Để tra giờ đi tàu cũng như biết được chính xác giá vé tàu cho tuyến cần đi, du khách tới Nhật thường sử dụng ứng dụng Hyperdia trên máy tính, hoặc tải về tại App Store hoặc Google Play. Ứng dụng trên điện thoại chỉ có thể dùng 30 ngày, nên tải về ngay trước khi tới Nhật.
Cách sử dụng hệ thống tàu Shinkansen
Shinkansen là loại tàu siêu tốc hành với vận tốc 320 km/h, được sử dụng cho các chặng đi đường dài, như từ Tokyo đến Osaka. Có rất nhiều loại tàu Shinkansen, bao gồm Nozomi, Mizuho, Hikari, Sakura, Kodama, Tsubame... Trong đó, Nozomi và Mizuho là hai tàu mà người dùng thẻ JR Pass phải trả thêm phí, vì Nozomilà loại tàu siêu tốc hành đặc biệt (như khoang hạng thương gia). Nhưng tốc độ của hai loại tàu trên không chênh lệch hơn các tàu còn lại nhiều nếu đi cùng lộ trình.
Tại tất cả các cửa ga tàu trên toàn Nhật Bản đều có một dãy bao nhiều cửa soát vé tự động, để người địa phương có thể thả vé mua tại phòng vé hoặc máy bán vé tự động để vào ga. Còn thẻ JR Pass vốn là một tấm thẻ thông hành, vậy nên người dùng phải xuất trình JR Pass tại chốt nhân viên (thường sẽ nằm bên phải ngoài cùng, hoặc bên trái ngoài cũng của dãy cửa soát vé tự động).
Bên trong tàu siêu tốc Shinkansen . Ảnh: Mrjocko/Wordpress. |
Shinkansen có 2 loại ghế: đặt trước hoặc không đặt trước, nên nếu các bạn muốn đi ghế không đặt trước thì chỉ cần vào xuất trình JR Pass cho nhân viên là có thể vào ga. Khi đó, sử dụng kết quả tìm kiếm trên Hyperdia để tìm tàu cho mình. Lưu ý, đa số các ga mà Shinkansen dừng đều rất lớn. Các bạn phải để ý platform/track ở phần ga đi trên Hyperdia để nhìn vào bảng chỉ dẫn trên ga đi. Ví dụ, tàu Hikari 479 khởi hành từ ga Tokyo vào lúc 16h3 tại “Track No.18”, khi đó chúng ta phải nhìn biển chỉ dẫn tại ga tàu hoặc hỏi nhân viên “Track No.18” ở đâu.
Theo kinh nghiệm của mình, nếu ngồi ghế không đặt trước sẽ có rất nhiều bất tiện. Một trong số đó là nếu mình ngồi đúng chỗ đã có người đặt trước ở các ga sau thì khi họ đến, chúng ta phải đứng dậy để nhường chỗ cho họ. Vậy nên, mình khuyên các bạn hãy chọn loại ghế ngồi đặt trước.
Khi vào chốt nhân viên JR tại dãy soát vé, chúng ta xuất trình JR Pass và đọc tên hành trình mình muốn đi. Ví dụ mình muốn đi từ sân bay quốc tế Narita, Terminal 1 đến thẳng Kyoto, mình sẽ nói: “I want to go to Kyoto". Sau đó, nhân viên sẽ giúp chúng ta chọn giờ tàu phù hợp nhất dựa trên số lượng vé, sau đó sẽ in vé cho mình.
Đây là vé nhân viên JR in ra cho hành trình từ sân bay Narita Terminal 1 đến Kyoto. Trong đó, chúng ta sẽ đi tàu đến Shinagawa, sau đó đổi tàu sang shinkanshen Hikari để đi tiếp đến Kyoto. Xin lưu ý, "car" là "toa". Khi đến platform/track thì chúng ta phải đến đúng vạch tượng trưng cho số toa thì khi tàu dừng, ta sẽ vào đúng toa. |
Du khách cần giữ thẻ JR Pass còn thời hạn sử dụng cẩn thận cùng với passport. Vì khi mất thẻ, công ty JR không thể giải quyết được, trừ khi các bạn nhớ chính xác mình để quên tại đâu. Nếu ở đó có CCTV thuộc thẩm quyền của JR, họ sẽ có cách giúp đỡ. Mnh đã bỏ quên ngay JR Pass tại sân bay và mới chợt nhớ ra là quên khi tàu đã đến Tokyo (khoảng cách từ sân bay Narita đến Tokyo là 1 tiếng). Nhân viên JR tại ga Tokyo vô cùng nhiệt tình giúp mình liên hệ với phía ga Narita để lấy lại vé. Họ còn miễn phí cho mình chiều đi từ Tokyo ngược về sân bay Narita để nhận lại thẻ (mặc dù đó không phải là lỗi của họ). Ngay từ khi đặt chân xuống nước Nhật, mình đã cảm kích bởi sự thân thiện và mến khách của người dân nơi đây mặc dù họ không thể nói được tiếng Anh nhiều.
Bạn có thể ăn uống thoải mái trên tàu Shinkansen, miễn là dọn sạch sẽ và vất vào thùng rác. Trong khi đó, bạn không thể ăn uống trên tàu địa phương.
Tàu không có chỗ để hành lý, vậy nên các bạn phải kéo hành lý về chỗ ngồi của mình nhằm tránh mất mát, và tuyệt đối đừng làm phiền người bên cạnh.
Tại Tokyo, người Nhật thường đứng ở lối bên trái của thang cuốn tự động, nhường phía bên phải cho người có chuyện gấp chạy lên. Còn người Osaka thường đứng phía bên phải.
Khi chờ thang máy cũng như chờ tàu, hãy đứng dạt ra hai bên của cửa thang và xếp hàng quy củ, nhường cho người trong thang máy/tàu đi ra hết rồi mới vào. Tuyệt đối không chen lấn.
Nếu bị cảm cúm, xin hãy mang khẩu trang để tránh phát tán vi khuẩn trong tàu.
Phương tiện liên lạc tại Nhật Bản
Việc mua sim điện thoại để nghe - gọi - nhắn tin tại Nhật Bản dường như là không thể, vì muốn mua loại sim đó, người Nhật phải đăng ký kèm theo địa chỉ thường trú và tài khoản ngân hàng Nhật Bản. Vậy nên để phục vụ nhu cầu liên lạc tại Nhật Bản, mình có hai sự lựa chọn:
- Mua sim dữ liệu trả trước tại Việt Nam:
Các bạn có thể mua sim dữ liệu để phục vụ nhu cầu liên lạc tại Nhật Bản. Loại sim này không dành cho nhu cầu nghe - gọi - nhắn tin mà chỉ có thể kết nối với 4G. Các bạn có 3 sự lựa chọn về ngày sử dụng (7 ngày, 15 ngày hoặc 21 ngày). Sim có thể kết nối 4G tối đa 100 MB tốc độ cao mỗi ngày.
- Thuê cục phát Wi-Fi di động tại Nhật Bản:
Đây là Wi-Fi router thu nhỏ, kích cỡ như một cục sạc dự phòng 6.000 mah. Chúng ta cần luôn luôn mang bên mình để kết nối Internet. Tương tự như sim, cục phát Wi-Fi có rất nhiều tuỳ chọn về tốc độ, số ngày sử dụng, đăng ký nơi nhận...
Mình chọn loại 75 Mbps Standard Wi-Fi, giá cho 5 ngày đầu tiên là 990 yên mộtngày và từ ngày thứ 6 sẽ là 300 yên một ngày. Mình đặt thuê 8 ngày với giá tổng cộng 5.850 yên, chọn giao tại bưu điện ở sân bay Narita. Ngay sau khi mình đến, chỉ cần xuất trình hộ chiếu tại bưu điện ở tầng 4 thì có thể nhận được cục phát Wi-Fi. Sau khi hết chu kỳ sử dụng, các bạn bỏ cục phát kèm dây sạc vào bao bì có sẵn lúc nhận, niêm phong bao bì và sau đó bỏ vào bất cứ hộp thư nào trên toàn Nhật Bản. Thật tiện lợi đúng không?