Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết 6 công dân trẻ tiêu biểu TP HCM 2015

Hội đồng bình chọn giải thưởng Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2015 đã họp bỏ phiếu bầu chọn sáu gương mặt xuất sắc nhận danh hiệu công dân trẻ tiêu biểu TP HCM 2015.

Trong lĩnh vực của mình, cả sáu bạn đều ghi những điểm nổi trội. Bí quyết của từng bạn là gì?

Rèn thể lực 
và ý chí mỗi ngày

Có những lúc phải đứng trước lằn ranh sinh tử của nghề nhưng trung úy Võ Thành Công (26 tuổi, cán bộ phòng cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM) vẫn vượt qua.

Vào nghề từ một người biết bơi bập bõm, Công ra sức luyện tập và kết quả là “người nhái” Thành Công đã có thể lặn sâu dưới 40 m. Anh đã cứu sống nhiều người đuối nước, cùng đồng đội tham gia vớt hàng trăm thi thể nạn nhân nhằm phục vụ cho cơ quan điều tra phá án.

“Khi lặn sâu xuống nước thật khó lường con nước ra sao. Chỉ có thường xuyên lặn mỗi ngày mình mới có thể xử lý tốt các tình huống” - Công nói.

Đều đặn mỗi ngày, “người nhái” Thành Công không chỉ luyện thể lực bằng các bài tập chuyên môn mà còn luôn tập bơi, lặn dưới lòng sông.

“Tôi tâm niệm phải rèn luyện thể lực và ý chí thì khi ra trận mình mới không nề nguy hiểm. Niềm vui của tôi là khi mình cứu được một người thoát hiểm nguy, giành sự sống cho họ”.

Làm thợ giỏi nhất 
thì rất vinh dự

So với tuổi nghề của các đàn anh thì thợ trẻ Đinh Xuân Tân (28 tuổi), Xí nghiệp công nghiệp và dịch vụ ôtô (ISAMCO) thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, mới có bảy năm lăn lộn với nghề nhưng anh lại được công ty bầu chọn danh hiệu “Người thợ đầu đàn”.

Mới đây anh còn nhận giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc. Lúc còn là sinh viên hệ cao đẳng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Tân đã đoạt giải ba hội thi tay nghề toàn quốc.

Vừa đi làm vừa học, Tân cũng đã lấy bằng kỹ sư nhưng anh vẫn chọn làm thợ và có thể giải quyết được hầu hết các “bệnh” của xe.

Tân nói: “Làm việc hết mình và nắm chắc tay nghề mới đủ tự tin xử lý các tình huống. Tôi tâm niệm phải làm được việc, do vậy nếu làm thợ mà là thợ giỏi nhất thì đó chính là niềm vinh dự”.

Anh Đinh Xuân Tân (trái) được bình chọn là “Người thợ đầu đàn” của Xí nghiệp công nghiệp và dịch vụ ôtô (ISAMCO) - Ảnh: K.A.
Anh Đinh Xuân Tân (trái) được bình chọn là “Người thợ đầu đàn” của Xí nghiệp công nghiệp và dịch vụ ôtô (ISAMCO) - Ảnh: K.A.

Đam mê gắn liền 
với khổ luyện

Đến với môn võ taekwondo từ lúc 7 tuổi chỉ để rèn sức khỏe nhưng càng ngày Nguyễn Thị Mộng Quỳnh (17 tuổi, Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9) càng đam mê. Quỳnh “ốc tiêu” (42kg) nhưng lại có đến... 70 huy chương các loại và còn là kiện tướng quốc tế taekwondo hai năm qua.

Quỳnh là vận động viên duy nhất của taekwondo Việt Nam (lứa tuổi 15-17) sở hữu đủ bộ huy chương vàng các giải vô địch taekwondo trẻ thế giới, châu Á, Đông Nam Á và các CLB quốc tế tính đến thời điểm này.

Quỳnh khổ luyện mỗi ngày khi ngoài giờ học còn phải vượt khoảng 50km cả đi và về đến Trung tâm TDTT Q.10 luyện tập buổi tối.

“Trước mỗi lần chuẩn bị tham gia thi đấu dù là giải trong nước hay giải quốc tế tôi cũng đều phải dành nhiều thời gian luyện tập. Khi đã vào sàn tập, tôi quên tất cả, chỉ còn sống với niềm đam mê” - Quỳnh chia sẻ.

Cống hiến nhiều hơn 
cho cộng đồng

Tự nhận mình may mắn khi sở hữu chất giọng cao và được cha mẹ cho theo học bài bản từ nhỏ, nhưng với ca sĩ Võ Hạ Trâm (25 tuổi, cử nhân thanh nhạc Nhạc viện TP.HCM), để có thành công trong nghề này cần dày công luyện tập.

Cạnh đó, cô không quên tham gia các chương trình hướng về biển đảo và hoạt động cộng đồng khác. “Thời gian tới tôi sẽ ra những sản phẩm âm nhạc gắn với dòng nhạc truyền thống truyền lòng tự hào và yêu quê hương đất nước tới bạn trẻ” - Hạ Trâm cho biết.

Luôn làm mới kiến thức của mình

Đàm Nguyễn Trọng Nhân (22 tuổi) hiện là nghiên cứu viên của khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM).

20 năm rồi chưa có cử nhân nào của khoa hay trường tốt nghiệp với điểm số “khủng” như Nhân: 9,64/10. Điều đáng nói là bốn năm trước, Trọng Nhân cũng là cái tên thủ khoa trúng tuyển vào trường.

Hè 2015, Nhân đã có ba tháng thực tập tại Canada. Vừa hoàn thành yêu cầu kỳ thực tập của giáo sư tại Canada, Nhân vừa viết luận văn và được đặc cách bảo vệ tốt nghiệp trực tiếp qua mạng từ Canada về hội đồng chấm tại VN.

Đề tài theo lĩnh vực máy học, dùng các thuật toán để chứng thực người dùng qua nhận diện dáng đi, khuôn mặt. Nhân công bố kết quả nghiên cứu này trong hội nghị ở Mỹ tháng 12 này.

Hiền lành và ít nói, song thành tích của tân cử nhân chương trình tiên tiến với giáo trình học tập của Mỹ khiến người ta thán phục. “Nhân là người phát triển phần mềm Scratch dạy ngôn ngữ lập trình cho trẻ em, soạn tài liệu và trực tiếp đứng lớp trong hè” - phó bí thư đoàn trường Trần Vũ cho biết.

Còn thạc sĩ Trần Quốc Trung (29 tuổi, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP HCM) luôn tự đặt cho mình những mục tiêu nghiên cứu để không tự ăn mòn kiến thức của mình trong quá trình giảng dạy.

Làm đề tài nghiên cứu sinh của một chương trình hợp tác với đại học tại Pháp nên mỗi năm Trung phải thu xếp thời gian để qua làm việc với giáo sư bên Pháp. Đó là chưa kể có năm Trung không còn biết tết là gì vì tranh thủ ngày nghỉ đọc và nghiên cứu tài liệu.

Luận án tiến sĩ đã hoàn thành, Trung sẽ qua Pháp bảo vệ vào cuối tháng 1/2016.

Quốc Trung là một trong ba thầy giáo đã sáu năm liên tiếp nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” của Thành đoàn TP.HCM cho những sáng kiến, phương thức mới trong giảng dạy.

Theo anh, diễn biến kinh tế VN và thế giới có thể nói thay đổi từng giờ nên trong khả năng của mình, anh luôn cố gắng cập nhật thông tin thời sự mới nhất về kinh tế.

“Có thể tôi chưa là người thầy giỏi nhưng mỗi tiết học của tôi phải có điều gì đó mới mẻ cho sinh viên” - Trung chia sẻ.

Quốc Linh.



http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20151221/bi-quyet-6-cong-dan-tre-tieu-bieu-tphcm-2015/1024369.html

Theo Kim Anh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm