Người bị oan trong vụ này là ông Nguyễn Văn Dũng, quê xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Gần 40 năm trước, cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh khởi tố, bắt giam oan ông Dũng, sau đó đình chỉ điều tra. Từ đó đến nay, ông liên tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Biến cố
Năm 1976, chàng thanh niên Nguyễn Văn Dũng mới chỉ 16 tuổi. Các anh của Dũng đều đi bộ đội, không thể chờ thêm hai năm nữa, Dũng đi làm lại giấy khai sinh, khai tăng thêm hai tuổi để được nhập ngũ. Anh được đưa sang Campuchia làm tiểu đội trưởng đơn vị C19-E774, thuộc Sư đoàn 317 Quân khu 7. Đến tháng 7/1979, anh được đơn vị cho về thăm gia đình.
Nguyễn Văn Dũng về nhà vào tối 26/7/1979. Khuya đó, ở xã xảy ra một vụ cướp có vũ khí. Anh bị công an xã đưa về trụ sở xã rồi chuyển lên công an huyện. Dũng kể: “Sau đó, họ dùng nhục hình buộc tôi phải thừa nhận tội cướp. Tôi đã nhiều lần đề nghị chuyển tôi sang quân pháp xử lý vì tôi là quân nhân nhưng không được giải quyết. Tôi vô cùng tuyệt vọng. Tôi nhiều lần kêu oan nhưng không được xem xét. Đến ngày 11/5/1983, tôi được trả tự do, VKS tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra”.
Bị oan từ tuổi 20, đến nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Dũng vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường. |
Quyết định đình chỉ điều tra của VKS tỉnh Tây Ninh nêu rõ: Do khi xảy ra vụ cướp, gia đình nạn nhân xác định đám cướp có súng và một con dao trắng loại dùng để bán bánh mì. Một người ở xã có con dao này nên bị rơi vào diện nghi vấn. Người này bị bắt, bị dùng nhục hình và đã khai nhận có cả Nguyễn Văn Dũng tham gia. Nhưng khi công an đến chỗ “cất giấu tài sản” thì không có gì. Sau một thời gian dài điều tra không có kết quả.
VKS nhận định: “Do điều tra nhục hình buộc họ nhận chớ họ không phạm tội này”.
“Chỉ cần một lời xin lỗi”
Sau khi được đình chỉ điều tra, ông Dũng tìm về đơn vị cũ thì được biết đơn vị đã cắt quân số và báo cáo anh đào ngũ. Ông trình bày sự việc với lãnh đạo đơn vị. Đơn vị đã xem xét các giấy tờ ông mang tới và khôi phục hồ sơ quân nhân cho ông. Sau đó, đơn vị giải quyết chế độ xuất ngũ cho ông. Về trách nhiệm bồi thường danh dự, đơn vị hướng dẫn ông về lại địa phương liên hệ với cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, từ ngày được trả tự do đến nay, ông Dũng không hề nhận được một lời xin lỗi hay sự bồi thường oan nào từ phía cơ quan tố tụng. Ông gửi đơn khiếu nại lên công an tỉnh, đơn vị này trả lời: “VKSND tỉnh Tây Ninh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn”.
Ông đến VKS tỉnh thì được trả lời vụ việc đã được “giải quyết” bằng một công văn ký ngày 18/7/2000 với nội dung “thời điểm năm 1983 chưa có Luật Bồi thường của Nhà nước nên đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và quyền lợi hợp pháp”.
Vợ ông Dũng tâm tư: “Gần 40 năm qua, ông ấy vẫn không cất được gánh nặng trong lòng. Tôi mong cơ quan có trách nhiệm hãy đến gặp ông một lần, chỉ một lời xin lỗi thôi chứ bắt ông đợi tới bao giờ”.
Đến nay, ở tuổi gần 60, ông Dũng nói vẫn không thể cất đi gánh nặng trong lòng. Ông tâm sự: “Ai từng rơi vào cảnh này mới thấu. Tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần họ đến đây và nhận sai thôi”.
VKS phải xin lỗi, bồi thường oan
Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo VKS tỉnh Tây Ninh nhiều lần để tìm hiểu về vụ việc nhưng bất thành.
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng trường hợp của ông Dũng vẫn còn thời hiệu để yêu cầu giải quyết bồi thường oan. Theo luật sư Lâm, khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 quy định: “Đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày 1/7/1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì áp dụng nghị quyết này để giải quyết”.
Theo luật sư Lâm, kể từ năm 1983, sau khi được trả tự do, ông Dũng đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng yêu cầu được giải quyết bồi thường. Chính văn bản trả lời của công an và VKSND tỉnh Tây Ninh cũng đã thừa nhận điều này. Như vậy, chiếu theo Nghị quyết 388, trường hợp của ông Dũng phải được xin lỗi, bồi thường oan.
“Cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh nên xem xét giải quyết bồi thường cho ông Dũng. Đó là trách nhiệm, cũng là đạo lý đối với một quân nhân đã chịu quá nhiều tổn thương như ông Dũng” - luật sư Lâm nói.
Gần 40 năm sống đời u uẩn
Sau khi được trả tự do năm 1983, ông Dũng (khi ấy vẫn còn là một thanh niên) về lại địa phương, bắt đầu chuỗi ngày đau khổ của người mới ra tù, bị mọi người gièm pha, nghi ngại. Nhiều người nói rằng: “Chẳng lẽ không có tội gì mà phải ở tù tới bốn năm trời?”.
Gia đình Dũng ly tán mỗi người một phương. Dũng tìm gặp người yêu, cô ấy òa khóc kể cô có lên trại giam xin thăm Dũng nhưng người ta nói rằng Dũng được thả lâu rồi và bỏ đi đâu không rõ. Vì mất liên lạc và nghĩ rằng Dũng mặc cảm có tội, đã bỏ mình nên cô đi lấy chồng.
Ông Dũng rời quê phiêu bạt đến xã Thạnh Phước (Gò Dầu, Tây Ninh) làm thuê và cố quên đi những năm tháng đau buồn của cuộc đời. Dũng làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ làm cỏ thuê, chẻ đá đến phụ hồ. Anh bộ đội vui vẻ, yêu đời ngày nào không còn nữa, thay vào đó là bộ dạng u uẩn, buồn bã và gần như mất phương hướng trong cuộc sống.
Sau đó, ông Dũng gặp được một người phụ nữ rồi cả hai gắn bó với nhau. Hai vợ chồng chắt chiu mãi mới mua được một căn nhà ở xã Thạnh Phước. Vợ ông Dũng nhiều lần chứng kiến cảnh giữa đêm chồng ngồi dậy giàn dụa nước mắt.
Ông Nguyễn Văn Đấu (58 tuổi, ngụ xã Đôn Thuận, hàng xóm cũ và là bạn lính của ông Dũng) kể: “Sau khi thằng Dũng bị bắt một năm thì tôi về phép thăm nhà, nghe chuyện tôi hỡi ơi luôn.
Tôi không tin Dũng làm chuyện đó vì tôi biết nó là người rất đàng hoàng. Hồi nó về phép, tôi đang đóng quân ở Siêm Riệp, tôi kêu nó ở lại ngủ với tôi một đêm để anh em tâm sự. Người cùng xứ mà, gặp nhau quý nhau lắm.
Nhưng nó nói đơn vị cho về thăm nhà kết hợp lấy tài liệu nên phải đi cho sớm. Nó mà ở lại một đêm thì không gặp chuyện rồi. Tôi nghe nhiều người kể lại, bữa đó anh em thằng Dũng đi cất vó tôm về thì bị bắt”.
Thời điểm đó, anh ông Dũng, cũng là cựu chiến binh, chuẩn bị được kết nạp Đảng. Ông Đấu xót xa nói: “Sau cái bữa đó, cả nhà nó tan nát hết. Mấy đứa nhỏ nhỏ sau này không biết chứ người tầm tuổi tôi đổ lên là biết chuyện này”.