Trong hai năm qua, kỳ thi công chức ở Trung Quốc ngày càng thu hút nhiều người tham gia, trở thành chủ đề được tìm kiếm hàng đầu ở đất nước tỷ dân, theo Think China.
Mới đây, câu chuyện một cô gái ở tỉnh Tứ Xuyên mắc chứng tâm thần phân liệt sau 5 năm liên tiếp tham dự thi công chức đã đẩy các cuộc thảo luận về độ khốc liệt của kỳ thi này lên cao.
Cụ thể, ngày 7/4, China Newsweek đưa tin rằng cô gái trên trên không thể tìm được việc làm sau tốt nghiệp đại học và bị cha mẹ ép tham gia kỳ thi tuyển công chức suốt nhiều năm liền.
Dù vậy, cô vẫn không thể tìm được việc làm. Cô bắt đầu cư xử kỳ lạ từ năm ngoái, như nói năng lắp bắp và khoe khoang mình là trưởng phòng một công ty. Cô gái sau đó được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt.
Khi câu chuyện lan truyền, nhiều dân mạng đã bày tỏ sự xót xa, khi một cô gái trẻ đáng ra có tương lai rạng rỡ lại "vỡ vụn" trước áp lực, đến mức mắc bệnh tâm thần.
Nhiều người cũng bàn luận về mức độ khó khăn và sự cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi công chức, thắc mắc tại sao có rất nhiều phụ huynh lại ép con mình phải tham gia.
Những bình luận từ cư dân mạng cho thấy dù lo lắng cho hoàn cảnh của cô gái trẻ, họ không quá ngạc nhiên. Thực tế, có không ít phụ huynh ở Trung Quốc có nỗi ám ảnh điên cuồng với ngành công chức, thậm chí bất ổn tinh thần hơn cả con cái họ.
Nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận, chia sẻ trải nghiệm của bản thân hoặc câu chuyện của người khác, chỉ trích việc cha mẹ nước này kiểm soát con cái quá mức, nhân danh người sinh thành để áp đặt cuộc sống của con, từ đó gây ra nhiều bi kịch gia đình.
Cô gái trẻ mắc chứng tâm thần phân liệt vì thi công chức suốt 5 năm. |
Cạn kiệt tài chính, sức khỏe vì thi công chức
Theo Think China, kỳ thi tuyển công chức quốc gia của Trung Quốc bắt nguồn từ hệ thống thi cử của triều đình xưa. Phương pháp thi tuyển hiện tại được chính thức hóa vào năm 1994, là cách duy nhất để phần lớn mọi người có được công việc lâu dài với tư cách là công chức nhà nước.
Không giống như các kỳ thi học thuật như gaokao (đại học) hoặc kỳ thi tuyển sinh sau đại học, thi công chức là kỳ thi tuyển dụng để tìm việc làm.
Cuộc thi bao gồm một bài kiểm tra viết, phỏng vấn và đánh giá. Tuy nhiên, thay vì đánh giá năng lực chuyên môn của thí sinh, bài thi viết chủ yếu đánh giá kiến thức chung và khả năng suy luận. Bài thi đòi hỏi sự chuẩn bị đặc biệt vì yêu cầu lớn về nền tảng kiến thức và kỹ năng làm bài của thí sinh.
Bài kiểm tra thường bao gồm nhiều chủ đề, như chính trị và chính sách, kiến thức chung, phán đoán và lý luận, phân tích dữ liệu và viết.
Mặc dù bài kiểm tra không quá khó, tỷ lệ đậu rất thấp do số lượng lớn người dự thi cùng với hạn ngạch chấp nhận hạn chế, biến đây trở thành một trong những kỳ thi cạnh tranh nhất ở Trung Quốc.
Lấy ví dụ năm 2023, kế hoạch tuyển 37.100 người nhưng số lượng đăng ký lên tới gần 2,6 triệu, số người dự thi là hơn 1,52 triệu. Tỷ lệ tuyển dụng tổng thể là hơn 1/40, đối với một số vị trí cạnh tranh cao, tỷ lệ tuyển dụng là một trên một triệu.
Hồ sơ đăng ký thường mở vào tháng 10, với bài kiểm tra viết được tổ chức vào cuối năm và phỏng vấn sau Tết Nguyên đán năm sau. Sau đó là một cuộc xem xét chính trị trước khi bổ nhiệm những người vượt qua các vòng trước, khiến toàn bộ quá trình thi tuyển kéo dài, với sự cạnh tranh khốc liệt ở mọi giai đoạn.
Nhiều người tập trung tại hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 28/3. Ảnh: CNS. |
Nhiều thí sinh chọn học toàn thời gian sau khi tốt nghiệp đại học, hoặc nghỉ việc để tập trung chuẩn bị cho kỳ thi. Điều này có nghĩa họ sẽ không có thu nhập trong giai đoạn này và sẽ phải dựa vào tiền tiết kiệm của họ hoặc gia đình, điều này gây ra căng thẳng về tài chính và tâm lý bên cạnh áp lực của kỳ thi.
Nếu trượt kỳ thi, họ sẽ phải lặp lại chu kỳ kéo dài một năm này một lần nữa hoặc gặp nhiều trở ngại hơn khi tái gia nhập lực lượng lao động do khoảng cách việc làm trong hồ sơ.
Một số ứng viên có thể chọn vừa chuẩn bị cho kỳ thi công chức vừa làm việc, hoặc thậm chí vừa chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học vừa tìm việc làm. Đây là một phép thử đáng kể về năng lực cũng như nghị lực. Tuy nhiên, cố gắng thi cử theo cách này sẽ không hiệu quả bằng bỏ việc để tập trung hoàn toàn vào kỳ thi.
Một số người than thở rằng ngoài số ít người may mắn vượt qua, phần lớn các thí sinh cuối cùng "tiêu hết tài sản của gia đình, phá vỡ mọi mối quan hệ, sức khỏe suy yếu và mất đi sự minh mẫn".
Vào công chức vì danh dự gia đình
Dù kỳ thi công chức tốn kém và khó vượt qua, nhiều người vẫn muốn thử sức. Ngoài những người có lý tưởng "phục vụ nhân dân", hầu hết đều chọn thi vào công chức do áp lực gia đình và xã hội.
Nhiều bậc cha mẹ mang tư tưởng truyền thống ở Trung Quốc muốn con cái trở thành công chức không chỉ vì đó là "bát cơm sắt" (chỉ sự ổn định) mà còn vì được nhà nước công nhận là người có tư cách và năng lực xuất sắc.
Điều này sẽ mang lại "vinh dự cho gia đình", cha mẹ có thể tự hào với họ hàng và bạn bè của họ.
Một số người kể dù họ có công việc lương cao ở các thành phố lớn hay kiếm được mức lương hàng năm là 1 triệu nhân dân tệ (145.000 USD), cha mẹ vẫn nghĩ rằng họ "không có nghề đàng hoàng", chẳng thành công bằng công chức hay giáo viên ở quê - những người chỉ kiếm được vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng.
Nhiều phụ huynh Trung Quốc mong con vào làm nhà nước để "rạng danh gia đình". Ảnh: SCMP. |
Ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh mong con làm công chức vì sẽ không phải chịu văn hóa làm việc "996" khắc nghiệt của doanh nghiệp tư nhân, cũng không sợ bị mất việc ở tuổi trung niên. Cha mẹ muốn giúp con thi vào công vụ khi có đủ điều kiện tài chính, để con họ có một cuộc sống ổn định và an toàn.
Nhiều bình luận chỉ ra rằng nền công vụ không êm ái như các bậc cha mẹ tưởng tượng: ngoài một số ít vị trí ở các tỉnh phát triển có thu nhập 200.000 đến 300.000 nhân dân tệ hàng năm, phần lớn công chức bình thường có lương trung bình đến thấp, chỉ 2.000-3.000 nhân dân tệ/tháng.
Mặc dù đảm bảo về công việc, dân công chức cũng phải làm thêm giờ, áp lực không kém nhân viên công ty bình thường.
Thực tế, phụ huynh không phải "thủ phạm" duy nhất khiến cơn sốt công chức ngày càng gia tăng, nhiều người trẻ tuổi cũng quyết định theo đuổi sự ổn định trước áp lực ngày càng tăng về việc làm, cũng như tác động kinh tế và xã hội sau đại dịch.
Thống kê cho thấy số người đăng ký thi tuyển công chức của Trung Quốc vẫn ổn định ở mức khoảng 1,5 triệu người/năm kể từ khi đạt mốc 1 triệu vào những năm 2010.
Số lượng đăng ký tăng mạnh vào năm 2022, tăng hơn 500.000 người so với năm trước và lần đầu tiên vượt qua mức 2 triệu. Năm 2023, số người đăng ký thi công chức tăng 500.000 người so với năm 2022.
Có người nhận xét rằng cơn sốt công chức được thúc đẩy khi nền kinh tế tư nhân trở nên tồi tệ. Song kỳ vọng quá lớn từ gia đình và xã hội có thể trở thành "cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà", chính là những người trẻ tuổi tham gia kỳ thi này.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.