Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bi kịch thủ khoa trở thành người nhặt rác, lang thang suốt 12 năm

Từ niềm hy vọng của cả gia đình, Yao Yuan đã trở thành người vô gia cư, nhặt rác trong suốt 12 năm.

Năm 2020, trong một khu nhà cũ sắp giải tỏa ở Thượng Hải (Trung Quốc), cảnh sát phát hiện một người đàn ông tóc bạc, thần trí mơ hồ, kiếm sống bằng nghề ăn xin và nhặt rác.

Khi được hỏi, người đàn ông này cho biết anh tên là Yao Yuan, đã sống lang thang trong suốt 12 năm.

bi kich thu khoa anh 1

Yao Yuan đã sống lang thang trong suốt 12 năm. Ảnh: Sohu.

Ngỡ ngàng khi bước ra thế giới

Yao Yuan sinh năm 1971 trong một gia đình không khá giả ở tỉnh Hồ Bắc. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ năng khiếu học tập và luôn đứng đầu lớp. Cậu bé trở thành niềm hy vọng của cả gia đình, cha mẹ đặt hết kỳ vọng vào "thần đồng" này và không ngừng nhắc nhở anh rằng chỉ có học tập mới là quan trọng nhất.

Năm 1990, Yao Yuan tham gia kỳ thi đại học và đạt điểm cao nhất toàn tỉnh, đỗ vào Đại học Bách khoa Bắc Kinh.

Theo Suhu, Yao Yuan có một thời niên thiếu khá suôn sẻ, không gặp bất kỳ trắc trở nào. Có lẽ vì cuộc sống quá dễ dàng nên khi gặp khó khăn, Yao Yuan trở nên yếu đuối.

Khi bước vào đại học, Yao Yuan ngỡ ngàng nhận ra rằng thế giới ngoài kia còn rất nhiều người ưu tú hơn mình. Đại học Bách khoa Bắc Kinh vốn là trường đại học danh tiếng tại Trung Quốc, nơi tập trung nhiều nhân tài xuất sắc từ khắp nơi trên đất nước. Đối với một sinh viên nghèo đến từ thị trấn nhỏ như anh, việc cảm thấy chênh lệch là điều khó tránh khỏi.

Những người bạn cùng trường anh không chỉ giỏi giang mà còn có gia thế tốt. Khả năng giao tiếp, ứng xử của họ vượt trội hơn anh rất nhiều. Trong môi trường như vậy, anh cảm thấy mình chịu áp lực chưa từng có.

Để bắt kịp và vượt qua những sinh viên giỏi hơn mình, Yao dành hết tâm sức học tập. Khi các bạn cùng lớp nghỉ ngơi, anh học tập. Khi các bạn cùng lớp đi chơi, anh lại bận rộn trong phòng thí nghiệm.

Để thu hẹp "khoảng cách" với người khác, Yao không về nhà trong kỳ nghỉ hè và đông, thay vào đó, anh chọn làm nhiều công việc bán thời gian và học tập.

Với sự kiên trì và nỗ lực phi thường, Yao đã gặt hái được nhiều thành công trong 4 năm đại học. Tuy nhiên, vùi đầu vào việc học khiến anh trở nên rụt rè và thu mình trong các hoạt động xã hội.

bi kich thu khoa anh 2

Khi bước vào đại học, Yao Yuan ngỡ ngàng nhận ra rằng thế giới ngoài kia còn rất nhiều người ưu tú hơn mình. Ảnh: Sohu.

Ảo tưởng tan vỡ

Bốn năm đại học trôi qua nhanh chóng. Yao không trở thành một nhân tài toàn diện nhưng trong thời đại "sinh viên chưa phổ biến", bằng cấp của anh vẫn rất đắt giá trên thị trường lao động.

Sau khi tốt nghiệp, Yao làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Quân sự Trung Quốc, bắt đầu sự nghiệp của mình.

Là một thanh niên mới ra trường, bước vào môi trường công sở, mọi thứ với Yao dường như mới hoàn toàn. Anh luôn giữ thái độ khiêm tốn, chịu khó, hăng hái làm việc, nhưng những nỗ lực này không mang lại nhiều kết quả. Do khả năng giao tiếp yếu kém, Yao không được cấp trên ghi nhớ, đương nhiên cũng ít cơ hội thăng tiến.

Sự cạnh tranh tại công ty cũng rất gay gắt. Những đồng nghiệp cùng thời vào công ty đều thăng tiến, chỉ riêng Yao giậm chân tại chỗ. Anh rơi vào trạng thái bế tắc khi bị sếp coi thường, đồng nghiệp thường xuyên sai vặt.

Mọi thứ không như mong đợi, Yao không nhìn nhận lại bản thân mà nảy sinh ý định trốn tránh. Bất chấp sự phản đối của cha mẹ, năm 2008, anh từ chức, đến Thượng Hải tìm kiếm cơ hội mới.

Khi mới đến Thượng Hải, Yao trần đầy tự tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với anh.

Với lòng kiêu ngạo, Yao tin rằng những công ty bình thường không thể giúp anh thể hiện hết khả năng của mình. Anh chọn những công ty nổi tiếng. Tuy nhiên, đó lại là nơi có rất nhiều đối thủ xuất sắc hơn anh. Yao không dễ dàng trúng tuyển vào các công ty này.

Không tìm được việc làm, không có nguồn thu nhập, Yao còn phải chi trả khoản tiền thuê nhà đắt đỏ. Gánh nặng thực tế đè nặng khiến anh căng thẳng. Tuy nhiên, ngay cả vậy, Yao vẫn không nói cho gia đình biết tình trạng của mình.

Không chấp nhận mình thua cuộc, Yao cắt đứt liên lạc với bạn bè, giam mình trong căn phòng chật hẹp, không cầu cứu ai, để mặc bản thân chìm vào vực thẳm.

Sau một thời gian sống mịt mờ như vậy, Yao buộc phải ra ngoài tìm kiếm việc làm vì sinh kế. Tuy nhiên, lần này, số phận vẫn không mỉm cười với anh.

Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm toàn thế giới. Rất nhiều công ty tại Thượng Hải khi đó sa thải nhân viên, nhiều người thất nghiệp tìm kiếm việc làm trong tuyệt vọng. Anh không may mắn cũng nằm trong số này.

bi kich thu khoa anh 3

Dù đã bỏ nhà đi nửa đời người, Yao vẫn luôn tin rằng mình là niềm tự hào của cha mẹ. Ảnh: Sohu.

Trốn chạy thực tế

Quá lâu không có việc làm, Yao kiệt quệ hoàn toàn và chìm vào tuyệt vọng. Do ức chế tinh thần lâu dài, đầu óc anh trở nên lơ mơ. Không có tiền trả tiền thuê nhà, Yao bị chủ nhà đuổi, bắt đầu sống lang thang trên đường phố và kiếm sống bằng nghề nhặt rác.

Lúc này, anh chìm trong trạng thái mơ hồ, không có can đảm trở về nhà, cũng không có khả năng thay đổi hiện trạng, hoàn toàn mất đi niềm tin vào cuộc sống. Yao hoàn toàn cắt đứt liên lạc với bạn bè và người thân.

Sau khi con trai mất tích, bố mẹ Yao lặn lội đến Thượng Hải tìm con, dán thông báo tìm người khắp các con phố, nhưng tung tích của Yao vẫn bặt vô âm tín.

Do Yao không sử dụng thẻ ngân hàng và điện thoại, cảnh sát không thể truy tìm tung tích của Yao bằng các biện pháp kỹ thuật. Chàng trai từng là niềm tự hào của gia đình bỗng chốc như biến mất khỏi cuộc đời. Người mẹ già chịu cú sốc nặng, sức khỏe sa sút phải nhập viện.

Năm 2020, trong khi thu thập thông tin của người dân, cảnh sát Thượng Hải vô tình phát hiện một người vô gia cư co ro trong nhà hoang và biết được đó chính là Yao Yuan, người đã mất tích 12 năm.

Sau khi điều tra rõ nguyên nhân sự việc, cảnh sát liên hệ với bố mẹ Yao. Hai vợ chồng bật khóc khi nhìn bức ảnh con trai do cảnh sát cung cấp - một người đàn ông trung niên mặc quần áo rách, tóc bạc rối bù.

Dù đã bỏ nhà đi nửa đời người, Yao vẫn luôn tin rằng mình là niềm tự hào của cha mẹ, sâu thẳm trong lòng anh vẫn luôn coi mình là chỗ dựa cho họ. Anh không dám và không muốn thừa nhận mình đã thất bại.

Chính những áp lực học tập, kỳ vọng quá cao của cha mẹ và sự tự ti về bản thân đã khiến Yao rơi vào khủng hoảng tinh thần. Do không được điều trị kịp thời, dần dần, anh không nhớ tên mình, quê quán, thậm chí không biết tại sao mình lại ở Thượng Hải.

Nghe được những gì con trai trải qua, bố mẹ của Yao hối hận. Suốt bao nhiêu năm qua, những kỳ vọng của họ dành cho con trai đã vô tình trở thành "lưỡi dao" đẩy con vào đường cùng.

Tuy nhiên, Yao không biết cha mẹ không chỉ tự hào về anh vì những thành tích, mà còn vì những phẩm chất tốt đẹp của con trai.

Sau khi được cha mẹ chăm sóc, tinh thần của Yao đã trở nên ổn định, anh cũng có thể giao tiếp bình thường với mọi người và chấp nhận số phận hiện tại.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Bi kịch của thần đồng 11 tuổi từng được kỳ vọng đoạt giải Nobel

Có trí tuệ hơn người nhưng tính cách kiêu ngạo cùng khả năng giao tiếp kém đã khiến một thiên tài Trung Quốc đánh mất tiền đồ xán lạn.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm