Sự việc nhân sự bị sa thải do ngủ gật ở doanh nghiệp Trung Quốc gây xôn xao. Ảnh minh hoạ: Cottonbro Studio/Pexels. |
Một người đàn ông họ Zhang, quản lý tại một công ty hoá chất ở Thái Hưng, Giang Tô (Trung Quốc), bị sa thải sau khi ngủ gật trên bàn do làm việc quá sức. Sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm cuộc tranh cãi trên MXH xứ tỷ dân.
Sau khi bị đuổi việc một cách vô lý, nhân sự này lập tức nộp đơn kiện công ty và được bồi thường 48.000 USD. Câu chuyện này hé lộ một phần văn hoá 996 khốc liệt - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối suốt 6 ngày/tuần - tại Trung Quốc, theo SCMP.
Cảnh tượng quản lý Zhang ngủ gục trên bàn bị camera giám sát của doanh nghiệp ghi lại, dẫn đến quyết định sa thải. Ảnh: JSTV.com. |
Bị sa thải vì ngủ gật do kiệt sức
Zhang là quản lý, cống hiến cho công ty hiện tại 2 thập kỷ. Sau khi ngồi trên một chuyến xe liên quan đến công việc kéo dài đến nửa đêm hôm trước, quản lý này ngủ gục trên bàn trong ngày làm việc tiếp theo.
Camera giám sát nhanh chóng ghi lại cảnh này. 2 tuần sau khi sự việc diễn ra, phòng nhân sự của công ty đưa ra thông báo công khai về việc “Zhang bị bắt gặp ngủ gật tại nơi làm việc do kiệt sức”. Anh cũng ký nhận vào biên bản này.
Trong bản ghi cuộc trò chuyện nội bộ trên WeChat, một nhân viên hành chính - nhân sự hỏi: “Quản lý Zhang, hôm đó anh ngủ trưa bao lâu?”. Câu trả lời được anh đưa ra là: “Khoảng một tiếng”.
Sau khi tham khảo ý kiến công đoàn, doanh nghiệp này ban hành thông báo sa thải nhân sự với lý do vi phạm nghiêm trọng quy định của tổ chức.
“Zhang, anh vào công ty từ năm 2004 và ký hợp đồng lao động vô thời hạn. Tuy nhiên, hành vi ngủ gật khi làm việc của anh vi phạm nghiêm trọng quy định của doanh nghiệp, nhận về hình thức kỷ luật không khoan nhượng.
Với sự đồng tình từ phía công đoàn, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh, chấm dứt toàn bộ mối quan hệ lao động giữa anh và tổ chức”, thông báo nêu rõ.
Tình trạng làm việc quá sức diễn ra phổ biến ở nhân sự Trung Quốc. Ảnh minh hoạ: Mikhail Nilov/Pexels. |
Nhân sự khởi kiện, công ty bồi thường
Cho rằng hành động sa thải này tương đối bất công, Zhang lập tức đệ đơn kiện công ty. Khi đánh giá vụ việc, toà án khẳng định chủ doanh nghiệp có quyền chấm dứt hợp đồng lao động nếu nhân sự vi phạm các quy định đã đề ra.
Tuy nhiên, quyết định chấm dứt này phải tuân thủ các điều kiện cụ thể, được xét trong hoàn cảnh khách quan, minh bạch.
“Ngủ gật trong giờ làm việc lần đầu không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nào cho công ty”, Ju Qi, một thẩm phán tại Tòa án nhân dân Thái Hưng, Giang Tô (Trung Quốc), giải thích.
Hơn nữa, thời gian 20 năm cống hiến cho công ty của Zhang bao gồm thành tích xuất sắc, quyết định thăng chức và tăng lương. Toà án nhận định quyết định sa thải được đưa ra sau một lần vi phạm là hoàn toàn vô lý.
Cuối cùng, toà đưa ra phán quyết có lợi cho Zhang, yêu cầu doanh nghiệp bồi thường 48.000 USD cho người lao động.
Sự việc này nhanh chóng tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
“Ngủ trong giờ làm việc là hành động sai, nhưng công ty không cần khắc nghiệt như vậy. Nếu những sai lầm nhỏ như thế có thể dẫn đến quyết định sa thải, thì việc sa thải trở nên quá dễ dàng”, một người dùng bình luận.
Câu chuyện của Zhang cũng phần nào tái hiện văn hoá làm việc độc hại tại nhiều doanh nghiệp ở xứ tỷ dân. Tình trạng kiệt sức ở nhân sự diễn ra phổ biến do quá tải công việc, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.