Quấy rối tình dục trên đường phố từ lâu không còn là một vấn đề mới. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, nhiều người phụ nữ đã phải lên tiếng, cho biết mình cũng từng bị như thế.
Tối 21/4 tại ngã tư đường Đê La Thành (Hà Nội), 2 nam thanh niên đang đi đường, nhìn thấy 2 cô gái liền giơ tay sờ vào mông một trong hai người và gọi “em ơi, em à...”.
Ngay sau đó, 2 cô gái đã dừng xe, gọi CSGT đang đứng gần đó, yêu cầu được xin lỗi. Sự việc thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường.
Trước mặt đám đông và cảnh sát, 2 thanh niên đã nhận lỗi và cho biết đây là hành động "trêu đùa". 2 cô gái được khuyên bỏ qua việc truy cứu. CSGT cũng cho hòa giải, tránh ùn tắc giao thông.
Khi những vụ việc sàm sỡ trong thang máy ở Hà Nội và TP.HCM còn đang là tâm điểm quan tâm trên mạng, câu chuyện của 2 cô gái trên như góp phần gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cho phái nữ ở nơi công cộng.
Lúc này, một câu hỏi có lẽ sẽ được nhiều người quan tâm: Những người bị sàm sỡ, quấy rối nơi công cộng sẽ hành xử như thế nào ngay lúc đó? Có phải cô gái nào cũng đủ bình tĩnh, cứng rắn để đòi lại công bằng cho bản thân?
Tôi cũng từng bị như thế...
"Tôi vừa chuyển tới New York (Mỹ) gần đây. Một ngày, khi đang ngồi trên tàu cao tốc, có một gã đàn ông đến đứng trước mặt tôi. Sau đó, hắn bắt đầu nghịch 'cái đó' của mình trong khi nhìn vào tôi. Thật bệnh hoạn", cô gái tên Gina kể.
Có cùng trải nghiệm, Julie (sống tại Pháp) cho biết: "Có lần tôi đang đứng đợi tàu điện ngầm ở Paris, một người đàn ông mặc vest tiến đến hỏi xin số điện thoại. Khi bị từ chối, hắn đã nhổ nước bọt 3 lần lên giày của tôi. Có nhiều người ở xung quanh chứng kiến câu chuyện, nhưng chẳng ai có phản ứng gì. Khi tàu đến, hắn cũng lên và tiến đến nhắm vào một cô gái khác".
Cô gái tên Reanon thậm chí còn không dám tưởng tượng nếu không phải đang ở nơi đông người, chuyện gì sẽ xảy ra với mình.
"Một lần nọ, tôi đang ngồi ở bến xe buýt thì có gã đàn ông trung tuổi tiến đến nói chuyện, sấn sổ vào tôi. Tôi đẩy hắn ra và chạy nhanh lên chiếc xe buýt vừa tới. Hắn lên theo sau, cố gắng hất váy tôi lên. Tôi đã la hét, mắng chửi hắn nhưng chẳng ai trên xe có vẻ tin là tôi đang gặp nguy hiểm", Reanon nhớ lại.
Những ký ức đáng quên của Gina, Julie hay Reanon là 3 trong số nhiều trường hợp được chia sẻ trong bài báo của The Guardian.
Nhiều cô gái chấp nhận việc bị trêu ghẹo, sàm sỡ trên đường phố là một phần của cuộc sống hàng ngày. Tranh: Opmed. |
Theo khảo sát của trang Plan-uk, có tới 66% phụ nữ Anh từng bị quấy rối, cả bằng lời nói và hành động ở nơi công cộng; 38% bị quấy rối bằng lời nói ít nhất một lần/tháng; 15% bị động chạm, sờ mó, từ việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng đến đi bộ trên đường phố.
Điểm chung trong phản ứng ở các nhóm nạn nhân là đều lúng túng, cảm thấy nhục nhã, sợ sệt và cho rằng bản thân bị hạ thấp mỗi khi bị quấy rối.
Bên cạnh đó, sự thờ ơ của những người chứng kiến sự việc càng làm cho các nạn nhân cảm thấy tồi tệ hơn, giống như sự im lặng đó thể hiện thông điệp rằng: đó là điều mà các cô gái phải chấp nhận.
Kết quả là, nhiều cô gái thực sự chấp nhận rằng hành vi này như là một phần của cuộc sống hàng ngày, đến mức một số người nói rằng họ cảm thấy đó chỉ là một phần bình thường trong quá trình trưởng thành, theo Plan-uk.
'Tôi phải làm sao đây?'
Đó hẳn là thắc mắc chung của nhiều cô gái nếu bị rơi vào hoàn cảnh bị sàm sỡ trên đường phố.
Theo trang Ihollaback.org, việc đảm bảo an toàn cho bản thân là ưu tiên hàng đầu. Đừng quá cố gắng phản kháng quyết liệt hay lăng mạ kẻ xấu nếu xung quanh không có sự trợ giúp.
Đầu tiên, hãy cố gắng giữ bản thân được bình tĩnh. Nhìn thẳng vào mắt kẻ quấy rối và nói với giọng cứng rắn, rõ ràng, nói lớn lên cho người qua đường nghe thấy những gì kẻ quấy rối vừa nói hoặc làm với bạn.
Cách này sẽ giúp thu hút được sự chú ý của người khác và làm cho kẻ quấy rối phải chùn bước vì hành vi của mình có thể bị người khác nhìn thấy.
Phụ nữ nên trang bị cho bản thân những biện pháp đối phó với nạn quấy rối trên đường phố. Tranh: Raccoon2517. |
Thứ hai, đừng đáp lại những lời trêu ghẹo của kẻ quấy rối, dù với thái độ nào. Những kẻ quấy rối có thể cố gắng tạo ra cuộc hội thoại với bạn bằng những lời khó nghe hay trêu ghẹo, cợt nhả. Khi đó, đừng "khẩu chiến" với chúng, điều đó chỉ khiến cho kẻ quấy rối thêm thích thú, kích thích hành vi của chúng.
Tránh ở một mình ngoài đường, nơi vắng vẻ, ngõ nhỏ, đường lạ hoặc với những người bản thân cảm thấy không tin tưởng. Hạn chế ra ngoài vào ban đêm, nếu đi thì nên đi cùng 2, 3 người. Khi cảm thấy có người đi theo, hãy tạo ra tiếng động hoặc bấm sẵn số điện thoại khẩn cấp, khi cần sẽ gọi ngay.
Nếu phải ra ngoài một mình vào buổi tối, hãy trang bị những vật phòng thân như bình xịt hơi cay, đồ vật phát ra tiếng động như còi, kèn...để tự vệ và kêu gọi sự chú ý. Nếu có thể, hãy học một môn võ tự vệ để có thể chống trả khi rơi vào tình huống nguy hiểm.
Có 'vui' không?
Trong câu chuyện của 2 cô gái trên đường Đê La Thành kia, dù 2 nam thanh niên chống chế rằng chỉ là hành động "đùa vui" song bất cứ cô gái nào nhìn vào cũng biết, nó chẳng hề "vui" chút nào.
Liên Hợp Quốc định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể.
Có từ 67-87% phụ nữ và trẻ em gái đã ít nhất bị một lần quấy rối ở nơi công cộng, theo ActionAid. Ảnh: Menrepeller. |
Theo định nghĩa, những hành động như: nhìn chằm chằm hoặc thể hiện cử chỉ mà người đó không muốn; gửi thư, tin nhắn, gọi điện tán tỉnh, quấy rối, đùa giỡn, đặt câu hỏi hoặc bình luận về tình dục khiến đối tượng khó chịu; gọi một người lớn là “gái”, “khoai to”, “em yêu”; huýt sáo trêu ghẹo; hay khi thảo luận công việc lại chuyển qua nói chủ đề tình dục cũng được coi là quấy rối tình dục.
Định nghĩa này nhấn mạnh yếu tố “không mong muốn" của hành động.
Nạn nhân bị quấy rối tình dục bề ngoài vẫn có thể chấp nhận để hành vi đó diễn ra ở mức độ nào đó, nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và gây khó chịu.
Như vậy, theo định nghĩa, nhiều người đồng tình rằng hành vi động chạm vòng 3 cô gái của nam thanh niên kèm lời nói "em ơi, em à..." hoàn toàn đủ yếu tố được xem là hành vi quấy rối tình dục.
Trong các nghiên cứu gần đây của ActionAid tại Việt Nam thì có từ 67% (số liệu năm 2016) - 87% (số liệu năm 2014) phụ nữ và trẻ em gái đã ít nhất bị một lần quấy rối ở nơi công cộng. Quan trọng hơn là 2/3 những người chứng kiến (67%) sự việc không làm gì cả.
Theo bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phần lớn những người chứng kiến cho rằng chỉ khi có hiếp dâm thì mới là quấy rối hoặc là con gái/phụ nữ thì chắc chắn là phải vui vì có người “trêu”.
"Thực sự không hiểu sao vẫn có những nam giới cho rằng việc trêu ghẹo, động chạm phụ nữ là hành vi không có gì to tát, thậm chí 'có xinh thì mới được trêu'. Mình từ bị động chạm vòng một khi đi trên đường trước đây, dù hành vi đó diễn ra trong thoáng chốc vẫn khiến mình bị ám ảnh, sợ hãi đến tận bây giờ", Kiều Ngọc (23 tuổi) nói.