Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí mật phía sau những tấm bìa CD của The Beatles

Đằng sau những bức hình gắn liền với các sản phẩm âm nhạc bất hủ của tứ quái nước Anh là nhiều câu chuyện không phải ai cũng biết.

Please Please Me (1963): Bìa album dài đầu tay của The Beatles được chụp trên cầu thang của văn phòng hãng thu âm EMI tại Quảng trường Manchester. Ban đầu, nghệ sĩ Angus McBean muốn chụp hình nhóm bên ngoài khu côn trùng tại Sở thú London, như một dẫn dụ tới tên của ban nhạc. Song, ông không được ban quản lý nơi đây chấp thuận do e ngại danh tiếng của sở thú sẽ bị ảnh hưởng. Có lẽ đây chính là quyết định sai lầm nhất trong lịch sử Sở thú London.

With the Beatles (1963): Rob Freeman chụp bức hình đen trắng của ban nhạc tại khách sạn Metro Palace Court ở Bournemouth. Do Ringo Starr là người cuối cùng tham gia The Beatles nên người chụp chủ động xếp anh ngồi ở phía góc dưới bên phải. Song, tấm bìa gây ra nhiều tranh cãi giữa ban nhạc và hãng thu âm. EMI không cho phép bộ tứ sử dụng toàn bìa là hình ảnh nhóm bởi hãng cho rằng cái tên The Beatles chưa đủ sức nặng để có thể đứng riêng rẽ trên một tấm bìa trơn. Kết quả là một dải trắng được thêm vào phía bên trên. Ngoài ra, chuyện The Beatles không mỉm cười khi chụp hình cũng khiến EMI không hài lòng.

A Hard Day's Night (1964): Ý tưởng của Rob Freeman là mỗi ảnh con trên bìa đĩa giống như một frame hình, ghi lại từng chuyển động của thành viên nhóm The Beatles. Trên thực tế, ban nhạc còn phát hành một bộ phim cùng tên kèm theo CD A Hard’s Day Night. Tại một số thị trường trên thế giới, các đơn vị phát hành cho rằng màu đỏ, trắng trên nền xanh thẫm quá “Anh quốc” nên bìa đĩa bị biến báo. Chẳng hạn như tại Brazil và Mỹ, khung hình mang màu đỏ thay vì xanh thẫm.

Beatles for Sale (1964): Trong lần thứ ba hợp tác, Rob Freeman đưa tứ quái tới công viên Hyde Park vào mùa thu. Ông cho rằng gương mặt thiếu thân thiện của họ trên bìa giống như hình ảnh phản chiếu cho việc các thành viên trong nhóm đang cố gắng tìm kiếm những ngả rẽ mới trong con đường sáng tác mà chưa thể thỏa mãn.

Help! (1965): Ban đầu, Rob Freeman muốn bốn thành viên The Beatles cố gắng xếp tay thành đúng chữ H.E.L.P. như tiêu đề của album. Tuy nhiên, thành quả đạt được quá tệ nên ông buộc phải ứng biến và cho ra sản phẩm như lúc này. Bộ quần áo trượt tuyết mà nhóm mặc trên bìa vốn cũng xuất hiện trong bộ phim minh họa Help!.

Rubber Soul (1965): Đây là album đầu tiên mà tên nhóm nhạc không xuất hiện trên bìa, một điều cực kỳ hiếm thấy tại thời điểm năm 1965. Vào một buổi chiều, Rob Freeman phóng các bức hình của The Beatles lên một tấm bìa có kích cỡ như đĩa than để thử chọn hình ảnh cho Rubber Soul. Khi tấm bìa đổ ra phía sau, một bức hình bị xộc xệch và trông gương mặt nhóm như bị dài ra. Song, đây lại chính là điều mà The Beatles đang tìm kiếm khi đó.

Revolver (1966): Tấm bìa album huyền thoại Revolver do nghệ sĩ, nhạc sĩ Klaus Voormann người Đức thực hiện. Ông quen biết The Beatles từ những năm đầu thập niên 1960, khi nhóm nhạc có khoảng thời gian trình diễn tại thành phố Hamburg. Để tạo ra bìa đĩa, Voorman sử dụng hình ảnh cá nhân của các thành viên. Ông cũng tinh nghịch đưa tên và gương mặt mình xuất hiện ở phía trên mái tóc của George Harrison. Bìa đĩa Revolver sau đó giành giải Grammy tại hạng mục Bìa đĩa xuất sắc.

Bìa sau của Revolver chứa đựng một tin đồn mà tới nay chưa ai xác nhận. Từng có người cho rằng The Beatles phải đeo kính đen khi chụp hình như vậy bởi họ muốn giấu đi những đôi mắt “phê quắc cần câu” vì chất kích thích.

Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band (1967): Đây là thành quả của hai nghệ sĩ Peter Blake và Jann Haworth, lấy cảm hứng từ một bức tranh do chính Paul McCartney vẽ nên. 57 bức hình và 9 tượng sáp người nổi tiếng, trong đó có Bob Dylan và Lewis Caroll, được tạo dựng cho bìa CD phòng thu thứ tám của The Beatles. Nhóm đã tiêu tốn 3.000 bảng, một con số chưa từng thấy trong làng âm nhạc khi đó, cho riêng tấm bìa.

The White Album (1968): Trái ngược với Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band, The Beatles chọn sự tối giản cho bìa album tiếp theo. Toàn bộ là hình ảnh trắng với chỉ tên nhóm màu xám, kèm theo đó là một số series nhỏ ở góc dưới bên trái. Điều này vô tình làm dấy lên tin đồn nội bộ ban nhạc có nhiều lục đục, tới mức John Lennon và Paul McCartney không còn nhìn mặt nhau nữa.

Yellow Submarine (1969): Ra mắt năm 1969, bìa của Yellow Submarine, đồng thời là tấm poster của bộ phim minh họa cùng tên, do nghệ sĩ Heinz Edelman sáng tác. Bức hình mô tả chính xác phong cách psychedelic mà The Beatles theo đuổi kể từ album Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band trước đó.

Abbey Road (1969): Ban đầu, album mang tên Everest (theo hiệu thuốc lá ưa thích của kỹ sư âm thanh) và người quản lý đã sắp xếp để The Beatles tới chân ngọn núi nổi tiếng chụp bìa album mới. Tuy nhiên, ngày 8/8/1969, Lennon và McCartney quyết định bước ra ngoài, chụp một bức ảnh, rồi đặt tên album theo con phố mà họ ngẫu nhiên đặt chân tới. Nhiếp ảnh gia Iain Macmillan chỉ có 10 phút để chụp bức hình trong lúc cảnh sát phân luồng giao thông. Kết quả chính là Abbey Road - một trong những tấm bìa nổi tiếng nhất lịch sử âm nhạc.

Let It Be (1970): Tấm bìa của Let It Be với bốn thành viên ở bốn khung hình khác nhau trên nền đen chính là tín hiệu cho dấu chấm hết của ban nhạc lừng danh. Album thậm chí được phát hành sau khi The Beatles đã quyết định tan rã.

Tuấn Lương (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm