Ráy tai có tác dụng nhất định với cơ thể nhưng vẫn cần được làm sạch đúng cách. Ảnh: Standard. |
Ráy tai giúp diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.
Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự biết lấy ráy tai đúng cách. Theo Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, việc sử dụng tăm bông vệ sinh tai sẽ khiến ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, có thể gây thủng màng nhĩ và giảm thính lực.
Theo James Hubbard, tác giả cuốn The Survival Doctor’s Complete Handbook, nước được coi là công cụ hiệu quả giúp làm sạch tai nhanh chóng.
Lấy ráy tai không đúng cách sẽ khiến màng nhĩ vỡ, thậm chí là điếc tai. Ảnh: Drjillgordon. |
Các vấn đề gặp phải khi làm sạch tai
Khi sử dụng tăm bông vệ sinh tai, bạn không thể nhìn thấy tăm bông thực sự tác động đến ống tai như thế nào. Theo tiến sĩ Brodsky, bằng cách ngoáy, bạn lại đẩy ráy tai vào trong khiến bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mắc kẹt. Chúng tích tụ và tạo thành một lớp sáp bên ngoài màng nhĩ. Lâu ngày, lớp sáp này sẽ ảnh hưởng tới chức năng thính giác.
Khi ngoáy, bạn có thể vô tình đâm vào màng nhĩ và làm thủng nó. Màng nhĩ có thể thủng ngay cả với áp lực nhỏ từ que tăm bông, gây ra nhiều đau đớn, thậm chí có thể mất thính giác.
Khi vệ sinh tai bằng tăm bông, bạn có thể vô tình khiến tai tổn thương. Điều kiện môi trường nhiều vi khuẩn khiến ống tai nhiễm trùng và dẫn đến viêm tai giữa, gây điếc.
Vệ sinh tai đúng cách
Bước 1: Đổ nước sạch, ấm ra bát (sử dụng nước quá nóng hoặc quá lạnh có thể kích thích dây thần kinh thính giác, gây chóng mặt). Có thể thêm một vài giọt nước oxy già vào bát nước.
Bước 2: Đặt khăn hoặc một cái bát khác dưới tai để hứng nước khi nó chảy ra.
Bước 3: Đổ đầy nước trong bát vào ống tiêm y tế không có kim (hoặc túi nhựa, chai có lỗ kim ở đáy...).
Bước 4: Lấy cánh tay đối diện với tai, vòng ra sau đầu, nắm lấy tai và kéo ra sau theo hướng lên trên.
Bước 5: Đảm bảo bơm nước từ ống tiêm y tế hoặc các vật dụng khác với mức độ ổn định vào tai.
Bước 6: Ráy tai sẽ chảy ra bên ngoài. Trong quá trình thực hiện, nếu cơ thể có dấu hiệu chóng mặt, bạn nên dừng lại và thử lại sau vài giờ.
Bước 7: Sau khi thực hiện xong, hãy nhỏ vài giọt cồn (pha với peroxide nếu bạn muốn) vào tai để giúp làm khô nước thừa.