Guccio Gucci sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm đồ da. Ông có cơ hội tiếp xúc với chất liệu thời trang cao cấp từ thuở nhỏ. Tuy nhiên, nhà sáng lập lại không lựa chọn kế nghiệp của cha.
Đam mê dịch chuyển của nhà sáng lập
Ông có niềm đam mê du lịch khắp nơi trên thế giới từ London (Anh) sang Paris (Pháp) và kiếm sống bằng các công việc khác nhau như phục vụ bàn, rửa bát hay phục vụ khách sạn.
Chân dung Guccio Gucci. Ảnh: Sohu. |
Guccio từng phục vụ tại khách sạn nổi tiếng Savoy, London. Nhà thiết kế có cơ hội được chiêm ngưỡng những phong cách thời trang thanh lịch của giới thượng lưu và người nổi tiếng tại đây. Từ đó, ông hình thành thói quen ghi chép lại những kiểu dáng vali được làm bằng thủ công vào quyển sổ riêng.
Năm 1921, ông quyết định trở lại quê hương và kế nghiệp gia đình tại Florence, Italy. Ở đây, ông mở một cửa hàng bán vali và túi xách với quy mô xưởng hơn 60 thợ lành nghề để sản xuất chất liệu da cao cấp.
Thiết kế của Gucci được truyền cảm hứng từ những đường đua ngựa. Khách hàng của thương hiệu phần lớn là giới thượng lưu du lịch qua các thành phố vào mùa hè. Theo thời gian, danh tiếng của nhãn hàng ngày càng lan rộng và bắt đầu được nhiều tín đồ trên thế giới biết đến.
Xưởng làm đồ da của Gucci ở Italy. Ảnh: WWD. |
Bamboo Handle làm nên tên tuổi cho thương hiệu
Một trong những thành công lớn tạo nên thương hiệu Gucci là dòng túi Bamboo Handle. Năm 1932, thương hiệu Italy ra mắt đôi loafer đầu tiên cùng các loại dây buộc hành lý. Mẫu giày làm bằng chất liệu da cao cấp cùng thiết kế đơn giản cũng trở thành biểu tượng với tên gọi Horsebit.
Tuy nhiên, phải đến năm 1947 khi dòng túi Bamboo Handle ra mắt mới gây tiếng vang cho thương hiệu Italy. Thiết kế quai làm bằng tre uốn cong hình chữ U lạ mắt.
Một trong những lý do khiến Gucci quyết định sử dụng quai tre vì sự khan hiếm về chất liệu sau chiến tranh. Việc thay đổi này vô tình trở thành xu hướng và được yêu thích rộng rãi, trong đó có nữ diễn viên danh tiếng Grace Kelly.
Mẫu túi Bamboo Handle đầu tiên của nhà Gucci. Ảnh: Vogue. |
Cột mốc đáng nhớ của thương hiệu cao cấp Italy
Năm 1953 được xem là cột mốc đáng nhớ của thương hiệu. Nhà thiết kế Guccio Gucci qua đời. Sự ra đi của ông để lại nhiều đáng tiếc cho nhà mốt. Tuy nhiên, cơ đồ mà Gucci gầy dựng vẫn tiếp tục được phát triển và vươn xa. Bảo chứng là cửa hàng đầu tiên của hãng chính thức khai trương tại thành phố New York, Mỹ.
Những năm 1960, thương hiệu Gucci quyết định sử dụng biểu tượng GG cho các dòng sản phẩm của mình. Con trai của Gucci là Aldo đã dùng hai chữ đầu ở họ và tên cha để làm logo đặc trưng cho thương hiệu cao cấp.
Logo GG được bắt nguồn từ tên Guccio Gucci. Hai chữ G được lồng ghép vào nhau đơn giản nhưng đầy tinh tế. Sự ra đời cửa biểu tượng GG tạo nên dấu ấn riêng cho thương hiệu xa xỉ. Có thể nói, nhà mốt Italy đề cao tính thương hiệu theo năm tháng.
Dải ruy băng xanh lá và đỏ lấy cảm hứng từ đai yên ngựa cùng khóa horsebit trở thành biểu tượng xa xỉ của thương hiệu Italy. Ảnh: 24cara. |
Bi kịch gia tộc
Năm 1983, Rodolfo Gucci - một trong những anh em nhà Gucci qua đời, để lại cổ phần cho con trai Maurizio Gucci. Ngay lập tức, ông với cậu ruột Aldo tranh giành quyền kiểm soát thương hiệu.
Sau cuộc kiện tụng kéo dài nhiều năm, Aldo Gucci chỉ còn giữ được cổ phần 17% của thương hiệu gia đình và phải ngồi tù vì tội trốn thuế khi đã hơn 80 tuổi. Maurizio trở thành thành viên duy nhất của gia đình giữ vị trí lãnh đạo ở thương hiệu.
Maurizio Gucci và người vợ Patrizia Gucci được xem là bộ đôi quyền lực, khẳng định sự hào hoa gắn liền với cái tên Gucci.
Ban đầu, cả hai đến với nhau vì tình yêu, nhưng sau một thời gian chung sống, bà không chịu nổi tính trăng hoa của chồng. Vì được chiều chuộng từ thuở nhỏ nên Maurizio chỉ biết tiêu tiền, không chăm lo cho thương hiệu thời trang của gia đình. Trong khi đó, Patrizia rất nỗ lực giúp đỡ chồng trong việc dẫn dắt thương hiệu.
Lối sống xa hoa của ông khiến Gucci bị thua lỗ 33 triệu USD trong năm 1991. Thời điểm đó, 2 vợ chồng đã sống ly thân được 6 năm. Theo phán quyết của tòa án, mỗi năm Maurizio phải chu cấp số tiền 500 nghìn USD cho vợ cũ. Tuy nhiên, số tiền đó không thể đáp ứng đủ yêu cầu của bà Patrizia.
Hình ảnh cửa hàng Gucci tại thành phố New York, Mỹ năm 1953. Ảnh: ELLE. |
Công ty thua lỗ Maurizio quyết định bán đi 50% cổ phần của thương hiệu cho một công ty đầu tư ở Bahrain. Việc làm khiến Patrizia phẫn nộ vì bà luôn tin rằng chồng cũ sẽ giao quyền điều hành cho 2 người con gái. Trong lúc nóng giận, bà lớn tiếng cho rằng chỉ muốn giết Maurizio.
Năm 1992, Patrizia trải qua cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u ở não, nhưng để lại khá nhiều di chứng, khiến bà dễ xúc động dẫn đến trầm cảm và phải phụ thuộc vào những đơn thuốc.
Tháng 3/1995, Maurizio bị bắn chết trên đường đi làm. Người đứng sau chuyện này chính là Pina Auriemma - bạn thân lâu năm của Patrizia. Cả hai quen biết nhau nhiều năm và Pina là nhà chiêm tinh học.
Sau khi bị cảnh sát bắt, Pina thừa nhận Patrizia đã thuê sát thủ ám sát ông Maurizio với số tiền thưởng 262.000 USD. Vào tháng 11/1998, Patrizia nhận án phạt 26 năm tù giam cho tội chủ mưu giết người.
Năm 2013, bà Patrizia được trả tự do sớm nhờ cải tạo tốt. Hiện tại, bà đảm nhận vai trò làm cố vấn cho một thương hiệu trang sức và sống cùng mẹ già ở thành phố Milan.
Khi Patrizia ngồi tù, gia đình Gucci cũng mất quyền kiểm soát vào tay các tập đoàn lớn. Sau nhiều biến cố, phong cách thời trang của thương hiệu Italy cũng thay đổi theo thời gian.
Dải ruy băng xanh lá và đỏ lấy cảm hứng từ đai yên ngựa cùng khóa horsebit là những biểu tượng của Gucci cho đến hiện tại. Đến năm 2015, giá trị thương hiệu của Gucci lên đến 12,5 tỷ USD. Nhiều ngôi sao Hollywood vẫn chọn Gucci là thương hiệu yêu thích của mình, trong đó có thể kể đến như Grace Kelly, Jackie Onassis, Liz Taylor, Rita Hayworth, Peter Sellers...
Maurizio Gucci và người vợ Patrizia Gucci. Ảnh: SCMP. |