Chiều 4/7, những bóng áo xanh trùm kín đầu quen thuộc xuất hiện tại khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3, TP.HCM. Màu sắc vốn là biểu tượng của niềm hy vọng từ bao giờ lại đem đến những dấu hiệu xấu.
Dây ruy băng bắt đầu được kéo ra, giăng kín lối vào khu chung cư cũ trước giờ luôn tĩnh lặng. Ổ dịch bùng phát từ quán cà phê ngay dưới dân tòa chung cư. Virus nhanh chóng lây lan tới nhiều hộ dân cư trong khu nhà.
Khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật tại quận 3 bắt đầu bị phong tỏa từ chiều 4/7. Ảnh: NVCC. |
“Không may, ngày 12/7, ở lần lấy mẫu test nhanh thứ 2, tôi được nhân viên y tế báo kết quả bà nội dương tính với SARS-CoV-2. Sự hoảng loạn sau đó nhanh chóng chiếm lấy suy nghĩ trong tôi”, chị L.T.M.T., 26 tuổi, cư dân tại khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật, chia sẻ.
Nỗi lo cho người thân nhiều bệnh nền
Gia đình chị T. có 4 thành viên. Ngoài chị T., 3 thành viên còn lại gồm một người chú 51 tuổi, bà nội 76 tuổi có tiền sử huyết áp, đái tháo đường, giãn tĩnh mạch và ông nội 87 tuổi mắc bệnh về tim, mắt.
“Sau khi biết bà nhiễm virus, tôi thực sự sợ hãi. Bà có nhiều bệnh nền lại lớn tuổi. Tôi thậm chí còn có suy nghĩ sao không phải mình. Tôi còn trẻ, lỡ mắc bệnh có thể sẽ đỡ hơn nhiều”, chị T. nhớ lại.
Tự trấn an chính bản thân và gia đình, chị T. nhấc điện thoại gọi cho người cô khi đó không ở cùng nhà chung cư, nhờ hỗ trợ về thực phẩm, thuốc và chuẩn bị hành lý cách ly. Chị T. cũng nhờ cô và chú thường xuyên gọi điện cho bà, không để bà tiếp xúc với các nguồn tin tiêu cực.
Chị T. cùng sự trợ giúp của cô từ bên ngoài chuẩn bị đầy đủ thiết bị theo dõi y tế cũng như các loại thuốc cần thiết. Ảnh: NVCC. |
“Sau khi bàn bạc, chúng tôi xác định sẽ không để bà đi cách ly một mình vì nhiều lý do liên quan sức khỏe thể chất cũng như tinh thần”, chị T. nói.
Tới sáng 14/7, nhân viên y tế gọi cho chị T. và yêu cầu gia đình chuẩn bị cho bà đi cách ly, điều trị tại bệnh viện. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, chị T. không khỏi bồn chồn khi nghe được giọng nói ở đầu dây bên kia. Chị bắt đầu trình bày các vấn đề của gia đình và xin đi theo.
Sau khi lắng nghe vấn đề, các nhân viên y tế tại phường đã liên hệ tới cấp quận để tìm cách hỗ trợ. Đại diện quận sau đó thông báo trường hợp gia đình chị T. có thể tạm gác lại, xét nghiệm thêm một lần nữa để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngày 23/7, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm của chị T. và ông nội dương tính với virus. Đến ngày 31, đến lượt thành viên cuối cùng là người chú cũng được xác định nhiễm nCoV.
Chị T. tâm sự: “Lần thứ 2 nhận kết quả nên tâm lý của tôi đã vững vàng hơn nhiều. Tuy nhiên, bà nội biết tin lại khóc nhiều hơn. Bà lo bản thân đã lây virus cả gia đình. Tôi chỉ biết cố gắng động viên bà, rằng đây là điều không ai mong muốn”.
Chuẩn bị và vững vàng trước triệu chứng bệnh
Xuyên suốt thời gian sau đó, chị T. thống nhất với các thành viên trong gia đình thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang cả ngày, súc miệng bằng nước muối và bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng.
Với 2 ông bà lớn tuổi, chị T. thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, đo huyết áp và nồng độ oxy trong máu với tần suất 3-4 lần/ngày.
Chị T. thường xuyên đo các chỉ số cho ông và bà với tần suất 3-4 lần/ngày. Ảnh: NVCC. |
“Một điều may mắn là ông và bà nội của tôi ngoài sốt không xuất hiệu triệu chứng nào khác. Các loại thuốc điều trị bệnh nền của ông bà vẫn còn và được uống đầy đủ. Chú của tôi cũng không xuất hiện biểu hiện bất thường”, chị T. nói.
Tuy nhiên, vấn đề tâm lý vẫn là trở ngại lớn với gia đình. Theo chị T., thời gian đầu, mỗi lần nghe tiếng xe cấp cứu gần nhà, bà của chị T. lại giật mình, lo lắng và đi lại lòng vòng. Do khu chung cư trở thành ổ dịch, mỗi lần thấy bóng áo xanh tới, bà lại tỏ rõ sự sợ hãi.
Ông nội của chị T. lạc quan hơn. Hàng ngày, ông vẫn tưới cây, sinh hoạt bình thường. Chỉ số oxy trong máu của ông luôn trên 93. Trong quá trình mắc bệnh, cả 2 người đều có vài lần sốt khoảng 38 độ C nhưng nhanh chóng hạ sốt sau khi uống thuốc.
Người duy nhất trong nhà có diễn biến nặng hơn lại là chị T. “Tôi có gần như tất cả triệu chứng được khuyến cáo như đau đầu, sốt, đau rát họng, mất vị giác và khứu giác. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng uống thuốc và sinh hoạt bình thường. Dù đôi lúc đi trong nhà mà tay chân bủn rủn, tôi nghĩ nằm mãi còn mệt mỏi hơn nên cố gắng duy trì vận động”, chị T. chia sẻ.
Ngoài ra, theo chị T., việc ăn uống đầy đủ, duy trì dinh dưỡng được chị đặc biệt chú trọng.
Dinh dưỡng là yếu tố được gia đình chị T. chú trọng khi tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Các suất ăn được dọn riêng để đảm bảo an toàn. Ảnh: NVCC. |
“Những ngày ông bà khó chịu, không muốn ăn, tôi vẫn cố dọn cơm ra và năn nỉ để cả nhà đảm bảo dinh dưỡng. Những ngày tôi có triệu chứng nặng hơn, bà nội và chú cũng hỗ trợ việc nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa”, chị T. cho hay.
Trong những ngày này, gia đình chị T. cũng nhận được sự hỗ trợ từ phường, hàng xóm với các loại thực phẩm thiết yếu. Chị T. kể: “Các cô chú làm từ thiện nhiều hôm còn xách đồ lên, để ngay cửa nhà cho chị nữa, quý lắm”.
Tới ngày 4/8, kết quả xét nghiệm của ông và bà chị T. đã âm tính với SARS-CoV-2. 10 ngày sau, cả gia đình được lấy mẫu xét nghiệm lại và cũng cho kết quả âm tính, qua đó chấm dứt hơn 1 tháng chiến đấu với Covid-19.
Gia đình chị T. cũng được phường, hàng xóm, tình nguyện viên hỗ trợ về thực phẩm, nhu yếu phẩm. Ảnh: NVCC. |
Trải qua giai đoạn khó khăn nhất, chị T. cho rằng các yếu tố quan trọng giúp gia đình vượt qua là tâm lý, kiến thức y tế cơ bản và sự chuẩn bị về thực phẩm, thuốc.
“Dù việc các thành viên trong gia đình không diễn biến quá nặng là một may mắn, tôi nghĩ bi quan quá cũng khó có thể làm được việc gì. Ngoài ra, không đủ các dụng cụ y tế như thiết bị đo huyết áp, nồng độ oxy trong máu hay nhiệt độ, tôi không thể tự tin chăm sóc ông bà ở nhà. Trong khi đó, không có thuốc hay đồ ăn, chúng ta cũng không thể đảm bảo sức khỏe khi mắc bệnh”, chị T. chia sẻ.
Một số loại thuốc được gia đình chị T. sử dụng bao gồm: paracetamol, miếng dán hạ sốt, thuốc ho, siro ho, kẹo ngậm, thuốc trị tiêu chảy và vitamin bổ sung.
“Giây phút tôi nghe kết quả xét nghiệm của bà nội là thời điểm tôi nhận thức được rõ nhất về những điều mình chưa sẵn sàng đánh mất trong cuộc sống. Người trẻ đôi khi sống nhanh mà quên đi nhiều giá trị. Chưa bao giờ tôi quan tâm gia đình mình như lúc này. Đại dịch lấy đi của chúng ta nhiều thứ nhưng có lẽ, nó cũng giúp mỗi người học được một số điều”, giọng chị T. bỗng trầm lại.