Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều quy chế thi THPT quốc gia năm 2016. Năm nay, quy chế này dự kiến có nhiều điều chỉnh.
Ngày 12/3, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT đưa ra một số lưu ý cho thí sinh trong quá trình thi và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016.
Ông Nghĩa cho biết: Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc khối Công an Nhân dân phải chú ý đăng ký cả hai nơi. Đó là đăng ký sơ tuyển tại công an địa phương và nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các trường THPT, nơi đang học hoặc đăng ký tại những điểm thu hồ sơ do sở GD&ĐT quy định đối với thí sinh tự do. Năm 2015, nhiều thí sinh chỉ đăng ký một nơi dẫn đến tình trạng hồ sơ đăng ký dự thi bị thiếu, phải bổ sung, điều chỉnh.
Với thí sinh dự thi các trường năng khiếu, những năm trước thực hiện "3 chung", các em chỉ cần nộp hồ sơ vào trường, thi các môn văn hóa và năng khiếu do trường tổ chức. Từ năm 2015, khi thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia, các trường năng khiếu thực hiện tuyển sinh theo đề án riêng, môn năng khiếu do các trường tự tổ chức ra đề và coi thi.
Tuy nhiên, với môn văn hóa, thí sinh vẫn phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp hoặc lấy điểm các môn văn hóa để xét tuyển theo yêu cầu của trường năng khiếu. Do đó, ngoài hồ sơ nộp cho những trường này, thí sinh vẫn phải làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn cho học sinh. Ảnh: Quyên Quyên. |
- Năm ngoái, nhiều thí sinh bị sai đối tượng, khu vực ưu tiên dẫn đến tình trạng đỗ thành trượt. Ông lưu ý gì với thí sinh về vấn đề này?
- Năm nay, quy chế của Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể vấn đề này. Từ trước đến nay, văn bản của Bộ GD&ĐT quy định rất rõ về đối tượng ưu tiên, cũng như khu vực ưu tiên. Do đó, trước khi khai hồ sơ, các em cần đọc kỹ để khai đối tượng, khu vực cho đúng. Thí sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin. Các trường THPT, khi nhận hồ sơ của các em, cũng cần rà soát trước khi nộp cho các sở GD&ĐT.
- Trong thông tư có nêu điểm d khoản 4 Điều 49 được sửa đổi, bổ sung: Thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 môn đó; không được dự thi các môn thi tiếp theo. Thí sinh sẽ không được sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ? Như vậy có thiệt cho sĩ tử?
- Nếu thí sinh bị đình chỉ thi sẽ mất đồng thời cả hai quyền lợi: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh bị đình chỉ nghĩa là vi phạm lỗi rất nặng hoặc đã vi phạm nhiều lần. Năm 2015, quy chế không có điều này nhưng sau đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu ban hành văn bản kèm theo để xử lý. Văn bản yêu cầu nếu bị đình chỉ, thí sinh sẽ bị tước quyền xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Đây là hình thức để răn đe nghiêm khắc những thí sinh có ý định vi phạm quy chế thi. So với năm ngoái, quy định này được đưa ngay từ đầu.
- Trong quy chế cũng nêu mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Mã số này có nhận biết được thí sinh chỉ thi xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ không?
- Chỉ những thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ mới có mã số xác định. Những em chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp sẽ không có mã số này.
Năm 2015, thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển ĐH, còn những em chỉ xét tốt nghiệp không có giấy chứng nhận này.