Ngày 24/1, Tòa án Nhân dân Sơn Đông (Trung Quốc) công bố chi tiết về vụ tranh cãi liên quan đến việc xin nghỉ phép ở công ty.
Theo đó, đầu tháng 1/2020, Lu Yunsheng, nhân viên an ninh quê ở Thượng Hải, xin nghỉ phép để về thăm cha bị ốm nhưng không được chấp thuận. Dù vậy, anh vẫn quyết định về nhà, theo Inkstone.
Không may, cha Lu qua đời và anh phải ở lại lo tang lễ. Sau đó, Lu quay lại làm việc nhưng bị sa thải vài tuần sau đó với lý do “nghỉ làm mà không có lý do chính đáng”.
Tòa án địa phương phán quyết rằng công ty đã sa thải Lu bất hợp pháp và anh phải được bồi thường về mặt tài chính. Sau 2 lần kháng cáo, công ty Lu làm việc đều bị xử thua.
“Người sử dụng lao động phải thông cảm với những khó khăn và bất hạnh của nhân viên mình”, phán quyết nêu rõ.
Nhiều người lao động phải chịu môi trường làm việc khắc nghiệt ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Ở thành phố Hàng Châu, Wang, nhân viên thẩm mỹ 36 tuổi, được giám sát viên yêu cầu ở lại sau giờ làm việc để tập nhảy cho bữa tiệc thường niên sắp tới của công ty.
"Mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, tôi đã từ chối", cô kể với đài truyền hình Chiết Giang ngày 25/1.
Người giám sát Wang đã báo cáo sự việc với ban quản lý trong nhóm chat. Khi đó, Wang bày tỏ yêu cầu tập luyện ngay sau giờ làm là không thể chấp nhận được, cần có lịch trình và sự tổ chức tốt hơn.
Vài ngày sau, Wang được cho nghỉ việc vì “không tuân theo sự quản lý”.
Vụ việc của Wang vẫn chưa được giải quyết, song nhanh chóng dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc với 360 triệu lượt tương tác. Nhiều người đặt câu hỏi liệu có thể từ chối yêu cầu từ cấp trên sau giờ làm việc hay không.
“Theo luật lao động, thời gian sau giờ làm việc của người lao động thuộc về họ. Về nguyên tắc, người lao động không phải trả lời những tin nhắn liên quan đến công việc, song trên quan điểm muốn phát triển sự nghiệp, nó không đơn giản như vậy”, một nhà bình luận cho biết.
“Tôi ký hợp đồng làm việc cho công ty, không phải phục tùng như một nô lệ”, một người khác bày tỏ.
Thẩm mỹ cũng là một trong những ngành nghề có nhiều áp lực với lao động ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: EPA. |
Không chỉ từ hai sự việc nói trên, thời gian gần đây, vấn đề về văn hóa làm việc khắc nghiệt tại đất nước tỷ dân liên tục được đem ra mổ xẻ sau loạt câu chuyện gây tranh cãi.
Ngày 29/12/2020, nữ nhân viên 23 tuổi của nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đột ngột qua đời sau khi làm việc trong văn phòng đến 1h30 sáng. Ngày 9/1, việc một kỹ sư họ Tan của Pinduoduo cũng nhảy lầu tự tử tại nhà riêng sau khi xin nghỉ phép càng dấy lên cơn thịnh nộ.
Trong các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp có nhịp độ nhanh, điều kiện làm việc khắc nghiệt thường được gọi là “996” - làm việc từ 9h sáng đến 9h đêm, 6 ngày một tuần. Nhân viên chỉ còn rất ít thời gian cho việc khác.
Các ông trùm công nghệ của Trung Quốc, bao gồm Jack Ma, từng gây tranh cãi khi công khai ủng hộ nền văn hóa "996".
Tuy nhiên, trước nhiều vụ việc nghiêm trọng, một số chính quyền địa phương đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Tháng 12/2020, chính quyền thành phố Thâm Quyến ban hành luật mới nhằm cải thiện mức sống của người dân, yêu cầu chủ lao động tôn trọng thời gian nghỉ ngơi của nhân viên mình.