Bí mật trong các thiết kế Couture của Givenchy
Mỗi chi tiết nhỏ trên thiết kế như khóa kéo, hạt cườm, hoa lụa đều phải tuân thủ quy tắc ngặt nghèo và phải thực hiện hoàn toàn bằng tay để có đạt tới độ tinh xảo tuyệt đối.
Haute Couture là một thuật ngữ tiếng Pháp mang nghĩa "may đo cao cấp" hoặc "thời trang cao cấp", thường dùng để chỉ những sản phẩm được thiết kế riêng cho người mặc với chất lượng hạng nhất. Để có thể làm ra được một sản phẩm đúng nghĩa Haute Couture, có khi phải cần đến hơn chục người thợ lành nghề và hàng nghìn giờ làm việc.
Riccardo Tisci- giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Givenchy có lần đã nói rằng khi anh mới bắt đầu công việc, hãng mới chỉ có 5 khách hàng trong lĩnh vực này. Giờ đây con số đó đã tăng lên 29. Điều gì đã làm nên sự khác biệt trước và trong thời Tisci? Hãy nghe anh chia sẻ về những điều bí mật đã được áp dụng trong BST Couture thu - đông 2011.
Nói về bí quyết làm nên thành công, Riccardo Tisci cho rằng anh là người không ngại khó hoặc e dè khi muốn kết hợp tính chất đường phố hiện đại với các đặc điểm truyền thống của Couture. 2 năm trước, khi Tisci mới bắt đầu thay thế khóa giọt lệ (invisible zipper) vốn vẫn được sử dụng trong các loại váy dài trừ trước tới giờ bằng khóa kéo nhựa, ý tưởng này bị kết án là điên rồ và chẳng khác nào tự kí tên vào bản án tử hình của hãng.
Tisci có nhiều dự tính và cách nhìn khác trong đầu. Anh phản kháng: “Không hề! Nó sẽ là tương lai của chúng ta”.
Khá kì lạ, khóa kéo nhựa đã trở thành nét đặc trưng của dòng sản phẩm Couture của Givenchy từ đó. Có lẽ vì kết cấu to bản đầy mạnh mẽ của nó được đặt hàng riêng cho thương hiệu này với chất liệu nhựa cao cấp (khóa kéo có màu trắng sữa và cảm giác bề mặt hơi giống cát mịn), khác hẳn những gì người ta đã lầm tưởng ban đầu là hàng rẻ tiền Trung Quốc có thể mua ở bất cứ nơi nào trên thị trường.
Khóa kéo nhựa trên các sản phẩm Couture của Givenchy một thời làm dậy sóng dư luận. |
Tisci chọn ra 3 thiết kế nổi bật nhất của BST thu - đông 2011 để minh họa cho những kĩ thuật quan trọng mà anh và các người thợ lành nghề đã phải tốn nhiều công sức hoàn thành. Chiếc váy đầu tiên đòi hỏi một trong những kĩ thuật lâu đời nhất của nghề làm Couture, được gọi là “kiểu đính cườm Carviar” (Carviar bead).
Ngày nay, đối với nhiều sản phẩm hàng loạt, người ta sử dụng công nghệ in hạt Carviar để đạt hiệu quả tối đa về kinh tế. Đây là công đoạn phun trực tiếp hợp chất Plastisol (một hợp chất PVC có tính kết dính cao) lên mặt vải hoặc rải những hạt cườm nhỏ lên chất kết dính đã tạo hình sẵn trên chất liệu. Tuy nhiên, với hàng thiết kế của Givenchy, tất cả đều được đính bằng tay từng hạt- từng hạt lên vải lụa. Đây là sản phẩm tốn nhiều thời gian do kích cỡ của hạt cườm quá bé và mật độ phủ trên vật liệu quá dày đặc. Một sản phẩm hoàn hảo là khi đặt tay lên các khu vực đính hạt, người ta cảm giác một bề mặt đồng nhất và không hề có một chút gợn nhỏ nào.
Chiếc váy sử dụng kĩ thuật đính hạt Carviar, thuộc BST thu - đông 2011. |
Chiếc váy thứ 2 mang nhiều cảm hứng từ trang phục của thần sắc đẹp Approdite - vị thần được sinh ra từ bọt biển. Mỗi chiếc váy như vậy cần một lượng hạt trai chính xác là 2.000 viên. Các hạt trai được làm từ pha lê cao cấp với một lớp hợp chất Inox Cartelle làm lớp lót bên trong để đạt được hiệu quả bắt sáng tuyệt vời nhất.
Một chiếc váy như thế này cần 2000 viên trai. |
Thiết kế cuối cùng là một trong số các tác phẩm đắt đỏ nhất của BST. Chiếc đầm dài này cần đến 300m vải tuyn làm từ sợi lụa với vô vàn các lớp cánh hoa chạy dọc thân váy. Các cánh hoa này phải được cắt chính xác kích thước như nhau, một cánh được tạo nên từ khoảng 15 đến 20 lớp vải tuyn lụa, sau đó đính bằng tay lên các tầng trong ngoài của váy. Tisci cho biết, toàn bộ cánh hoa được sắp xếp có chủ đích để tạo nên hình ảnh vẩy cá, và đối xứng nhau tuyệt đối nếu lấy trục là đường trung tâm chia đôi thân áo.
Các lớp cánh hoa/ vẩy phải được cắt với kích thướng chính xác và tuyệt đối bằng nhau. |
Người ta nói rằng những thiết kế này là duy nhất trên thế giới, một là do thành phần vật liệu đặc biệt và tính phức tạp của các kĩ thuật cắt may, một phần khác còn do yêu cầu của khách VIP của hãng. Sự tinh tế của các sản phẩm này kì diệu đến mức khi cầm nó trên tay, ta sẽ chỉ đơn thuần cảm nhận được cái đẹp và concept của chúng chứ không thể nào nhìn ra được các đường cắt hay tiểu tiết phức tạp khác.
Anne Hatthaway tại buổi công chiếu Les Miserables. |
Rooney Mara tại buổi công chiếu Cô gái với hình xăm rồng ở London. |
Beyonce Knowles tại Met Gala 2012 |
Couture giống như một căn bệnh ám ảnh mọi nhà thiết kế và cả người sử dụng, dĩ nhiên theo hướng tích cực. Trong khi các sản phẩm mặc sẵn thay đổi theo mùa, một chiếc váy couture sẽ luôn được cất giữ ở nơi trang trọng nhất trong tủ đồ của bạn suốt đời.
Link Pham
Theo Infonet