Bí mật đằng sau những chiếc váy cưới huyền thoại
Váy cưới của Nữ hoàng Victoria năm 1840 được coi là chiếc váy mở ra trang sử mới cho phong cách thiết kế đồ cưới còn giữ gìn tới tận ngày nay.
Lịch sử thời trang hay thế giới nghệ thuật nói chung đã từng chứng kiến những chiếc váy cưới biểu tượng kể lại cho đời sau câu chuyện ngụ ngôn về cái đẹp, về duyên số, về sự kết đôi mãi mãi hay chia lìa trong phút chốc.
Không đợi đến khi nàng Lọ lem Kate Middleton bước xuống từ cỗ xe ngựa hoàng gia và tiến vào thánh đường Westminster tay trong tay với chàng hoàng tử thời đại William ở hôn lễ được một tỷ người trên hành tinh dõi theo trực tiếp, thì váy cưới mới trở thành chứng nhân cho sự thăng hoa của hạnh phúc và đại diện cho nền thời trang phục vụ chân thiện mỹ của nhân loại. Lịch sử thời trang hay thế giới nghệ thuật nói chung, đã từng chứng kiến những chiếc váy cưới biểu tượng kể lại cho đời sau câu chuyện ngụ ngôn về cái đẹp, về duyên số, về sự kết đôi mãi mãi hay chia lìa trong phút chốc.
Một trong những mẫu váy cưới kinh điển của Elizabeth Taylor. |
Một vài nhà hiền triết cho rằng thật khó để lần tìm thâm cung lịch sử ra đời của chiếc váy cưới. Họ đoán già đoán non váy cưới làm ra với mục đích biến nàng dâu thành cô gái đẹp nhất giữa đám đông hân hoan chúc tụng, và như thế, chú rể sẽ mãi mãi không đánh mất cô khỏi cuộc đời. Thế nhưng dưới khía cạnh của thời trang và các bản vẽ, váy cưới trở thành công trình của sáng tạo, của nghệ thuật phục vụ cho những giấc mơ cổ tích được trả bằng niềm hạnh phúc của người mặc chúng trong ngày trọng đại nhất.
Bảo tàng hoàng gia Anh quốc vẫn còn lưu giữ váy cưới nổi tiếng của Nữ hoàng Victoria trong thánh lễ với Hoàng thân Albert vào năm 1840. Chiếc váy mở ra trang sử mới cho phong cách thiết kế váy cưới còn giữ gìn tới tận ngày nay. Trước đó, người ta ưa chuộng các kiểu thiết kế màu sắc rực rỡ và trang hoàng diêm dúa theo nghệ thuật Phục hưng khắp lục địa già. Chiếc váy cưới màu trắng thanh lịch của nữ hoàng, đắp ren tay phồng ngắn để lộ phần cổ vừa đủ cho chuỗi hạt quý giá trở thành chuẩn mực cho mẫu váy cưới trong mơ của các thiếu nữ ôm mộng làm công chúa. Từ đó về sau, màu trắng nguyên thủy, không tỳ vết chính thức được xem như gam màu buộc - phải - có cho các thiết kế cưới.
Hoàng gia Anh uy quyền còn nắm giữ nhiều kỷ lục cưới hỏi khác: tháng 7/1981, công nương Diana sải gót ngọc bên cạnh thái tử Charles trong váy cưới có đuôi dài tới 8m, kiểu vai bồng nhún bèo đặc trưng thập niên 80 do bộ đôi David và Elizabeth Emanuel chịu trách nhiệm thiết kế. Tiếc thay, cuộc đời và hôn nhân của đóa hồng nước Anh không đẹp đẽ như tà váy ấy. Bà ra đi trong tai nạn xe hơi thảm khốc để lại tiếc thương và người ta vẫn còn ghi nhớ hình ảnh nàng công nương nhân ái với trái tim đôn hậu thuần khiết.
Ra khỏi những cung điện vương triều xa hoa, thế giới giải trí là thiên đường cho những chiếc váy cưới kinh điển chứng minh cho mối quan hệ tương hỗ giữa màn ảnh và thời trang, đại diện bởi các minh tinh huyền thoại. Sớm nhất phải nhắc đến Cinderella (Lọ Lem), những ai lớn lên từ thập niên sớm sủa ấy mãi ăn sâu vào tâm trí khung hình nàng công chúa xứng đáng được hưởng hạnh phúc bên chàng hoàng tử đẹp mã: nàng xúng xính xiêm y căng phồng màu xanh bích ngọt ngào, như phép nhiệm màu đã trở thành giấc mơ có thật.
Hai thập niên sau đó, Marilyn Monroe, hồn nhiên ở giai đoạn đầu sự nghiệp, xuất hiện trẻ trung trong đoạn cuối tác phẩm điện ảnh Gentlemen Prefer Blondes với váy cưới ren cổ lọ tao nhã đúng lối truyền thống phương Tây.
Một biểu tượng Hollywood khác là Audrey Hepburn bước ra khỏi nhà thờ sau nghi lễ hôn phối với người bạn đời Mel Ferrer vào tháng 9/1954, kín kẽ, đài các và cao sang. Andrey chọn đầm ballet duyên dáng của NTK trứ danh Pierre Balmain, mở ra trào lưu tài trợ trang phục cho nàng thơ Hollywood từ các nhà thời trang lớn.
Nhưng không một giai nhân nào thời bấy giờ có thể vượt mặt “ngàn thu mắt tím” Elizabeth Taylor về số lần mặc váy cưới cũng như những xôn xao tin đồn sau mỗi chặng thành hôn tan rã. Bà lên xe hoa tổng cộng bảy lần, lần đầu tiên vào năm 1950 và kết thúc chóng vánh sau 9 tháng. Người thiết kế chiếc váy cưới hôm ấy là chuyên viên phục trang Helen Rose của hãng phim MGM, cũng là người chịu trách nhiệm toàn bộ váy áo cho Lizzie trong bộ phim Father of the Bride. Nếu như rườm rà và diêm dúa trong lần đầu khoác váy cưới, càng về các cuộc hôn nhân sau, Elizabeth càng đơn giản hóa. Năm 1959, bà chỉ đơn giản chọn váy chữ A màu xanh có trùm đầu quý phái cho hôn thú lần thứ tư với Eddie Fisher.
Một trùng hợp thú vị là chuyên gia Helen Rose cũng thiết kế chiếc váy cưới cho một minh tinh yểu mệnh khác, Grace Kelly, trong lễ cưới năm 1956 với ông hàng Công quốc Monaco Rainier. Chiếc váy ngốn đến một trăm mét vải lụa taffeta, ren hoa hồng đính pha lê và cần đến hơn ba chục nhân công lành nghề hoàn thành trong sáu tuần ròng rã (!).
Thập niên 50 chứng kiến Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy kết hôn cùng người chồng sau này trở thành tổng thống Hoa Kỳ nổi danh John F Kennedy. Bà mặc váy xếp nếp bèo hoa, đeo găng tay trắng muốt hòa cùng chiếc lúp dài tung bay trong gió giữa nông trại miền nam mùa hè tươi xanh.
Gwen Stefani và váy cưới John Galliano. |
Phái đẹp ngày nay bị quyến rũ bởi các cuộc tình điện ảnh hư cấu, và vì thế dễ thần tượng những thước phim lãng mạn ngọt ngào. Từ năm 2000 trở lại, thời trang len lỏi vào các tác phẩm điện ảnh dành cho nữ giới, như Sex and the City gây cơn sốt làm thay đổi lối sống của phụ nữ thời đại mới. Trong phân cảnh đám cưới với người đàn ông trong mộng, nhân vật Carrie do ngôi sao Sarah Jessica Parker thủ vai được chính NTK Vivienne Westwood mặc cho chiếc đầm satin đáy phồng và chiếc nón công tước đồng bộ, và khung hình này nhanh chóng xuất hiện trên tạp chí Vogue sau đó.
Mới đây nhất, series bom tấn toàn cầu Twilight viện đến bàn tay tài hoa của NTK Carolina Herrera sáng tạo nên chiếc đầm cưới bằng ren cho Kristen Stewart. Ngay lập tức, các cô gái chuẩn bị kết hôn vào thời gian đó bắt chước giống y như muốn thử cảm giác một lần làm vợ anh chàng ma cà rồng đẹp trai.
Ca sĩ dòng rock n roll Gwen Stefani được John Galliano làm tặng chiếc đầm trắng chuyển hồng cánh sen trong đám cưới của cô vào năm 2002. Chiếc váy này sau đó được Gwen tặng cho viện bảo tàng lưu giữ, và gọi đó là “một kiệt tác của nghệ thuật thời trang”. John Galliano cũng ưu ái tặng người bạn lâu năm Kate Moss chiếc váy trắng đính kim sa khi cô bước lên xe hoa năm 2011.
Thời trang cưới xét cho cùng không phải là một trong những chi phái chính thống, thế nhưng tất cả đều hướng đến tìm kiếm niềm hạnh phúc của khổ chủ khi khoác lên mình giấc mơ có thật trong thời khắc quan trọng của cuộc sống. Đằng sau mỗi chiếc váy cưới nổi tiếng đều có câu chuyện lưu truyền về giai thoại của chủ nhân, của nghệ nhân, cả về cuộc sống hậu hôn nhân viên mãn đầm ấm hay sóng gió bất hạnh. Chiếc váy cưới, hơn hết là tác phẩm hoàn hảo nhất của thời trang nhằm vinh danh hạnh phúc của người phụ nữ.
Công nương Diana trong hôn lễ. |
Audrey Hepburn mặc váy cưới của Balmain. |
Grace Kelly trong chiếc váy cưới ren hoa hồng đính pha lê. |
Theo Người lao động