Nghe tin ông Phạm Văn Hải (57 tuổi, xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) giết vợ là Phạm Thị Vông (55 tuổi) và con Phạm Văn Tuấn (32 tuổi) cả vùng quê nghèo ngỡ ngàng. Trước đó, nhiều người hiểu rằng, thảm kịch trên xuất phát từ chứng bệnh thần kinh của hung thủ.
Người dân thôn Trạch Lộ chung tay lo hậu sự cho hai mẹ con bà Vông. |
Một người bạn học từ thời tiểu học với kẻ giết người chia sẻ, hồi đó Hải là người học dốt nhưng bù lại biết làm thơ, chơi một số nhạc cụ. Với dáng vẻ dễ nhìn nên anh ta được nhiều người quý mến.
Cách đây hơn chục năm, ông Hải có dấu hiệu không được bình thường. Hải luôn lảm nhảm nói một mình và viết những bản kiến nghị gửi chính quyền các cấp với nội dung vô nghĩa.
Theo lời ông Phạm Xuân Quy (trưởng thôn), ông Hải lúc điên, lúc tỉnh như người bị "ma làm". Đêm xuống, khi mọi người yên giấc người đàn ông này lại vác nông cụ ra đồng làm việc. "Ông Hải làm việc cật lực và khá năng suất chứ không phải người lười nhác. Vợ con ngăn cản không được, dần chấp nhận những lập dị ở ông ta", ông trưởng thôn nói.
Nói về những điều được xem là lập dị ở hung thủ giết người, người dân ở làng Trạch Lộ nhớ lại ngày làng nhận danh hiệu văn hoá, ông Hải một mực đòi lên phát biểu. Không chịu rời khỏi bục, 4 thanh niên to khoẻ buộc phải chạy lại khiêng ông Hải đi.
Một dịp khác, ông Hải tự nhận bản thân là người của giáo phái bí ẩn, viết những tờ truyền đạo dải khắp nơi buộc công an Hải Phòng phải từng tạm giữ để điều tra. Biết người nông dân này có biểu hiện về thần kinh, cảnh sát đã thả về.
Liên quan đến vụ án, cảnh sát kể, khi lấy lời khai tại trụ sở UBND xã, Hải bình thản nói: "Tôi giết hai con quỷ ở nhà tôi, giờ ra đây trình diện…".
Sau vụ thảm án do ông Hải gây ra, họ hàng và người dân địa phương càng đau lòng khi đứng ra lo hậu sự cho các nạn nhân.
Con trai độc nhất của gia đình đến nay đã chết. Trong 2 con gái của ông Hải thì một người lấy chồng ở đâu không ai hay biết, người còn lại phải cho đi làm con nuôi từ nhỏ, kinh tế cũng không dư giả.
"Nhà em và cháu tôi hết người lo thờ cúng sau này rồi, thế nên chúng tôi buộc phải tính phương án hỏa thiêu để một lần lo cho xong. Thế nhưng, chi phí lo liệu khoảng hơn hai chục triệu là con số khổng lồ đối với chúng tôi, ngay lúc này không biết xoay sở ra sao…", ông Phạm Xuân Diệu, vừa là anh họ của hung thủ Hải, vừa là cậu họ của người phụ nữ xấu số trong vụ án tâm sự.
Nói về người chị bất hạnh, em trai bà Vông kể, năm 1976, chị ông tham gia kháng chiến tại biên giới phía Bắc. Khi đó, Vông chiến đấu tại Sư đoàn 308. 5 năm sau, người phụ nữ này về quê lập gia đình. Hiện cơ quan chức năng huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đang hoàn tất thủ tục để bà Vông được hưởng chính sách người có công với cách mạng.