Kẻ lừa đảo lợi dụng câu chuyện "tặng mèo" để lừa đảo nạn nhân một cách tinh vi. Ảnh minh họa: Toni Rosati/Pexels. |
Tháng 4/2022, nạn nhân bình luận dưới một bài đăng bán mèo con 3 tháng tuổi trên mạng xã hội của một tài khoản tự xưng là người phụ nữ yêu thú cưng ở Thái Lan.
Kể từ đó, hai người giữ liên lạc, rồi kẻ lừa đảo đề nghị gửi tặng miễn phí người phụ nữ một chú mèo con để làm quà, theo SCMP.
Giữa tháng 5, nạn nhân được thông báo từ một công ty vận chuyển, do đồng bọn của kẻ lừa đảo đóng giả, rằng con vật không may đã qua đời trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài đến Hong Kong (Trung Quốc).
Do đó, người phụ nữ sẽ được hưởng một khoản bồi thường bảo hiểm trị giá 152.400 USD. Tuy nhiên, để nhận được số tiền bảo hiểm, bà phải trả một số “chi phí giấy tờ hành chính”.
Từ năm 2020 đến năm 2022, số vụ đầu tư liên quan đến tiền ảo tăng mạnh ở Hong Kong. Ảnh: EPA-EFE. |
Theo hướng dẫn, nạn nhân thiết lập một tài khoản tiền ảo và chuyển bitcoin vào ví điện tử được chỉ định do những kẻ lừa đảo kiểm soát. Từ tháng 7 đến tháng 11 năm ngoái, bà thực hiện 40 khoản thanh toán bằng tiền điện tử với tổng trị giá 773.000 USD.
Đến giữa tháng 1, người phụ nữ dần nhận ra đây là một trò lừa đảo khi phía công ty vận chuyển vẫn yêu cầu trả thêm tiền. Sau đó, bà đã báo cáo với cảnh sát.
Hong Kong khuyến khích việc đầu tư vào tài sản ảo nhằm củng cố lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech) của thành phố. Thế nhưng, những kẻ lừa đảo đang lợi dụng bản chất ẩn danh của tiền điện tử và sự thiếu quy định quản lý. Tội phạm tiền điện tử đang gia tăng ở xứ Cảng thơm.
Gần 1.900 vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử được báo cáo tới cảnh sát Hong Kong trong 10 tháng đầu năm ngoái, tăng mạnh so với 494 vụ trong năm 2020. Thiệt hại từ những vụ lừa đảo năm 2022 cũng tăng vọt lên 1,28 tỷ HKD (hơn 163 triệu USD) so với 114 triệu HKD vào năm 2020.
Phần lớn các vụ lừa đảo tiền điện tử lại ít liên quan tới công nghệ. Thay vào đó, tội phạm dùng thủ thuật lấy lòng tin kiểu cũ hoặc tống tiền.
Cảnh sát Hong Kong cảnh báo về nạn lừa đảo tiền ảo. Ảnh: Warton Li. |
Đầu tháng 2, một nhà quản lý đầu tư 63 tuổi ở Hong Kong bị cô gái quen qua mạng lừa mất hơn 12 triệu HKD (tương đương 1,5 triệu USD). Đây là số tiền người đàn ông được thừa kế từ người cha quá cố, và ông mới nhận được nó gần đây, SCMP đưa tin.
Kẻ lừa đảo - người tự xưng là một chuyên gia đầu tư tiền ảo - đã làm quen và phát triển mối quan hệ với người đàn ông này qua mạng xã hội. Cô ta sau đó xúi giục ông lập một tài khoản trên trang web giao dịch giả mạo để đầu tư vào tiền điện tử.
Kẻ lừa đảo kết bạn với ông qua Facebook vào ngày 14/12/2022. Sau đó, hai người liên lạc với nhau qua WhatsApp. Từ ngày 30/12/2022 đến 30/1 năm nay, nạn nhân đã chuyển tiền nhiều lần vào 16 tài khoản ngân hàng được chỉ định ở Hong Kong theo chỉ dẫn.
Ông chỉ nhận ra mình bị lừa sau khi nỗ lực lấy lại tiền nhưng không được. Sau đó, ông gọi cho cảnh sát vào hôm 5/2.
Theo chuyên gia, các trang web đầu tư như vậy thường thể hiện giá tiền điện tử hoặc giá cổ phiếu đang tăng, nhưng tất cả thông tin đều do những kẻ lừa đảo thiết lập và kiểm soát. Lợi nhuận dương trong tài khoản thường được thiết kế để dụ nạn nhân đầu tư nhiều tiền hơn.
Tháng 9/2022, cảnh sát Hong Kong cho ra mắt một nền tảng giúp người dân tiến hành kiểm tra các website, địa chỉ email và số điện thoại đáng ngờ.
“Tiền điện tử và NFT là những tài sản ảo có tính đầu cơ cao. Cần phải cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch và đầu tư có liên quan”, cảnh sát cho biết.
Mạng xã hội dành cho người yêu sách
Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.