Castella là món bánh có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha. Ảnh: Sakuraco. |
Người Nhật vẫn luôn truyền tai nhau một câu chuyện rằng một nhóm tu sĩ người Bồ Đào Nha đang đi thuyền đến Macau (Trung Quốc) thì gặp thời tiết xấu, đành phải cập bến ở Nagasaki (Nhật Bản).
Chuyến cập bến bất ngờ đó được cho là đã làm thay đổi Nhật Bản và nền ẩm thực nước này vì các tu sĩ Bồ Đào Nha đã mang đến đất nước Bắc Á một nguyên liệu đơn giản và được nhiều người yêu thích - đường, theo CNN.
Cái nôi của nhiều món đồ ngọt nổi tiếng
Ở thế kỷ XVI, thành phố Nagasaki nằm trên đảo Kyushu là thành phố duy nhất mà người nước ngoài có thể giao thương với người Nhật Bản.
Đây cũng là thời điểm sở thích ăn đồ ngọt ở nước này bắt đầu phát triển và Kyushu trở thành cái nôi của nhiều món wagashi (đồ ngọt truyền thống) được yêu thích ở Nhật Bản ngày nay.
Castella thường được cắt thành những miếng hình vuông, gói trong giấy gói đủ màu sắc và đặt vào hộp quà. Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Một trong những món đồ ngọt được người Nhật ưa chuộng là castella, hay còn gọi là bánh bông lan mật ong.
Cách làm những dạng bánh như castella có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha, nhưng điều làm nên nét đặc trưng của castella phiên bản Nhật chính là siro mizuame được làm từ gạo nếp.
Cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Fukusaya. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này được mở ở Nagasaki vào năm 1624. Bánh castella của Fukusaya được cách thành từng miếng vuông, gói riêng trong bao bì nhiều màu sắc rồi đặt vào hộp quà.
Castella còn có những hương vị đặc biệt theo mùa như vị hoa anh đào vào mùa xuân, vị socola vào dịp Giáng sinh. Dù vậy, castella truyền thống vẫn là loại được bán chạy nhất.
Ngoài ra, castella được biến tấu thành một món bánh ngọt khác cũng nổi tiếng không kém là dorayaki. Ở phiên bản này, castella mỏng hơn và được làm thành pancake với một lớp nhân đậu đỏ ngọt ngào bên trong.
Món kẹo từng chỉ dành cho hoàng tộc
Một trong những loại kẹo phổ biến và nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là konpeito. Konpeito nhỏ, có màu nhạt, trông giống những ngôi sao hoặc bông hoa.
Theo CNN, tên konpeito được cho là xuất phát từ confeito trong tiếng Bồ Đào Nha - một loại kẹo đường được các nhà buôn nước này mang đến Nhật.
Konpeito từng là một mặt hàng xa xỉ vì đường rất hiếm và đắt. Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Thời bấy giờ, konpeito chỉ dành cho người giàu và người có quyền lực vì đường đắt đến mức một viên kẹo nhỏ cũng trở nên quý giá.
Theo truyền thống, các vị khách của Hoàng gia Nhật Bản, ví dụ nguyên thủ quốc gia hoặc hoàng gia các nước khác, sẽ nhận được những hộp kẹo konpeito bằng bạc gọi là bonbonnieres (trong tiếng Pháp có nghĩa là hộp kẹo).
Bonbonnieres được dùng như quà chào mừng khi khách mời tham gia các sự kiện quan trọng như đám cưới hoặc tiệc lên ngôi của hoàng đế.
Những hộp kẹo này được công ty bạc Miyamoto Shoko ở Tokyo đặc biệt chế tạo riêng, bên ngoài được trang trí bằng một bông hoa cúc - biểu tượng của gia đình Hoàng gia Nhật Bản.
Cách người Nhật làm đồ ngọt trước khi có đường
Ngày nay, một số đầu bếp ở Nhật Bản đang cố phục hồi những món đồ ngọt địa phương trước khi đường du nhập theo đường biển.
Abbatemarco, đầu bếp của nhà hàng được trao sao Michelin Est thuộc chuỗi khách sạn Four Seasons, là một trong số đó.
Abbatemarco cùng các cộng sự đã tìm cách "phục hồi" những món đồ ngọt xưa của người Nhật, ví dụ như những món bánh nhỏ có hương vị mật ong kiểu mạch, mật ong soba, wasanbon (một loại đường trắng hạt mịn của Nhật)...
Đối với Abbatemarco, đây là cách tôn vinh những nhà sáng tạo ẩm thực của Nhật Bản. Điều này cũng giúp Est giới thiệu nhiều hương vị độc đáo đến với thực khách ở khách sạn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.