Đối với người Trung Quốc, món tráng miệng trong ngày Tết cũng mang những ý nghĩa, thông điệp đặc biệt không kém các món ăn chính.
|
1. Bánh niên cao - Sự thịnh vượng và thăng tiến: Được làm từ bột gạo nếp và đường nâu, bánh niên cao là món tráng miệng nổi tiếng nhất trong ngày Tết ở Trung Quốc. Chữ “gāo” trong “niángāo” đồng âm với chữ cao, vì thế món bánh này được xem là ước vọng cho một năm mới “cao hơn” năm cũ, là sự thịnh vượng và thăng tiến theo từng năm. Ngoài ra, chiếc bánh hình tròn còn là biểu tượng của sự đoàn viên, mong muốn mọi người trong gia đình có thể gắn kết, sum vầy. Ảnh: Econhome. |
|
Bánh niên cao xuất hiện từ khoảng thế kỷ 10-12, tuy nhiên, đến thế kỷ 17-20, món bánh đặc biệt này mới được xem là đồ tráng miệng không thể thiếu trong ngày Tết. Theo thời gian, người Trung Quốc sáng tạo ra nhiều cách làm và thưởng thức khác nhau, tùy theo điều kiện từng vùng miền. Bánh có thể ăn nóng, ăn nguội hoặc hấp, chiên. Ảnh: Trendestination/What to cook today. |
|
2. Chè trôi nước - Gia đình sum vầy: Trong tiếng Hán, chè trôi nước (hay còn gọi là chè thang viên) được đọc là “tāngyuán”, nghe gần giống với “tuányuán” (nghĩa là đoàn viên). Vì thế, người Trung Quốc thường chia sẻ chén chè trôi nước trong ngày đầu năm, với mong muốn gia đình đoàn viên, hạnh phúc. Những viên bánh hình tròn cũng là biểu tượng của sự viên mãn, sum họp. Ảnh: Beetify. |
|
3. Bánh fagao - Thịnh vượng: Điểm đặc biệt của bánh fagao chính là mùi thơm của rượu nếp ngập tràn trong miếng bánh xốp mềm. Hàng ngày, người Trung Quốc thường ăn bánh fagao trong bữa sáng. Vào ngày Tết, món bánh này lại càng trở nên đặc biệt hơn bởi ý nghĩa của nó. Chữ “fā” trong “fāgāo” có nghĩa là “phát”. Theo quan niệm xưa, ăn bánh fagao vào ngày đầu năm sự nghiệp sẽ càng tiến tới. Ảnh: Douguo. |
|
4. Đậu phộng phủ bột chiên - Sức sống và tuổi thọ: Đậu phộng (lạc) là loại hạt tượng trưng cho tuổi thọ. Vào dịp đầu năm, người Trung Quốc đã nghĩ ra cách chế biến đậu phộng với đường nâu và bột mì, sau đó chiên ngập trong chảo dầu nóng. Ngoài cách làm này, họ cũng sáng tạo ra kiểu loại khác nhau như chế biến đậu phộng và mạch nha để làm phong phú thêm bữa ăn ngày Tết. Ảnh: Haodou/Lejuu. |
|
5. Bánh quai chèo - Đoàn tụ: Bánh quai chèo (bánh quẩy đường) là đặc sản của thành phố biển Thiên Tân. Món ăn độc đáo này được làm từ hai hoặc ba thanh bột xoắn lại với nhau và chiên trong dầu nóng. Người Trung Quốc cho rằng, hình dạng xoắn của món bánh này tượng trưng cho sự gắn kết, đoàn tụ của các thành viên trong gia đình. Ảnh: Draco Drill. |
|
6. Cơm bát bảo - Sự may mắn: Gọi là cơm nhưng thực ra cơm bát bảo lại là món tráng miệng chủ lực trong ngày Tết ở Trung Quốc. Người nội trợ thường chế biến với táo đỏ, hạt sen, nhãn khô và một số loại hạt khác, sau đó tỉ mỉ tạo hình bắt mắt. Theo quan niệm xưa, chữ “bā” trong “bābǎofàn” đọc giống chữ phát. Vì thế, người Trung Quốc đưa món ăn này vào ngày Tết truyền thống với hy vọng một năm mới may mắn, phát tài. Ảnh: Sunrice. |
Minh Thúy
Theo China Highlights
món ăn ngày tết trung quốc
ẩm thực trung quốc
tết truyền thống
món ăn ngày tết
ẩm thực truyền thống