Ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc bùng nổ trong những năm gần đây. |
Người đàn ông 44 tuổi ở Suwon (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) đang kiện một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ phía nam Seoul vì di chứng sau ca phẫu thuật xóa nếp nhăn trên mặt, theo Chosun Ilbo.
Ca phẫu thuật diễn ra vào năm ngoái và tiêu tốn ít nhất 10 triệu won (7.700 USD).
Ngay sau đó, bệnh nhân bị liệt miệng, các bộ phận khác và không thể kiểm soát một số cơ trên khuôn mặt của mình.
Người này đã trở lại phòng khám để phẫu thuật điều trị, nhưng tình trạng của anh không được cải thiện và thậm chí phải nhập viện vì biến chứng nặng hơn.
"Tôi muốn mình trông trẻ hơn sau thời gian dài đeo khẩu trang, nhưng giờ tôi rất hối hận về lựa chọn của mình", anh nói.
Tại Hàn Quốc, sự bùng nổ của ngành phẫu thuật thẩm mỹ trong thời gian phong tỏa, áp dụng quy tắc đeo khẩu trang đã dẫn đến nhiều sai sót y tế hơn. Các vụ kiện liên quan đến phẫu thuật không thành công, biến chứng, di chứng thẩm mỹ, tay nghề yếu kém của bác sĩ tăng lên trong thời gian gần đây.
Các sự cố, khiếu nại y tế gia tăng trong ngành thẩm mỹ ở xứ kim chi. |
Yêu cầu bồi thường thiệt hại do các thủ thuật thẩm mỹ hỏng được nộp cho Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc đã tăng 11% trong ba năm qua, từ 682 trường hợp vào năm 2019 lên 757 vào năm ngoái.
Chỉ riêng những lời phàn nàn về các phương pháp điều trị da bị hỏng đã tăng 61%, từ 150 lên 241 trường hợp. Tuy nhiên, những con số mới chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm.
Doanh thu của các phòng khám thẩm mỹ cũng đang tăng nhanh. Theo Hana Bank, doanh số bán hàng tại các phòng khám đã tăng 10% từ tháng 1 đến tháng 10/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Kim Min Kyung, người làm việc tại một công ty luật ở Seoul chuyên xử lý các vụ kiện về sơ suất y tế, cho biết: "Nhiều người hy vọng sẽ trông đẹp hơn khi xuất hiện trở lại sau thời gian đeo khẩu trang bắt buộc, nhưng trong nhiều trường hợp, việc dao kéo thất bại và giờ họ đang phải theo đuổi các vụ kiện phức tạp".
Tòa án tối cao Hàn Quốc đã phê duyệt phẫu thuật thẩm mỹ cho mục đích làm đẹp như một hoạt động y tế vào năm 1974, và các bác sĩ phẫu thuật bắt buộc phải vượt qua kỳ thi chuyên môn.
Theo báo cáo năm 2020 trên tạp chí y khoa Aesthetic Plastic Surgery, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên đầu người cao nhất thế giới.
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Gallup Korea, 89% người Hàn Quốc tin rằng ngoại hình của một người đóng vai trò quan trọng, từ ít đến nhiều trong cuộc sống, trong khi chỉ 11% không cho là vậy.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.