấp phúc thẩm mới thấy việc làm của mình là sai. "Khi kiểm tra tôi biết ụ nổi hư hỏng nhiều, han rỉ, không hoạt động được tôi đã báo cáo anh Đức, Chi cục phó và cho làm thủ tục thông quan", bị cáo Lừng nói và xin giảm tiền bồi thường 9 tỷ đồng vì gia đình khó khăn. Ở vụ ụ nổi này, bị cáo cho rằng bản thân không có tư lợi gì.

Cũng trong buổi xét xử, bị cáo Lê Ngọc Triện xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cũng như mức bồi thường.

Chiều 22/4, Tòa tập trung hỏi đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xung quanh việc ụ nổi 83M có được coi là tàu biển không? Là cơ quan soạn thảo ra Luật Hàng hải, đại diện Bộ Giao thông vận không đồng nhất ý kiến với đại diện Bộ Tài Chính.  Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, ụ nổi 83M không phải là tàu biển, ụ nổi không thể di động mà phải có ca nô, tàu kéo mới đi được.

Sáng 23/4, phiên xử tiếp tục diễn ra.

Xuất hiện tại tòa với tư cách người có nghĩa vụ liên quan, bà Phạm Thị Mai Phương – vợ bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng hai căn hộ cô T đứng tên là do chồng lấy tiền của mình nên bà phải lấy lại căn hộ đó. Bà Phương nhấn mạnh không đồng ý kê biên hai căn hộ.

Bà Ngô Thị Vân (vợ Mai Văn Phúc) trình bày, kháng cáo tòa sơ thẩm vì cho rằng ngôi nhà tòa kê biên có một nửa số tiền mua là do làm ăn, nuôi lợn mà có.

Nhóm Phóng viên

Bạn có thể quan tâm