Sức khỏe cụ ông còn khá tốt, cụ bà dù nằm một chỗ phải nhờ vợ chồng con trai chăm sóc nhưng trí nhớ còn khá minh mẫn.
Tìm gặp cụ bà tại nhà con trai thứ hai, sau lời hỏi thăm về sức khỏe, chúng tôi ngỏ lời muốn hỏi cụ rằng sắp qua thăm cụ ông, cụ bà có nhớ cụ ông và gửi lời nào không cháu chuyển giúp, cụ bà khóe mắt rơi lệ nói như trách yêu: “Trước đây nhớ, giờ không nhớ nữa, không chuyển lời”!
Hai cụ hạnh phúc quây quần bên con cháu nhân ngày mừng thọ.. |
Gặp cụ ông tại nhà người con thứ hai, nhìn da dẻ cụ ông còn hồng hào, vẫn còn đi lại và chuyện trò minh mẫn lắm. Kể về thời trai trẻ của mình, cụ Trương Triêm cảm thấy vui và tự hào. Cuộc sống của 2 cụ gắn với ruộng vườn bằng công việc đồng áng, cày cấy quanh năm, thời gian rảnh rỗi cụ thường chăn bò và thả trúm lươn.
Vợ chồng cụ lấy nhau do cha mẹ hứa gả chứ không được tự do yêu đương như thời trẻ bây giờ. Thế mà khi về sống với nhau, cuộc sống không một lời cãi vã. Mãi sau này già, vì tiện để con cháu chăm sóc lúc ốm đau nên mỗi cụ tạm sống với mỗi con. Mới cách nhau có 3 tháng không gặp mà nhớ nhau đến chảy nước mắt.
Khi còn ở gần nhau, đến bữa ăn, có miếng gì ngon, cụ ông đều nhường cho bà ăn. Còn bây giờ con cháu nấu gì cụ ăn nấy. Cụ Triêm không kiêng cữ cái gì chỉ trừ rượu là cụ từ nhỏ tới giờ không uống một ly, ai có mời rượu bây giờ thì cụ nói "mời ông chén mật ong thay rượu còn được".
Cụ bà (106 tuổi) nằm một chỗ nhờ vợ chồng con trai thứ 3 chăm sóc. |
Lúc cụ còn trai trẻ, thời kỳ chống Pháp, trong nhà có 2 người chú ruột tham gia cách mạng nên phải trốn lên rừng, cụ Triêm theo 2 chú lên rừng Ba Quạt (nay là ở đồi Son, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị) chăn bò và nuôi 2 chú. Hồi ấy như lời cụ kể, ở rừng này có cọp dữ, thường bắt trâu bò ăn.
Một hôm cụ đi chăn bò thì có con cọp nhảy xổ ra tấn công đàn bò cụ. Lúc đó, sợ cọp bắt mất bò nên cụ lấy hết can đảm nhảy ra trước đầu cọp hét lớn, tay cầm rựa chém tới tấp. Thế mà không hiểu sao con cọp kia bỏ chạy. Đến bây giờ cụ vẫn không hiểu lúc đó cọp sợ tiếng hét của cụ hay là sợ sát khí từ con rựa cụ cầm trên tay.
"Cũng may là lúc đó hổ dữ không tấn công nếu không chắc giờ không còn trường thọ như thế này nữa", cụ mỉm cười kể.
Tuy rất ít bệnh tật nhưng có lúc cả 2 cụ đều trải những thời khắc nguy hiểm. Cụ bà thì khi hơn 90 tuổi bị ngã gãy chân. Nhờ con cháu chăm sóc tận tình cộng với thuốc men và dinh dưỡng tốt nên đã lành lặn đi lại được. Cụ ông thì năm 2008 trải qua 2 cơn bạo bệnh do thời tiết lạnh nên dẫn đến giãn mao mạch chảy máu ở mũi rất nhiều.
Cụ ông (104 tuổi) bên người vợ của người con trai thứ 2. |
Cũng may người con trai thứ hai Trương Ngọc Hiệp kịp thời mời bác sỹ về tận nhà chữa trị, các con thay nhau chăm sóc nên cụ vượt qua nguy hiểm và khỏe mạnh cho đến nay.
Mới đây, có hôm đêm nằm ngủ nhớ về thời còn thả bò, thế là 2h sáng cụ ông leo qua cửa bằng cổng sắt cao gần 2 mét ra ngoài đường, cũng may mà gia đình phát hiện được.
Chia sẻ về bí quyết trường thọ và hạnh phúc, cụ Triêm luôn tâm niệm: “Lúa đầy căn, ăn có chừng”. Theo ý cụ, khi ăn phải nhớ công lao của người khác và công sức mình đã bỏ ra. Làm gì cũng phải lấy chữ Đức đi đầu. Sống phải biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.
Cạnh đó, người con trai Trương Ngọc Hiệp cũng tiếp lời “Khôn chi trẻ, khỏe chi già”, cha mẹ đã vất vả sinh ra và nuôi dưỡng các con nên người thì đến lúc về già bổn phận người con là phải biết quan tâm, phụng dưỡng chu đáo cho bậc sinh thành từ cái ăn, cái mặc lúc bình thường cũng như lúc đau ốm, có như vậy cha mẹ mới yên tâm sống vui, sống khỏe, sống trường thọ để phúc cho con cháu chúng ta".
Giấy mừng thọ và chứng minh nhân dân của hai cụ. |