Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch của 'Vua Gan' từng ép các con trai ăn 15 quả trứng sống/ngày

"The Liver King" phơi bày chân dung gây sốc của một “ông hoàng nội tạng sống” - từ biểu tượng nam tính cực đoan đến kẻ nói dối bị bóc trần trên sóng truyền hình.

Với nhiều thanh niên, “nam tính” ngày nay được quảng bá như một nỗi ám ảnh với việc nạp thật nhiều protein và cư xử như thể đang sống trong một trận đấu WWE - không ngừng nghỉ, lúc nào cũng căng thẳng và phô trương.

Và đó chính là bối cảnh dẫn đến bộ phim tài liệu mới của Netflix Untold: The Liver King (ra mắt ngày 13/5). Nhân vật chính, tên thật là Brian Johnson (biệt danh Liver King), là một influencer thể hình nổi tiếng với triết lý “sống theo tổ tiên” như cách để vượt qua sự mệt mỏi hiện đại.

Phong cách này bao gồm việc hò hét không ngừng, tập luyện khắc nghiệt, thường xuyên nhắc đến từ “alpha” và ăn chế độ gần như toàn thịt sống, trong đó chủ yếu là nội tạng và bộ phận sinh dục động vật.

Kẻ ngốc biết nói dối

Liver King nổi giận với việc con người nghiện điện thoại, nhưng lại hợp tác với các công ty marketing để tạo ra những video giật gân, thiết kế riêng cho nhóm khán giả đó. Cảnh mở đầu phim là Liver King kéo một chiếc xe tải bằng dây xích - một hoạt động “đặc trưng người tiền sử”. Trong khi đó, vài người đàn ông khác đẩy xe từ phía sau.

Người đàn ông này biết không phải ai cũng có thể “sống nguyên thủy” hoàn toàn, nên ông bán một loạt thực phẩm chức năng, mang về doanh thu hàng năm hơn 100 triệu USD.

vua gan anh 1

Cảnh Brian Johnson kéo xe tải mở đầu phim tài liệu.

Dù quảng bá co được thân hình cơ bắp nhờ lối sống nguyên thủy, Johnson bị phát hiện đã tiêm steroid đều đặn với chi phí hơn 11.000 USD/tháng. Ông giờ đây còn làm việc đó ngay trên màn ảnh. Sau đó, influencer này thú nhận đã sống như một kẻ lừa đảo suốt đời, mỗi chương trong câu chuyện đều đủ gây choáng nếu dựng thành phim riêng.

Câu chuyện phát triển theo lộ trình dễ đoán, nhưng Untold: The Liver King có một lá bài tẩy: nó cực kỳ hài hước. “Tại sao phải ăn rau khi có thể ăn tinh hoàn?” là câu châm ngôn của Johnson. Khán giả dễ dàng cảm nhận niềm thích thú của ê-kíp làm phim trước nhân vật “vàng” của họ - người có rất nhiều phát ngôn gây sốc.

Sự lố bịch kiểu hoạt hình Hulk Hogan càng trở nên rối rắm bởi thực tế đáng báo động đằng sau. Johnson rõ ràng là kẻ ngốc, người nói dối chuyên nghiệp, phiên bản lố lăng của influencer, và là hiện thân của nam tính độc hại.

Nỗi đau của cha và con

Trong một cảnh rợn người, Johnson yêu cầu các con trai tuổi teen mổ một con bò đang hấp hối giữa đồng và ăn nội tạng còn đang đập của nó. Khán giả như có thể cảm thấy cả salmonella và E. coli ngọ nguậy ở đó.

Mối quan hệ giữa Johnson và hai cậu con trai “yếu ớt” - Rad “Ical” Johnson và Stryker “the Barbarian” Johnson - là trung tâm nỗi buồn của phim. Johnson thúc ép Stryker phát âm từ “steak” bằng giọng trầm và mạnh hơn. Stryker từng gãy chân nhưng không dám nói vì biết bố mình khinh thường thuốc giảm đau.

Hai cậu bé ăn 15 quả trứng sống/ngày, và trong phim tiết lộ rằng một nhân viên dịch vụ bảo vệ trẻ em thường xuyên đến kiểm tra. “Cô ấy bảo: ‘Tôi đến đây làm gì chứ? Bọn trẻ tuyệt vời mà’”, Johnson khoe, đầy ảo tưởng.

vua gan anh 2

Brian Johnson bị phát hiện sử dụng thuốc để tăng cơ bắp.

Nỗi đau gốc rễ của Liver King là việc ông mất cha từ năm 1 tuổi; nhưng ông lại không nhận ra mình đang tước đi hình mẫu người cha ổn định của chính con mình. Phim có thể đã mang tên Flesh Man Is in Trouble (tạm dịch: Ông thịt đang gặp họa).

Khác với nhiều loạt phim cùng chủ đề như Devil in the Family chia câu chuyện ra ba tập trở lên, The Liver King chỉ gói gọn trong 70 phút - toàn “protein”, không mỡ thừa - khiến người xem mong được xem thêm.

Bàn tay đạo diễn Joe Pearlman thể hiện rõ nét qua sự dí dỏm tinh tế, kết hợp giữa Tiger King, Spinal Tap và bi kịch cổ điển. Khi bộ phim kết thúc dưới ánh hoàng hôn, khán giả được mời gọi đặt câu hỏi về tính xác thực của một số chi tiết, bởi cả phim tài liệu lẫn video mạng đều dùng chung vài “chiêu trò” kể chuyện.

Những câu chuyện influencer “sụp đổ” luôn mang dáng dấp những ngụ ngôn thời hiện đại, phản ánh những gì xã hội đề cao. Nhưng scandal chỉ hủy hoại những người còn biết xấu hổ. Phim kết thúc bằng hình ảnh một Johnson lạc quan, cho rằng "triều đại" của mình chỉ mới bắt đầu. Ông đã biến trang trại thành nơi bán thực phẩm và tụ điểm cho các “người nguyên thủy” còn tin vào thông điệp của ông.

“Người ta hỏi sao tôi không mở khóa tu, hay đại loại thế? Chắc tôi sẽ mở 302 cái", Johnson nói.

Bộ mặt thật biến thái của 'nữ thần cosplay' Nhật Bản

Trái với hình tượng "dễ thương và ngọt ngào" thể hiện ra bên ngoài, Saki Sato bị lật tẩy là người có tính cách thao túng, bạo lực, hành hạ tinh thần lẫn thể xác bạn trai.

Những đứa trẻ tim rỗng

Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.

Lê Vy

Ảnh: Netflix

Bạn có thể quan tâm