Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị chó nhà cắn, người đàn ông chết vì chủ quan không tiêm phòng dại

Sau khi bị cắn, chủ nhà dùng gậy đánh chó bỏ đi nên không theo dõi được tình hình sức khỏe đồng thời chủ quan không đi tiêm phòng dại.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), hiện vẫn còn nhiều gia đình chủ quan không tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn.

Gần đây nhất, bệnh viện tiếp nhận một nam bệnh nhân 35 tuổi (ở Phú Thọ) bị chính chó nhà cắn vào tay. Sau khi bị cắn, chủ nhà dùng gậy đánh chó bỏ đi nên không theo dõi được tình hình sức khỏe đồng thời chủ quan không đi tiêm phòng dại.

Đến ngày 23/7, bệnh nhân này đột nhiên mất ngủ, bồn chồn, kích động tăng dần. Chỉ 3 ngày sau, khi được gia đình chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu, bệnh nhân đã bắt đầu hoảng loạn, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, xuất hiện những cơn co thắt hầu họng, rít lên từng hồi khó nhọc. Trước tình trạng không thể cứu chữa, gia đình đã đưa bệnh nhân về để lo hậu sự vào ngày 28/7.

Theo bác sĩ Cấp, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca bị bệnh dại. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là 100%.

Các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm. Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên truyền trực tiếp virus sang người. Do không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh không còn cơ hội sống sót.

nguoi dan ong chet tuc tuoi vi benh dai anh 1
Một vết chó cắn một bệnh nhân khác cũng đã tử vong vì bệnh dại. Ảnh: M.T.

Tiêm phòng là cách tốt nhất bảo vệ tính mạng sau khi bị chó dại cắn. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp chó cắn người đều là động vật đang mang bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay: “Chó mắc bệnh dại thường sống không quá một tuần. Nếu sau 10 ngày, "thủ phạm" vẫn sống khỏe mạnh thì người bị cắn không bị mắc bệnh. Trong trường hợp con chó đó ốm rồi chết, bị giết hoặc chạy mất, người bị cắn cần ngay lập tức đi tiêm phòng”.

Ngoài ra, nếu bị tấn công ở mức độ nhiều tổn thương, dập nát hoặc ở vị trí đầu mạch, vùng mặt, cổ, vùng sinh dục, người dân cũng cần phải tiêm phòng ngay. Virus dại phát tán rất nhanh ở những bộ phận này. Thậm chí, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng, khi thuốc chưa kịp phát huy tác dụng, bệnh nhân đã tử vong.

Đối với vết thương do chó cắn, người dân cần xử lý bằng cách rửa, sát trùng. Nếu vết cắn phức tạp, gia đình nên đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, tất cả chó mèo đều cần tiêm vắc xin. Người có sở thích chơi thú cưng nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người hoặc rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác.

Nữ bác sĩ thú y tử vong vì bệnh dại sau gần 2 tháng bị chó cắn

Ngày 4/6, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai vừa có thêm một bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Đây là ca tử vong thứ hai chỉ trong vòng 3 tuần tại đơn vị này.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm