Bí quyết tìm người xác nhận năng lực
Nên đưa ai vào danh sách những người sẽ xác nhận năng lực của bạn? Và nếu nhà tuyển dụng không gọi cho bất kì ai trong số họ, đó có phải là một dấu hiệu xấu?
(Ảnh minh họa: German-info) |
Nhà tuyển dụng luôn muốn chắc chắn sẽ thuê được người phù hợp với công việc, nhưng một số bỏ qua bước kiểm tra lại nguồn xác nhận/tham khảo của ứng viên vì công đoạn này có thể tốn nhiều nhân lực. Mặt khác, ứng viên thường cung cấp nguồn nào sẽ đưa ra báo cáo tốt về họ, nhưng ban tuyển dụng ngày càng khéo léo hơn và sẽ tìm ra những nguồn không phải do ứng viên giới thiệu (chẳng hạn như mạng xã hội, blog...).
Vậy nguồn xác nhận có phải là vấn đề đáng bận tâm? Nhà tuyển dụng có thật sự kiểm tra lại nguồn đó? Ai là người tốt nhất để đưa vào danh sách chứng nhận? Và nếu nhà tuyển dụng không gọi cho bất cứ ai trong số này, liệu đó có đúng là một dấu hiệu xấu?
“Giờ đây, người tham khảo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tuyển dụng hơn bao giờ hết”, Heather R. Huhman – nhà sáng lập kiêm chủ tịch Come Recommended, một cộng đồng online chuyên kết nối thực tập sinh và các ứng viên với nhà tuyển dụng – cho biết. “Bằng cách kiểm tra người xác nhận cho ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ tự giúp mình không phải thất vọng khi thuê nhầm một nhân viên không phù hợp với công ty. Trong thời kỳ kinh tế xuống dốc, quỹ tuyển dụng rất hạn hẹp nên mỗi quyết định thuê người đều phải được xem xét kỹ”.
Nhiều ứng viên phạm sai lầm khi không dành đủ thời gian lựa chọn cẩn thận người sẽ xác nhận tích cực cho mình với ban tuyển dụng. Chuyên gia tư vấn Elaine Varelas khẳng định: “Bạn cần những người có thể nhận xét về vai trò của mình thật chuyên nghiệp, chứ không phải như một hàng xóm tốt bụng!”
“Phần lớn công ty không cần nguồn xác nhận của bạn cho đến cuối quá trình tuyển dụng. Họ sẽ nói với bạn khi nào cần cung cấp danh sách tên và thông tin liên lạc của những người tham khảo. Tốt hơn là nên tranh thủ thời gian chuẩn bị trước một số câu hỏi mà họ sẽ bị ‘chất vấn’ và những gì họ có thể giúp bạn tiến đến gần vị trí ứng tuyển”.
7 bí quyết đảm bảo mọi thứ "đâu ra đó" khi cần cung cấp nguồn xác nhận:
1. Chỉ đề cập đến nguồn chứng nhận lúc nhà tuyển dụng yêu cầu.
2. Cân nhắc cẩn trọng về nguồn này sau khi thảo luận với nhà tuyển dụng.
3. Tìm kiếm lời xác nhận từ những người thật sự biết rõ bạn và công việc của bạn. Đừng quên xin phép trước khi đưa tên họ vào phần “Nguồn tham khảo”
4. Trực tiếp hỏi xem liệu họ có thể giúp bạn đưa ra lời xác nhận tích cực về vị trí bạn đang ứng tuyển hay không. Đưa ra một gợi ý nổi bật khác nhau cho từng người. Phải đảm bảo có thể tin 100% vào những gì họ sẽ nói và cách họ trình bày. Nếu họ do dự, hãy nhanh chóng tìm đối tượng khác.
5. Chuẩn bị cho người tham khảo về những gì họ sẽ được hỏi và nên nhấn mạnh khi nhận xét về bạn. Nhờ họ gọi lại cho bạn sau khi họ nhận cuộc gọi của nhà tuyển dụng.
6. Cung cấp thông tin liên lạc chính xác về người xác nhận và hỏi xem họ thích được liên lạc bằng hình thức nào hơn (email, điện thoại…)
7. Cho người tham khảo biết vị trí bạn đang ứng tuyển và nhớ gửi lời cảm ơn họ.
Ty
Theo Bưu điện Việt Nam