Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi hài teen làm mẹ: Trái non chín ép

Hiện tượng tảo hôn đã biến nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thành những bà mẹ trẻ.

Học hành dang dở

Chị Mai Thị Xuân - cán bộ chuyên trách dân số xã Ba Cụm Nam và chị Tro Thị Khoanh - cộng tác viên dân số đưa chúng tôi đến thăm chị em Bo Bo Thị T. và Bo Bo Thị H. (thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam). Cả hai chị em này đều làm mẹ ở tuổi vị thành niên.

Thoáng thấy bóng khách trước cửa, Bo Bo Thị T. lập tức lẩn tránh. Chị Khoanh cho biết, T. có bầu khi mới học cấp 3 nên phải nghỉ học. Em suốt ngày mặc áo khoác rộng nên cả nhà không biết. Chỉ đến khi gần sinh, chuyện mới vỡ lở.

Con của T. giờ đã gần 2 tuổi, em đành phải làm mẹ đơn thân khi cha đứa trẻ không chịu cưới T. mà đi lấy người khác. Em gái ruột T. là Bo Bo Thị H. và cậu bạn cùng lớp thương nhau khi đang học lớp 10. Cả hai cùng nghỉ học để cưới theo phong tục. Giờ con của H. đã 14 tháng tuổi, nhưng vợ chồng chưa đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định.

Cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho các bà mẹ vị thành niên.

Lấy chồng sớm, cuộc sống vất vả đã khiến các em già hơn nhiều so với tuổi, rụt rè và thiếu tự tin trong giao tiếp. Do vợ chồng H. chỉ có vài sào rẫy nên chồng phải đi làm phụ hồ thêm để lo cho gia đình. Dỗ đứa con nhỏ, H. kể, em phải dậy từ 5h sáng; nuôi con nhỏ vất vả nhất là khi nó bệnh. Khi được hỏi: “Em có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và bạn bè không?”, em bảo: “Nhớ chứ, nhưng không có điều kiện gặp vì không có thời gian mà đi”. Nếu còn đi học, chắc hẳn H. đã cùng các bạn trải qua kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi.

Được động viên mãi, cuối cùng Bo Bo Thị T. cũng chịu trò chuyện với chúng tôi. Ánh mắt buồn bã của em cứ mãi nhìn xuống, ngại ngần. Tiếng T. nhỏ như muỗi kêu, hỏi gì cũng chủ yếu trả lời: dạ, không. T. kể về nỗi vất vả khi phải làm mẹ đơn thân, nỗi sợ khi con bệnh phải ẵm lên Trạm Y tế xã xin thuốc. Hai mẹ con làm rẫy vẫn không đủ sống, phải dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ, ông ngoại. Em nói" "Thỉnh thoảng ôm con nhìn các bạn đi học, em lại thấy nhớ trường. Giá thời gian quay lại, em sẽ chọn đi học”.

Con trẻ... làm mẹ trẻ con

Cưới chồng theo phong tục từ năm 15 tuổi, Mấu Thị L. (17 tuổi, thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam) giờ đã có con 13 tháng tuổi. Vụng về dỗ con, L. hồn nhiên bảo: “Con mình đã phải đi viện 2 lần, nhưng toàn bà ngoại chăm. Nó không theo mình mà theo bà ngoại thôi. Đưa nó đi rẫy hay đi đâu với mình là nó khóc. Nó chỉ chịu mình khi cho bú thôi”. Hai vợ chồng L. được nhà chồng cho 9 sào rẫy trồng bắp nhưng bị khỉ hái mất trái, cuộc sống hàng ngày vẫn nhờ vào cha mẹ. Vợ chồng L. cũng chưa đăng ký kết hôn vì “mình còn nhỏ tuổi lắm”.

Mồ côi cha mẹ, Cao Thị T. (thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam) học hết lớp 7 thì nghỉ học, rồi lấy chồng (năm 2012). Khi ấy T. được 17 tuổi. Căn nhà nhỏ được bên chồng dựng nên cho vợ chồng T. trống tuềnh toàng. Phòng ngoài duy nhất chỉ có chiếc võng, phòng trong có 1 chiếc giường thêm chiếc võng nữa. Chồng đi rẫy, T. ôm con nhỏ ngại ngùng tiếp chuyện khách. Em bảo lúc mới sinh, chưa biết chăm con nên phải nhờ mẹ chồng và các chị dạy. Chồng T. sinh năm 1994, hai vợ chồng vừa đăng ký kết hôn vì mới đủ tuổi.

Vượt qua cây cầu treo, chị Trần Thị Kim Ly - cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình thị trấn Tô Hạp và chị Bo Bo Thị Phương - cộng tác viên dân số dẫn chúng tôi đến thăm nhà em Bo Bo Thị X. (thôn Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp). Nhìn X. địu con trên lưng, chúng tôi cứ ngỡ cô bé đang địu em. Học hết lớp 7, em nghỉ, rồi lấy chồng năm 15 tuổi. Về lý do lấy chồng sớm, X. bảo “để cùng làm ăn”. 16 tuổi sinh em bé, bây giờ, con của X. đã được 4 tháng tuổi. Chồng vắng nhà, hai mẹ con ở nhà ngoại để nhờ cậy vừa nuôi ăn vừa giúp chăm con.

Theo báo cáo của trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình, năm 2011 có 20 cặp vợ chồng tảo hôn/225 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn (chiếm 8,89%); năm 2012 có 38 cặp tảo hôn (chiếm 19,39%); năm 2013 có 35 cặp tảo hôn (chiếm 23,98%). Tổng cộng 3 năm, có 93 cặp vợ chồng tảo hôn/567 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn (chiếm 16,41%). Tính theo độ tuổi, có 1 trường hợp có chồng khi mới 13 tuổi (xã Ba Cụm Nam), 9 trường hợp có chồng khi 14 tuổi, 14 trường hợp có chồng khi 15 tuổi, 32 trường hợp có chồng khi 16 tuổi và 37 trường hợp có chồng khi 17 tuổi.

http://www.baokhanhhoa.com.vn/phong-su/201407/trai-non-chin-ep-2328675/

Theo N.D - P.H/Báo Khánh Hòa

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm