Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí mật sau đề thi ĐH: Mời giáo viên đóng vai thí sinh

Đề thi soạn xong, Bộ GD-ĐT sẽ mời ba giáo viên cho mỗi tổ vào phản biện. Quy trình mời giáo viên phản biện cũng bí mật như mời giáo viên ra đề.

Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc hội đồng thi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận túi đề thi môn toán sáng 4-7-2014 - Ảnh: Trần Huỳnh
Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc hội đồng thi ĐH Kinh tế TP.HCM nhận túi đề thi môn toán sáng 4/7.

Thành phần tổ phản biện của các môn đều có giáo viên THPT và giảng viên đại học.

Giáo viên phổ thông sẽ bấm giờ làm thử bài thi để xem mức độ khó dễ, ngôn ngữ sử dụng trong đề có gần gũi với học sinh hay không. Giáo sư đại học cũng làm thử để kiểm tra tính khoa học trong nội dung đề thi.

Bấm giờ làm thử

Ba ngày sau khi giáo viên ra đề vào trại đề, giáo sư H.H.B. cùng những giáo viên khác được mời vào tham gia phản biện. Giáo sư B. được mời tham gia phản biện cho môn vật lý. Đề thi môn vật lý thi theo hình thức trắc nghiệm trong 90 phút thì giáo viên phản biện sẽ bấm giờ để giải trong... 60 phút. Lúc này tổ phản biện chưa được gặp gỡ, tiếp xúc và cũng chưa biết những người ra đề là ai.

“Không mời được trò vào làm thử thì thầy... biến thành trò. Mình ngồi làm bài như học sinh luôn. Phải giải thực tế mới biết được đề có hoàn chỉnh hay không, có sai sót không, có khó quá hay dễ quá với thí sinh không” - giáo sư B. nói. Bộ phận thư ký chuyển đề thi vừa soạn xong cho giáo sư B. cùng những giáo viên phản biện khác. Tập trung giải, sau 50 phút giáo sư B. giải xong đề thi.

Sau đó, ông viết đề xuất chỉnh sửa đề thi và chuyển cho thư ký với nội dung như: Đề thi hơi khó so với thí sinh và cần giảm độ khó xuống. Bên cạnh đó, có một chi tiết giáo sư B. cũng đề nghị điều chỉnh cho sát hơn với thực tế mà tổ ra đề không chú ý hoặc nhầm lẫn. Đó là kích thước sợi dây điện thể hiện trong bài thi bằng với kích thước của... cái ống nước. Đề nghị sửa lại kích thước dây điện cho đúng với kích thước thực tế.

Từ đề xuất này, thư ký sẽ chuyển lại cho trưởng ban ra đề thi. Sau đó trưởng ban sẽ chuyển lại đề cho tổ vật lý. Lúc này, giáo viên phản biện và giáo viên ra đề mới được gặp nhau để trao đổi, bàn luận về những thay đổi trong đề thi. Có nhiều câu chuyện vui được những người ra đề thi kể lại xoay quanh câu chuyện phản biện đề thi. Lần đó, một giáo viên phổ thông dày dạn kinh nghiệm được mời phản biện môn vật lý. Sau khi bấm giờ làm thử, hết giờ mang bài thi này ra chấm chỉ đạt điểm... dưới trung bình.

PGS.TS L.V.H. (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) từng làm tổ trưởng tổ ra đề thi môn vật lý “lý giải” câu chuyện này: “Thứ nhất là do đề thi được ra quá khó. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là mấy thầy giáo lớn tuổi đôi khi bấm máy tính lâu và tính... không ra luôn. Thông thường thầy chỉ hướng dẫn cho học trò thì rất tốt nhưng bắt tay vào làm sẽ chưa quen. Đôi khi thầy giải chậm hơn học sinh là bình thường. Có năm mời giáo viên là chuyên gia luyện thi đại học nổi tiếng ở Hà Nội giải thử cũng chỉ được 8 điểm. Từ thực tế đó tổ điều chỉnh độ khó, giảm nhẹ đi cho trò”.

Còn giáo sư B. lý giải vui: “Học trò có nhiều em giải giỏi hơn thầy vì suốt ngày chỉ luyện có chừng ấy. Học trò phản xạ nhanh, động lực thi cử cũng lớn nên giải tốt hơn. Cũng giống như giáo viên dạy thanh nhạc. Dạy cho đúng nhạc lý nhưng hát lại... chưa chắc hay bằng ca sĩ học trò của mình. Cho nên giáo viên phản biện giải để xem đề có phù hợp với lứa tuổi, câu cú có như học sinh được dạy trên lớp không”.

Chuyển đề thi đến các điểm thi - Ảnh: Như Hùng
Chuyển đề thi đến các điểm thi.
Đề thi đại học môn toán năm 2014. Để có được đề thi đến tay thí sinh phải trải qua rất nhiều công đoạn - Ảnh: Như Hùng
Đề thi đại học môn toán năm 2014. Để có được đề thi đến tay thí sinh phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Thứ trưởng chọn ngẫu nhiên đề thi

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, quy trình làm đề thi phải tổ chức phản biện đề thi với ba người làm bài độc lập. Người làm phản biện không tiếp xúc với người ra đề thi, không mang theo bất kỳ tài liệu nào, không có đáp án và thang điểm, trực tiếp giải chi tiết đề thi (có bấm giờ).

Sau đó, đề xuất ý kiến bằng văn bản với trưởng môn thi về nội dung đề thi, đáp án, thang điểm, độ khó, độ dài của đề thi. Sau khi phản biện, người ra đề thi và người phản biện, dưới sự chủ trì của trưởng môn thi phải họp lại để thống nhất ý kiến (có ghi biên bản) về những điểm cần sửa chữa, bổ sung, thống nhất các phương án tổ hợp đề để không dùng nguyên đề thi do một cán bộ chủ trì biên soạn.

Nhiều lần, giáo viên phản biện độc lập phát hiện những chi tiết nhỏ nhưng quan trọng như dấu chấm, phẩy đặt chỗ này sẽ khiến người khác hiểu sai. Người phản biện hiểu sai thì thí sinh cũng sẽ hiểu sai. Làm xong, giáo viên phản biện nộp bài và dựa vào đó tổ làm đề sẽ đối chiếu với đáp án của người ra đề. Đáp án sát với bài làm thử sẽ tốt, còn nếu không sẽ được điều chỉnh lại cả đề và đáp án.

Người phản biện đóng vai thí sinh để làm bài. Họ và giáo viên ra đề không biết nhau, không ở cùng nhau, không ăn chung với nhau. Chỉ sau khi giải xong bài phản biện, hai bên sẽ gặp nhau để có một đề thi cuối cùng. Sau khi phản biện xong, giáo viên ra đề, phản biện sẽ cùng nhau ngồi lại xây dựng đề thi, đáp án của đề thi cho phù hợp với thí sinh về độ khó, ngôn ngữ. Sau đó, có ba đề được xây dựng hoàn chỉnh cả đề thi cùng đáp án và đánh số ngẫu nhiên 1, 2, 3.

“Ba đề này sẽ được bày lên bàn, đánh số ngẫu nhiên. Xong xuôi, trưởng ban ra đề thi (cũng bị “nhốt” cùng giáo viên) sẽ gọi điện cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi ấy là giáo sư Bành Tiến Long. Giáo sư Bành Tiến Long lúc này cũng không biết “mặt mũi” các đề thi số 1, 2, 3 ra sao nhưng sẽ chọn ngẫu nhiên kiểu như đề 2 làm đề chính thức, đề 3 làm đề dự bị 1, đề 1 làm đề dự bị 3” - một cán bộ ra đề thi ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) kể lại.

Đề chính thức đã được chọn ngẫu nhiên sẽ chuyển về Bộ GD-ĐT rồi chuyển đi các địa phương để in sao. Đề chuẩn bị đi in thì nửa đêm một vị giáo sư trong tổ ra đề vật lý bật dậy: “Tôi còn một cách giải nữa”. Cả tổ làm đề thót tim.

 

Đổi mới từng bước phương thức ra đề

Xuất phát từ chủ trương thay đổi cách thi để đổi mới phương pháp dạy và học hiệu quả, tiếp cận theo hướng phát huy năng lực học sinh, từ ba năm nay bộ đã định hướng lại công tác ra đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sự chuyển hướng này diễn ra một cách từ từ, thận trọng nhưng không kém phần quyết liệt.

Việc đầu tiên là thuyết phục những người ra đề thi. Điều này quả là không dễ dàng. Bao nhiêu năm dạy học và ra đề theo kiểu truyền thống nên khi được yêu cầu ra đề theo kiểu mới, các thầy cô giáo đều ngại. Sự ngần ngại này có lý của nó vì đề thi là khâu quan trọng, cả xã hội “soi” rất kỹ, mỗi một sơ suất đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kỳ thi và uy tín của người ra đề.

Để có được sự thay đổi đó, hơn ba năm nay ban chỉ đạo tuyển sinh của bộ đã kiên trì thuyết phục, điều chỉnh ban đề thi chuyển dần sang hướng mới. Đội ngũ những người ra đề thi được chọn lọc kỹ càng hơn, thành phần của ban đề thi cũng đã được cấu trúc lại, tỉ lệ giáo viên phổ thông tăng dần, nhiều thầy cô trẻ, năng động được bổ sung...

(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga)

 

 

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/616400/moi-giao-vien--dong-vai-thi-sinh.html

Theo Hà Bình - Ngọc Hà/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm