Mỗi lần Thế vận hội kết thúc, người ta luôn nói về những VĐV xuất chúng, phần thưởng hào nhoáng họ có được. Nhưng không phải ai cũng được như Michael Phelps hay Simone Biles, những người nhận được các bản hợp đồng tài trợ kếch xù. Số còn lại, phần lớn gặp rất nhiều vấn đề khi Olympic kết thúc.
Thể thao Mỹ không phải là thiên đường
Nếu môn thể thao của bạn chỉ xuất hiện vài lần sau Olympic, hoặc bạn trở lại với phòng tập một cách yên ắng, khoản tiền bạn nhận được có thể biến mất nhanh chóng. Là nhà vô địch đấu kiếm, bạn cần duy trì ít nhất 20.000 USD/năm cho chi phí tập luyện và dụng cụ thi đấu. Tương tự cho nhiều môn khác, nơi các VĐV của Mỹ phải bỏ tiền túi ra tập luyện.
Không phải ai cũng được như Michael Phelps. |
Hơn 100 VĐV của đoàn thể thao Mỹ đã lập ra quỹ GoFundMe nhằm quyên góp kinh phí cho các hoạt động tập luyện sau Olympic. Và dĩ nhiên, mục đích nhằm duy trì một mức sống tối thiểu để tiếp tục tập luyện. Bi đát hơn, một số VĐV còn đề nghị được hỗ trợ lương thực.
Người Mỹ chỉ trả cho các VĐV 25.000 đô la cho một tấm HCV, 15.000 cho HCB và 10.000 cho HCĐ. Các VĐV còn phải trả khoản thuế thu nhập lên tới 39%. Xét tổng thể, một VĐV thành tích cao của Mỹ trung bình chỉ nhận được tối đa 50.000 USD tiền hỗ trợ một năm.
So sánh một chút, Ấn Độ tặng 10 triệu rupee (160.000 đô la) cho mỗi tấm HCV, 120.000 và 80.000 đô la cho các tấm HCB và HCĐ. Đi kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ khác.
Đến nỗi lo của những nhà triệu phú trẻ tuổi
Simone Biles giành 4 HCV và 1 tấm HCĐ tại Rio năm nay, trở thành biểu tượng số 1 của làng Thể dục dụng cụ Mỹ đương đại. Cô sẽ nhận vô số bản hợp đồng từ Nike, Special K và nhiều nhãn hàng khác. Có thể nói, kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp là nấc thang giúp Biles trở thành triệu phú. Cô gái trẻ năm nay chỉ mới 19 tuổi.
Debi Thomas (trái) không có được cuộc sống màu hồng sau Olympic.
|
Nhưng Biles cần làm rất nhiều thứ để có thể sống hạnh phúc với số tiền mình có. Giống như nhiều VĐV đồng trang lứa khác, Biles đã phải trải qua những năm tháng ròng rã luyện tập, chỉ nghĩ về màn trình diễn, phương pháp tập luyện và các cuộc thi. Sống cuộc đời một triệu phú chưa bao giờ đơn giản, đặc biệt khi đó là những VĐV thể thao thiếu kinh nghiệm sống.
Bi thảm nhất có lẽ là trường hợp của Debi Thomas. Giành HCĐ Olympic mùa đông 1988, nhà vô địch trượt băng nghệ thuật tuyên bố phá sản chỉ vài năm sau đó, dù cô thậm chí từng có bằng y khoa.
Visa – tập đoàn kinh doanh thẻ tín dụng hàng đầu thế giới, thậm chí đã lên kế hoạch tổ chức một khóa học quản lý tài chính cho các VĐV Olympic. Trên phạm vi toàn cầu, họ liên kết với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), hỗ trợ các dịch vụ ngân hàng, quản lý tài sản và quan trọng nhất: Cách thức quản lý tài chính cho những nhà triệu phú trẻ tuổi.
Ở Rio 2016, khóa học này đã được giới thiệu tại làng VĐV, tuy nhiên cho dù nhận được nhiều sự hỗ trợ và tư vấn chi tiết, nhiều VĐV vẫn cảm thấy khó khăn sau đó.
Sự khốn cùng của những nhà vô địch
Ronda Rousey chẳng thể đổi đời nhờ giành HCĐ tại Olympic Bắc Kinh 2008. |
Cô nàng đa tài Ronda Rousey không phải cái tên xa lạ trong làng thể thao. Nhưng ít người biết rằng, cô từng từng giành HCĐ tại Olympic Bắc Kinh 2008 môn judo. Vài tháng sau tấm huy chương giành được ở Trung Quốc, Rousey phải sống trong chính chiếc xe hơi cà tàng của mình.
Giã từ sự nghiệp sau Olympic, cô bước chân vào làng UFC thế giới, trở thành triệu phú và sau đó bán căn nhà di động hiệu Honda Accord của mình với giá 21.300 đô la trên eBay, do những người hâm mộ đấu giá.
Maritza Correia McClendon, kình ngư tham dự Olympic Athens 2004, mất hơn 1 năm để tìm việc sau khi giải nghệ. Ở tuổi 26, McClendon không có kinh nghiệm làm việc nào, ngoài bơi. “Mọi người đều bị ấn tượng khi biết bạn là một VĐV Olympic”, cô nói. “Nhưng với nhà tuyển dụng, điều đó không đảm bảo cho một công việc, khi kinh nghiệm là số 0”.
Rất nhiều vận động viên phải đối mặt với hàng núi chi phí sau khi Olympic kết thúc. Những khoản phí để duy trì tập luyện, thuê huấn luyện viên, và nếu không có các nhà tài trợ hào phóng, mọi chuyện có thể trở nên bi đát. Olympic 4 năm mới diễn ra một lần.