Bi hài chuyện ăn mặc trong phim Việt
Có rất nhiều diễn viên đã từng than thở khi vào vai giám đốc hoặc thương gia, bởi nhận vai có nghĩa là phải tự đầu tư trang phục, ngốn hàng đống tiền...
Trang phục cho phim, chuyện tưởng nhỏ nhưng đã bao lần khiến khán giả phản ứng kịch liệt hoặc thì thầm khen ngợi, bởi ai cũng biết đó là một trong những khâu toát lên bộ mặt tinh thần của phim. Nhìn vào trang phục người ta có thể đoán đó là thời kỳ nào, nhân vật ấy ra sao, hiền dữ, trung thần hay gian nịnh…. Đã có nhiều phim gần như lĩnh án “tử hình” bởi không khắc họa được tính cách nhân vật, vì không thể để hình ảnh một ông vua Hồ lại đóng khố một cách thô sơ, hay một cô thôn nữ lại có thể ăn mặc như một cô tiểu thư con ông hội đồng.
Chi Bảo trong trang phục của Lục Vân Tiên |
Trong phim Hương phù sa của đạo diễn Võ Tấn Bình, hình ảnh của hai cô Út Ráng và Út Nhỏ trong trang phục đầm ngắn, váy màu hoặc quần Tây áo sơ mi bỏ thùng lái chiếc xuồng một cách sành điệu, khiến nhiều khán giả bực mình vì cho là không có thật với thôn nữ miền Tây. Nhưng với đạo diễn thì đó là sự cách tân cần thiết, vì dân miền Tây bây giờ rất tiến bộ, vả lại nhân vật là chủ một xưởng đóng tàu, nên được “quyền” ăn mặc bảnh bao. Đó là cái lý của anh khi muốn các nhân vật của mình không chỉ đẹp về ngoại hình mà cả trang phục cũng phải thay đổi để phù hợp sự đổi mới của các nhân vật.
Đó là phim xã hội, còn riêng phim xưa và cổ trang, cực khổ gấp trăm lần! Lúc làm phim Ngọn nến hoàng cung, đạo diễn Quốc Hưng đã nhức đầu khi cùng nhà thiết kế Thế Bảo lật tung hồ sơ để tìm các mẫu trang phục của thời Bảo Đại, phải đặt vải từ nước ngoài, phải tìm các nhân chứng sống để nắm rõ các chi tiết nhằm làm đúng tính cách nhân vật. Gần 2.000 bộ trang phục đã ra đời sau gần hai năm cật lực. Đến phim Lục Vân Tiên thì nhà thiết kế Kiều Việt Liên cũng vào cuộc để phác họa cho gần 400 bộ trang phục cho tất cả các nhân vật trong phim. Đây có thể xem là một cuộc đầu tư nghiêm túc nhất cho các nhà sản xuất phim, tất nhiên bộ phim đã được khán giả nhìn nhận là nghiêm túc và đàng hoàng.
Trang phục của phim Lục Vân Tiên (ở trên) và trang phục của Đan Trường trong phim Võ Lâm Truyền Kỳ |
Tin vui với làng điện ảnh Việt khi nhà thiết kế Võ Việt Chung được nhà sản xuất phim Hollywood mời đích danh. Sau khi xem bộ sưu tập Hồn bướm mơ tiên của anh, họ đã liên lạc để mời anh thiết kế trang phục này cho phim có Chương Tử Di đảm nhận vai nữ chính.
Mới đây, đạo diễn Quan Lelan tuyên bố anh vừa đầu tư thành công mẫu trang phục cổ trang, với chất liệu gọn nhẹ trông như thật. Dù chỉ là một mẫu quảng cáo nhưng xem ra nhân vật trong phim đã làm hài lòng tất cả những ai từng chứng kiến và anh hy vọng rằng đây sẽ là một bước ngoặt mới cho những ai đã từng đau đầu khi “dám” sản xuất các bộ phim dã sử.
Lý Hùng và Thùy Lâm trong phim Tây Sơn hào kiệt |
Quả thật, với bộ phim Tây Sơn hào kiệt NSƯT Lý Huỳnh vừa hoàn thành, ông đã từng đau đầu với bài toán trang phục nào cho phim. Với quân số hơn 1000 người trong nhiều trận chiến, dù ông đã chịu đầu tư toàn bộ trang phục mới, nhưng với các danh tướng trong phim, không phải lúc nào cũng dư tiền để làm tới nơi tới chốn. Cả bộ phim còn trăm thứ để lo nên chuyện Hoàng đế Quang Trung mặc áo hoàng bào như thế nào, công chúa Ngọc Hân mặc trang phục ra sao được ê kíp làm phim tính toán rất kỹ.
Quốc Thái tái hiện hình ảnh của Bảy Viễn ( ảnh trên) và Tăng Thanh Hà được cách tân trong phim Hương phù sa |
Tấn Beo - Hoài Linh trong phim Võ Lâm Truyền Kỳ |
Trong đời sống phim trường, có rất nhiều diễn viên đã từng than thở khi vào vai giám đốc hoặc thương gia, bởi nhận vai có nghĩa là phải tự đầu tư trang phục, ngốn hàng đống tiền. Và cũng lắm người reo mừng khi được giao đóng vai… nghèo, vì chỉ cần tốn vài trăm ngàn cho hàng chục bộ quần áo cũ kỹ, thô sơ là có thể vào vai một cách thoải mái. Có nhiều diễn viên tự nhận mình là mối quen của các shop quần áo cũ, vì mỗi khi có quần áo mới về, chỉ cần chủ shop alo là họ chạy ào ra để lựa những hàng độc để dành cho các vai diễn lần sau.
Chi Bảo trong vai Bang chủ cái bang |
Ngô Thanh Vân với hình ảnh phụ nữ... xưa trong Dòng máu anh hùng |
Bài và ảnh: Lữ Đắc Long
Theo Bưu điện Việt Nam