Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch của những cô gái Hàn yêu đàn ông vũ phu

Khi bị bạn trai dùng bạo lực, nhiều cô gái ở Hàn Quốc không nhận được sự giúp đỡ kịp thời bởi đây thường bị xem là "vấn đề cá nhân của những người yêu nhau".

Hwang Ye-jin (25 tuổi) bị đánh đập dã man tại khu nhà của mình ở Seoul, Hàn Quốc vào ngày 25/7. Kẻ tấn công là người đàn ông 30 tuổi mà cô đang hẹn hò. Hwang bị bạn trai ra tay dã man chỉ bởi cô đã kể về mối quan hệ của cả hai cho người khác, theo Korea Times.

Hwang bị sưng nặng ở phần mặt, chảy máu trong, gãy xương sườn và tổn thương phổi. Cô qua đời 3 tuần sau đó.

Sau cái chết của Hwang, mẹ cô đã công khai đoạn video về cảnh hành hung được camera giám sát ở lối vào tòa nhà ghi lại. Trong đoạn phim, cô gái 25 tuổi ngã gục xuống sàn sau khi bị gã bạn trai đẩy vào tường nhiều lần.

Sau đó, đoạn video cho thấy thủ phạm kéo Hwang đang bất tỉnh, chảy máu vào thang máy.

Người mẹ đã tiết lộ đoạn phim, ảnh và tên của con gái đồng thời đăng một bản kiến ​​nghị trên trang web của chính phủ Hàn Quốc, kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc kẻ gây án, với hy vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bạo hành và lạm dụng phụ nữ. Tính đến 30/8, bản kiến ​​nghị đã thu được hơn 350.000 chữ ký, cho thấy sự quan tâm và phẫn nộ trong công chúng.

Tại xứ củ sâm, những trường hợp như của Hwang không phải là hiếm. Nhiều người, chủ yếu là phụ nữ, từng bị người yêu bạo hành và lạm dụng.

Vấn đề bị xem nhẹ

Bạo lực hẹn hò là trường hợp trong mối quan hệ thân mật, một người lạm dụng nửa kia bằng lời nói, tình cảm, kinh tế, tình dục hoặc thể chất. Vì hầu hết nạn nhân là phụ nữ, nên nó được xếp vào loại bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, mỗi năm, khoảng 18.000 trường hợp bạo lực hẹn hò được ghi nhận: 14.136 trường hợp vào năm 2017, 18.671 vào năm 2018, 19.940 vào năm 2019 và 18.945 vào năm 2020.

dan ong Han Quoc danh ban gai anh 1

Hwang bị bạn trai hành hung dã man. Ảnh: SBS.

Theo báo cáo năm 2020 của Statistics Korea có tiêu đề "Thực trạng của bạo lực hẹn hò", trong số các vụ việc được ghi nhận vào năm 2019, 7.003 trường hợp, tương đương 71%, liên quan đến hành hung, tiếp theo là giam giữ và đe dọa ở mức 10,8%, bạo lực tình dục là 0,9% và giết người là 0,4%. Các trường hợp còn lại được xếp vào loại tội nhẹ.

Bất chấp tình trạng bạo lực hẹn hò phổ biến và thực tế là nó có thể dẫn đến tử vong, các luật liên quan và hệ thống để ngăn chặn vấn đề này vẫn chưa đủ. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do định nghĩa xã hội của Hàn Quốc về bạo lực hẹn hò chỉ đơn giản là "chuyện cãi vã của những người yêu nhau".

Do đó các cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp có xu hướng tránh can thiệp vào "vấn đề cá nhân của những người yêu nhau".

“Vì sự việc xảy ra giữa các cặp đôi, nhà chức trách điều tra coi đó là vấn đề tình cảm đơn giản, vì vậy họ không can thiệp, coi đó là chuyện bình thường và khép lại vụ án ngay tại chỗ”, Choi Seon-hye, giám đốc Đường dây nóng Phụ nữ Hàn Quốc, cho biết.

Cần xử lý mạnh tay

Theo bà Choi, các báo cáo về bạo lực hẹn hò đã tăng lên vì nạn nhân phản ứng quyết liệt và tích cực hơn trước, song các cơ quan điều tra vẫn chưa xem xét vấn đề này đúng mức.

Trong trường hợp của Hwang, kẻ tấn công cô đã gọi đến số điện thoại khẩn cấp 119 và nói những điều như: "Tôi vô tình đập đầu cô ấy vào cửa thang máy khi cố gắng di chuyển cô ấy" hay "Cô ấy đã uống rượu quá nhiều".

Hai ngày sau cuộc tấn công, phía công tố đã yêu cầu đưa ra lệnh bắt giữ kẻ gây án với cáo buộc gây thương tích. Tuy nhiên, một tòa án địa phương đã bác bỏ yêu cầu này vì cho rằng gã bạn trai không có khả năng bỏ trốn hoặc tiêu hủy bằng chứng.

dan ong Han Quoc danh ban gai anh 2

Hàn Quốc chưa có chế tài cụ thể xử lý nạn bạo lực hẹn hò. Ảnh: The New Paper.

Các chuyên gia nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về bạo lực hẹn hò cũng như thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng để xóa bỏ sự mơ hồ trong bất kỳ định nghĩa hay tiêu chuẩn nào về loại tội phạm này nhằm trừng phạt thủ phạm và bảo vệ nạn nhân.

"Chúng tôi gặp khó khăn trong việc ứng phó hoặc hỗ trợ nạn nhân bởi không có quy định cụ thể nào để kiểm soát bạo lực khi hẹn hò", Kim Do-yeon, người đứng đầu Viện Bạo lực Hẹn hò Hàn Quốc, cơ quan nghiên cứu chuyên thu thập dữ liệu và thúc đẩy các chính sách vì sự an toàn của phụ nữ.

Bà Choi cho biết những nạn nhân của nạn bạo lực hẹn hò gọi đến đường dây nóng thường nói điều họ sợ nhất là khả năng bị trả thù từ bạn trai - những kẻ biết thông tin cá nhân của họ, ví dụ như địa chỉ nhà, vì hầu như không có biện pháp pháp lý nào để bảo vệ họ.

"Họ từng có quan hệ tình cảm, vì vậy hung thủ biết rất nhiều về nạn nhân. Đó là lý do bạo lực hẹn hò cần được các cơ quan điều tra xử lý nghiêm túc hơn", bà nói.

Nỗi sợ bị lan truyền ảnh khiêu dâm giả của phụ nữ Hàn Quốc

Trước vấn nạn tội phạm tình dục kỹ thuật số, nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc không chỉ phải cảnh giác kẻ lạ mặt trên mạng mà còn cả chính những người quen biết.

Mai An

Bạn có thể quan tâm