Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị hãm hiếp 5 năm trước, khởi kiện thế nào?

5 năm trước tôi bị người làm thuê hiếp dâm nhưng do sợ cha mẹ nên không dám nói ra. Bây giờ tôi muốn khởi kiện người đó.

Nếu tôi quay camera và ghi âm cuộc nói chuyện người đó nhận tội có thể coi là bằng chứng không?

Thủy An (Bắc Giang)

Trả Lời:

Theo quy định của pháp luật tại Điều 111 Bộ luật hình sự thì một người bị xử lý hình sự về tội Hiếp dâm khi có đầy đủ các yếu tố sau:

- Người thực hiện hành vi phải đạt đến độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 12 Bộ luật hình sự), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm.

- Hành vi được thực hiện với lỗi cố ý

 - Hành vi “hiếp dâm” là hành vi giao cấu trái ý muốn của nạn nhân.

Trường hợp người thực hiện hành vi chưa đủ 14 tuổi thì mặc dù có hành vi giao cấu trái ý muốn nhưng cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự do người thực hiện hành vi chưa đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Khoản 3 Điều 111 quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội hiếp dâm là chung thân nên theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình” thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tại điểm d khoản 2 Điều 23 thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm. Điều này có nghĩa là nếu hành vi hiếp dâm được phát hiện sau 20 năm kể từ ngày thực hiện tội phạm thì người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Sự việc của bạn mới xảy ra cách đây 5 năm, do đó, nếu bạn chứng minh được tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi phạm tội đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì bạn hoàn toàn có thể tố cáo hành vi phạm tội của người đó trước cơ quan có thẩm quyền. Điều quan trọng là bạn phải xuất trình được chứng cứ chứng minh cho hành vi phạm tội của người đó.

Tại Điều 81, khoản 2 điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự ghi nhận: Chứng cứ là những gì có thật, là “Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”. Camera, ghi âm cuộc trò chuyện là tài liệu nghe được, nhìn được, tuy nhiên tài liệu này hiện nay bằng công nghệ hoàn toàn có thể cắt, ghép, làm giả được.

Do đó, để đảm bảo tính chính xác, xác thực thì camera, đoạn ghi âm sẽ là phương tiện để cơ quan điều tra đấu tranh khi bạn xuất trình kèm theo được văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự

Bạn có thể quan tâm