Zing trích dịch bài đăng trên Bloomberg, phản ánh tình trạng các quán bar trở thành mối nguy lây nhiễm bệnh tại Nhật Bản. Chính phủ yêu cầu loại hình kinh doanh này đóng cửa tạm thời, song dẫn đến nguy cơ khác là các nữ tiếp viên phải chọn bán dâm trái phép để kiếm được tiền.
Rượu sâm banh, ánh đèn mờ ảo và những ly cocktail là hình ảnh quen thuộc cho những cuộc ăn chơi bên trong những quán bar hoạt động xuyên đêm tại Nhật Bản. Đàn ông có thể trả hàng nghìn USD để đổi lấy việc có những cô tiếp viên trẻ đẹp vây quanh, hầu rượu và mua vui.
Chính tại những tụ điểm ăn chơi thế này, một nguồn lây nhiễm virus mới xuất phát từ quán bar Charme tại thành phố Gifu vào hồi tháng 3, khiến người dân Nhật Bản có thêm lý do để lo ngại về dịch bệnh nguy hiểm.
Các quán bar, câu lạc bộ về đêm không chỉ là nguy cơ lây lan mầm bệnh cao, mà còn khiến lực lượng chức năng khó khăn trong việc truy tìm dấu vết nguồn bệnh.
Những tụ điểm câu lạc bộ về đêm bị coi là nơi dễ lây lan virus vì không gian chật hẹp, tiếp xúc thân mật. |
Các nữ tiếp viên thường sử dụng tên giả khi phục vụ khách, làm việc xác định danh tính thêm phần khó khăn. Còn những vị khách lại cố gắng che giấu việc họ từng tìm đến những nơi như vậy.
Tìm ra toàn bộ những ai đến và đi khỏi các quán bar, câu lạc bộ trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh không phải là điều dễ dàng.
Riêng tại thủ đô Tokyo, ước tính có gần 7.000 club, quán bar theo hình thức này, từ những nơi đắt tiền tại các khu phố sầm uất cho đến những quán rượu rẻ hơn ở những ngóc ngách nhỏ.
Bệnh nhân mới xuất phát từ quán bar
Sau khi 201 ca nhiễm mới được phát hiện vào ngày 17/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike kêu gọi công chúng tránh xa các địa điểm như vậy trong thời gian tới.
Hàng loạt quán bar buộc phải đóng cửa, đẩy hàng nghìn nữ tiếp viên vào tình cảnh mất việc. Nhiều người lo ngại để trang trải cuộc sống, những cô gái trẻ này không còn cách nào khác ngoài việc quay sang bán dâm.
Akemi Mochizuki, một chủ kinh doanh cho biết cô đã đóng cửa bốn club của mình tại khu phố nổi tiếng Ginza ở thủ đô vào đầu tháng 4. Quyết định này khiến 100 nữ tiếp viên rơi vào cảnh thất nghiệp.
Nhiều quán bar buộc phải đóng cửa khi số ca nhiễm mới ở Nhật tăng lên. |
“Số lượng khách hàng giảm mạnh trong tháng 2, sau khi các công ty Nhật Bản không còn cung cấp chi phí cho nhân viên đến những nơi của chúng tôi để giải trí sau giờ làm. Tôi nghĩ việc đóng cửa sớm sẽ tốt hơn, nhưng các nhân viên nữ không muốn vậy”, cô cho hay.
Trong khi số ca dương tính mới với virus ở Nhật Bản đã tăng từ 100 lên 2.500 ca chỉ trong vòng một tháng, lực lượng y tế lại gặp trở ngại lớn trong việc truy tìm nguồn lây nhiễm bệnh. Hơn 40% số ca nhiễm mới ở Tokyo từ ngày 12/4 trở đi không thể xác định được F0.
“Để phòng ngừa dịch bệnh, phương án tốt nhất là chính phủ ra lệnh đóng cửa các câu lạc bộ về đêm, trong khi đảm bảo hỗ trợ thiệt hại kinh doanh cho chúng tôi”, Mochizuki nói.
Môi trường trong những quán bar đèn đỏ được coi là đặc biệt rủi ro bởi không gian chật hẹp, khoảng cách tiếp xúc trực tiếp quá gần. Mặt khác, việc đeo khẩu trang cũng bị bỏ qua khi các nữ tiếp viên phải trò chuyện trực tiếp với khách hàng.
Hàng nghìn nữ tiếp viên quán bar rơi vào cảnh thất nghiệp do tác động của dịch bệnh. |
Hàng nghìn nữ tiếp viên mất việc
Những người điều hành các quán bar nói rằng họ cung cấp cho khách hàng không gì khác ngoài đồ uống và các nữ tiếp viên chịu ngồi lắng nghe, không phải hoạt động kinh doanh mại dâm trái phép.
“Chúng tôi phải đăng ký với cảnh sát theo luật quản lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí. Tuy vậy, mọi người vẫn thường suy nghĩ đây là loại hình làm ăn trái phép, có giang hồ bảo kê. Các ngân hàng cũng thường từ chối cho vay, còn trợ cấp chính phủ không đến lượt”, Paori Kohga, người đứng đầu một nhóm các quán bar, club hoạt động theo hình thức này, cho biết.
Không giống như các phòng tập gym hay cơ sở kinh doanh khác, những nơi này thường không ghi lại danh sách khách hàng, dựa trên quyền riêng tư, khiến việc truy tìm nguồn lây nhiễm bệnh càng mơ hồ.
Nhiều người lo ngại các cô gái phục vụ quán bar sẽ tìm đến con đường bán dâm trái phép để trang trải cuộc sống. |
“Một số người từng đến club đã nổi giận sau khi cảnh sát liên lạc và từ chối làm xét nghiệm”, Nubuo Murakami, giáo sư tại Bệnh viện Đại học Gifu, người đang tư vấn cho các đội phản ứng trong khu vực thành phố Gifu, cho hay.
“Tôi hiểu nhiều người không muốn người khác biết họ đã ghé qua chỗ các nữ tiếp viên để giải khuây, nhưng nếu virus lây lan từ đó, việc che giấu có thể khiến số ca tử vong tăng thêm”, ông nói.
Theo thống kê, 33 người từng có mặt tại câu lạc bộ Charme ở thành phố Gifu đã nhiễm virus. Tại hai nơi khác là Osaka và Shimane, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Nhiều nữ tiếp viên sau khi mất việc buộc phải quay về ở với gia đình để tiết kiệm tiền. Số khác cố gắng thắt lưng bắt buộc bụng, chôn chân trong những căn hộ chật hẹp tại Tokyo.
Chương trình trợ cấp người thất nghiệp do chính phủ thực hiện, cũng chưa chắc giúp đỡ được những cô gái này, khi định kiến họ làm việc trái phép vẫn còn.
Theo chương trình trợ cấp thất nghiệp của chính phủ Nhật Bản, người lao động tự do sẽ được nhận trợ cấp 4.100 yen/ngày (tương đương 38 USD). Quyết định trợ cấp không dành cho người làm trong ngành công nghiệp tình dục và tiếp viên quán bar.
Một số câu lạc bộ thuộc diện quy mô lớn, có tên tuổi hơn đang nhờ đến hình thức trực tuyến để giữ chân khách hàng. Mỗi lần ghé thăm có thể tiêu tốn của khách hàng 300.000 yen (2.780 USD).
“Dù các ứng dụng khiến việc nói chuyện không gần gũi như xưa, song sự thay đổi khiến các cô gái có cảm giác như đang biểu diễn trên sân khấu. Giống như các geisha thuở trước, chúng tôi có nghệ thuật nói chuyện, tâm sự với khách hàng”, Mochizuki nói.