Giỏi tiếng Anh
Cho đến năm học lớp 11, trình độ tiếng Anh của Nguyễn Tiến Đạt (SN 1993) vẫn chỉ ở mức trung bình. Đến cuối cấp, khi xác định thi khối D đại học, Đạt mới bắt đầu tập trung tự học tiếng Anh.
Nguyễn Tiến Đạt. |
Năm 2011, cậu học sinh trường Chu Văn An trở thành sinh viên Đại học Công Nghiệp Hà Nội. Học được gần một năm, Đạt cảm thấy không phù hợp môi trường học tập của ngôi trường này. Mất động lực, nỗi chán nản ngày một lớn dần, cậu nghĩ đến việc bỏ học để thi một trường khác.
Tháng 5/2012, Đạt bỏ học, giấu gia đình.Cậu cố gắng tự học lại kiến thức phổ thông từ đầu để thi vào Đại học Ngoại Ngữ. Buổi sáng, Đạt giả vờ đi học, ra công viên, vào quán cà phê hoặc lên thư viện của trường cũ ngồi học. Buổi chiều, cậu đến các lò luyện thi để học lại kiến thức Toán - Văn - Anh từ đầu.
Khoảng thời gian học tiếng Anh hiệu quả nhất của Đạt cũng chính là khi ôn thi lại đại học, từ tháng 5/2012 đến tháng 6/2013.
Trót nói dối gia đình, việc đỗ đại học khi đó là "cửa sống" duy nhất của Đạt. "Lúc đó mình có áp lực rất lớn phải thành công, nên việc tự học đạt hiệu quả cao. Thực sự khả năng tiếng Anh của mình hiện giờ nhờ rất nhiều từ những gì học được thời kỳ đó".
Sau hơn một năm ôn tập, Đạt đã xuất sắc đỗ Đại học Ngoại Ngữ với 32,5 điểm. Riêng điểm tiếng Anh là 9,25.
Những lời cam kết trên Facebook
Dù định hướng trở thành giáo viên tiếng Anh nhưng nhiều người lại biết đến Nguyễn Tiến Đạt như một dịch giả. Cậu thường tự làm những dự án dịch thuật cá nhân, sử dụng Facebook như một nơi cam kết phải hoàn thành dự án.
Trong một dự án cá nhân năm 2014, cậu đã dịch trọn vẹn cuốn sách Quiet (Im Lặng) dày gần 400 trang của tác giả Susan Cain, trước khi bản dịch chính thức được xuất bản tại Việt Nam. Bản dịch của Đạt đã nhận được phản hồi tích cực từ thầy cô và bạn bè.
Cuốn sách dày gần 400 trang được Đạt dịch trong vòng 7 tháng. |
Cũng trong năm 2014, Đạt hoàn thành dự án lớn thứ hai: Dịch và phụ đề lại toàn bộ 13 tập của series phim Cosmos: A Spacetime Odyssey (Vũ trụ: Chuyến du hành không gian và thời gian). Đây là một trong những bộ phim tài liệu khoa học nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Dịch trở thành hoạt động thường xuyên của Đạt. Nhưng mỗi lần hoàn thành một bài dịch, cậu không bán mà chia sẻ miễn phí cho bạn bè trên mạng.
"Dự án" cá nhân gần đây nhất của Đạt chính là giành trên 8 điểm IELTS mà không cần luyện thi ở trung tâm và toàn bộ số tiền để dự thi do cậu tự kiếm. Để đạt được điều này, Đạt đã tự thu thập tài liệu ôn thi ở trên mạng, biên soạn và đóng thành cuốn tài liệu luyện thi cho riêng mình.
Bảng điểm IELTS đáng nể của Nguyễn Tiến Đạt |
Kết quả, Đạt đã đạt điểm 8.5, trong đó trong đó phần Reading và Listening đạt điểm 9, Writing đạt 7.5 và Speaking 8.5. Không nhiều sinh viên Việt Nam đạt được kết quả này.
"Mình gọi đó là các Personal Projects - Dự án cá nhân. Từ việc thi lại đại học, dịch quyển cuốn sách gần 400 trang, dịch bộ Cosmos, giành học bổng mỗi học kỳ ở Đại học Ngoại Ngữ, và thi được 8.5 IELTS trong lần thi đầu tiên mà không cần gia sư hay đi học trung tâm,... tất cả đều bắt đầu với một lời cam kết trên Facebook".
Bí quyết tự học đạt 8.5 IELTS
Đạt cho biết, có hai điều kiện quyết định trong cách học của mình
Một là kiên trì tra cứu đến cùng mọi thắc mắc. Bất cứ thắc mắc nào với tiếng Anh, ví dụ như cách phân biệt giữa hai giới từ hay bị nhầm lẫn, hoặc sự khác biệt giữa những dạng câu khác nhau, mình đều cố gắng tra cứu đến cùng.
Chỉ cần kiên trì vào diễn đàn và các nhóm học tiếng Anh trên Internet là sẽ luôn tìm được câu trả lời cho những thắc mắc.
Dần dần theo thời gian, mình tìm và đắp được hết những lỗ hổng về kiến thức trong tiếng Anh, và dần dần có một hiểu biết hệ thống về ngôn ngữ này. Khi đã đạt được góc nhìn đó thì việc học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Thứ hai, mình luôn cố gắng phủ tiếng Anh lên môi trường sống của bản thân. Phần lớn thời gian rảnh ở nhà, mình dành hết cho việc học tiếng Anh; ban đầu chỉ vì yêu thích, sau đó còn vì yêu cầu của công việc và học tập.
Từ những việc nhỏ như đổi hết giao diện máy tính, điện thoại và thiết bị điện tử trong phòng sang tiếng Anh, mình còn chọn đọc những trang báo mạng có phần dịch bài từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Mình đặc biệt hay xem các Vlog (Video Blog) của người nước ngoài trên Youtube, dù là để giải trí nhưng cũng ép bản thân phải giải trí bằng tiếng Anh.
Cứ kiên trì như vậy, đến nay mình đã có thể đọc sách viết hoàn toàn bằng tiếng Anh và xem những kênh truyền hình nước ngoài không có phụ đề như NHK World, BBC News,CNN.