Bí quyết hạnh phúc của sếp nữ
Dù chị em có làm sếp ở cơ quan, thì về gia đình vẫn là người vợ, người phụ nữ. Đừng ngại tỏ ra yếu đuối, mệt mỏi để được vỗ về, an ủi.
Ảnh minh họa |
Để chờ luật bình đẳng giới thấm vào suy nghĩ của mọi người thì cần nhiều thời gian. Lên án chồng ích kỉ, ngáng chân vợ thì hậu quả khó lường.
Từ bỏ làm sếp để trở về với vai trò là người vợ bình thường thì tiếc. Trong hoàn cảnh như vậy, chị em làm sếp đã phải khéo léo để cân bằng cuộc sống gia đình và lôi kéo chồng ủng hộ mình.
Anh bảo em có nên nhận chức không?
Khi cơ quan có ý định đề bạt chị Diệu Hoa làm trưởng khoa, chị nói “để tôi còn suy nghĩ”. Đêm ấy, trong lúc vợ chồng “đầu gối tay ấp”, chị thỏ thẻ với chồng rằng: “Anh trưởng khoa của em sắp về hưu, trong khoa chỉ còn em là lớn tuổi và có thâm niên lâu năm, nên nhà trường định đưa em lên làm trưởng khoa. Em cứ đắn đo, bởi làm việc này chỉ vất vả hơn chứ bổng lộc chẳng có gì. Theo anh, em trả lời người ta như thế nào?”.
Bị xin ý kiến bất ngờ, chồng chị Diệu Hoa trả lời: “Thì em cứ nhận đi, kẻo người ta bảo mình kiêu”. Vui như mở cờ trong bụng, nhưng chị Diệu Hoa còn bồi thêm một câu: “Em chỉ sợ lại bận thêm, không có thời gian chăm sóc anh và gia đình”. Sung sướng vì thấy vợ ngoan ngoãn, lại còn lo lắng cho mình, chồng chị Hoa ôm ghì lấy vợ và nói câu kết: “Anh sẽ hỗ trợ em, các con cũng lớn rồi, việc nhà đâu có gì nhiều”.
Liên tục nói “không có anh thì…”
Mấy cô bạn học cùng ngày trước đến chơi, chúc mừng và ca ngợi chị Bạch Dương chóng tiến bộ, mới chưa đến 40 mà đã làm sếp, chị cười tươi và chỉ vào chồng: “Không có ông này hỗ trợ, tớ cũng đến bỏ…”.
Chị Bạch Dương thực hiện phương châm liên tục nói với chồng câu “Không có anh thì…” trong mọi trường hợp. Khi chị được thành phố tặng bằng khen và huy hiệu “Người tốt, việc tốt”, biết có chồng và con ngồi phía dưới, đứng trên bục phát biểu chị dõng dạc nịnh chồng: “Có được ngày hôm nay là nhờ sự tín nhiệm của các đồng chí trong cơ quan. Đăc biệt, tôi thật may mắn có người chồng tuyệt vời, đã ủng hộ và giúp đỡ tôi rất nhiều”.
Biết chồng giỏi vi tính, thỉnh thoảng chị mang cái báo cáo về nhờ anh chỉnh sửa. Nhiều lần chị nhờ anh vẽ hộ mấy cái biểu, sơ đồ minh họa báo cáo. Lần nào làm xong, anh cũng được nhận câu cảm ơn khéo rằng “may quá, không có anh thì…”. Chồng chị mới đầu cũng có vẻ không vui khi vợ lên sếp, nhưng bây giờ thì anh đã khoe với mọi người: Bà xã tớ giỏi ra phết!
Chỉ là vì em may mắn
Đàn ông có vợ lến sếp thường có mặc cảm mình thua kém vợ. Có một số anh đàn ông có thói quen xấu là lúc nào cũng phải muốn hơn vợ một cái đầu. Vợ càng tự đề cao, tự khen mình hay vỡ ngực ta đây, sẽ bị chồng dèm pha chê bai, hạ bệ. Nắm được tâm lý này, một số chị em thành đạt và khéo léo đưa chồng vào bẫy bằng cách luôn luôn khẳng định “chỉ là em may mắn”.
Ngay hôm được đề bạt phó giám đốc, chị Vân Anh không hớn hở khoe với chồng về sự thăng tiến của mình. Buổi tối, chị mời chồng con đi ăn nhà hàng và tuyên bố: Thôi đây cũng là cái may mắn của em chứ chẳng phải em tài giỏi gì. Xét về chuyên môn, khối người hơn em. Nhưng em được mọi người yêu mến nên tín nhiệm. Thấy vợ nói thế, anh chồng lại cãi lại rằng: Em xứng đáng, không em thì còn ai?
Bạn thử tưởng tượng người vợ ôm một đống hoa về khoe rối rít: Anh ơi, chúc mừng em đi, cái ghế này bao nhiêu người thèm muốn, nhưng người thắng… là em. Anh chồng sẽ phản ứng thế nào?
Anh hộ em nhé!
Tính sĩ diện của đàn ông còn khá lớn, nếu người vợ biết đánh đúng vào cái huyệt ấy, phần lớn là thắng lợi.
Đúng là khi vợ là sếp, bận rộn việc cơ quan, chắc chắn sẽ không thể có nhiều thời gian cho việc nhà. Khi ấy những người vợ khôn ngoan sẽ lôi kéo anh chồng vào việc. Đàn ông không phải không khéo léo trong việc gia đình, họ không làm việc nhà là vì nghĩ rằng “việc ấy là của vợ”. Nếu vợ nói: Anh phải biết rằng em mệt mỏi lắm chứ, em đâu có ba đầu sáu tay. Anh phải làm giúp em chứ, có thể chồng sẽ nói lại với giọng gây sự: Thế thì cô phấn đấu làm gì lắm?.
Nhưng nếu thay vì nói “anh phải”, “anh nên”, chị em phụ nữ có thể nói: Ngày mai em có chút việc nên về muộn, buổi sáng anh đưa con đi nhà trẻ giúp em. Buổi chiều anh về chỉ cần cắm họ em nồi cơm, em về sẽ làm thức ăn. Rất có thể khi người vợ về mọi sự đã tinh tươm, kể cả nấu thức ăn nữa. Với đàn ông, người vợ nên chỉ việc cụ thể, không nên yêu cầu chung chung là giúp đỡ vợ, phần lớn họ không biết cụ thể là làm những gì. Đừng quên hai câu hộ em, giúp em, dù đó là việc của anh ấy.
Nhún nhường, khéo léo, biết động viên và khen nịnh chồng không phải là sự thiệt thòi. Mục đích là làm cho gia đình êm ấm, chồng không cảm thấy bị vợ coi thường, lấn át, thiếu trách nhiệm mới là quan trọng nhất, còn cách để đạt được điều đó không quan trọng lắm. Càng nhún sâu, chị em càng nhảy cao mà!
Em chỉ cần anh và các con
Dù chị em có làm sếp ở cơ quan, thì về gia đình vẫn là người vợ, người phụ nữ. Đừng ngại tỏ ra yếu đuối, mệt mỏi để được vỗ về, an ủi.
Chị Hiền thường than phiền với chồng rằng: Em mệt mỏi quá anh ạ. Thời gian gần đây em ít có thời gian chăm sóc anh và các con, em áy náy quá. Nhều lúc em muốn vứt bỏ tất cả, em đâu có ham hố chức tước. Thật ra, là người phụ nữ, em chỉ cần anh và các con thôi.
Nghe được vợ nói những lời như thế, người đàn ông sẽ hiểu rằng đối với người vợ gia đình, chồng con là quan trọng nhất, chẳng qua việc đến tay phải làm chứ người vợ cũng không phải là người háo danh, hãnh tiến.
Trong những trường hợp nhạy cảm như chồng ốm, con đau, chị em cần cố gắng thu xếp công việc cơ quan để có thời gian cho chồng con nhiều hơn, để chồng nhận ra câu nói “em chỉ cần anh và các con” là câu nói thật lòng.
Cố gắng gồng mình lên để làm mọi việc, ôm đồm để chồng rong chơi, lên lớp giảng giải cho chồng về quyền bình đẳng nam nữ hay trách móc chồng không phải là sự khôn khéo của những người vợ làm sếp. Dịu dàng, mềm mỏng, khéo léo sai khiến đàn ông mới là “vũ khí hiệu nghiệm” của chị em phụ nữ.
Theo Đời Sống Gia Đình