Ngày 11/11, Công an quận Long Biên, Hà Nội, cho biết đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 6 tỷ đồng.
Đơn trình báo nêu trên được bà D. (69 tuổi) gửi đến Công an phường Ngọc Thụy hôm 7/11. Theo nạn nhân, hôm đó bà nhận được điện thoại của người xưng là đại tá công an.
Vị đại tá dỏm nói bà D. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà này cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó, bà lão phát hiện tài khoản bị ai đó rút gần 6 tỷ đồng, nên trình báo công an.
Nhiều tội phạm giả mạo lệnh bắt của VKS để gửi cho nạn nhân. |
Công an Hà Nội nhấn mạnh thời gian qua, cơ quan chức năng rất nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song còn có người sập bẫy của kẻ gian. Đa phần nạn nhân là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.
Nhà chức trách khẳng định khi muốn làm việc với người dân, công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi của người tự xưng cán bộ cơ quan tố tụng. Mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà cho bất kỳ người lạ nào, không chuyển tiền vào các tài khoản do người không quen biết cung cấp.
Theo đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội), kẻ lừa đảo thường dùng số điện thoại có đầu số lạ, số giả lập cuộc gọi qua VoIP để liên lạc. Khi gọi, chúng thường hỏi han chi tiết, cặn kẽ về thông tin cá nhân của nạn nhân bằng cách giả danh nhiều người, làm việc ở nhiều nơi trong một cuộc gọi.
Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng. Do đó, người dân nếu nhận được những cuộc gọi đòi nợ hay yêu cầu chuyển khoản thì cần hẹn gặp trực tiếp, không làm việc qua điện thoại.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.