Thời gian gần đây, dàn trai xinh, gái đẹp liên tục được cộng đồng mạng Việt chia sẻ lên các diễn đàn. Không chỉ dừng lại ở việc ngắm "soái ca" hay nữ sinh có vẻ ngoài thanh tú trong vài bức ảnh chụp trộm, giới trẻ còn nhanh chóng truy tìm những nhân vật này.
Có thể nói, hiện nay, phần lớn thông tin về đối tượng gây chú ý đều được dân mạng tìm thấy. Chỉ cần vài giờ đăng trên các diễn đàn, từ Facebook, Instagram, Twitter đến ảnh cá nhân, địa chỉ... của nhân vật sẽ lập tức được công khai.
Sau khi gây chú ý trên mạng, các trang cá nhân của Kim Wonsuk (nam sinh Hàn Quốc) đều được dân mạng tìm thấy. |
Bất ngờ nổi tiếng sau một đêm
Chỉ mới tuần trước, chàng trai ngoại quốc Sébastien Fahrni (quốc tịch Thụy Sĩ) xuất hiện đúng 2 giây trên chương trình Thời sự 19h của VTV1 đã thu hút sự quan tâm trong cộng đồng mạng, nhất là các cô gái. Ảnh của anh liên tục "phủ sóng" khắp các diễn đàn, trang cá nhân của giới trẻ...
Dân mạng Việt nhanh chóng tìm thấy tung tích của "trai đẹp Thời sự". Chỉ sau một ngày, mọi thông tin của Sébastien Fahrni như tên tuổi, quốc tịch, nơi công tác, bảng thành tích, sở thích cá nhân, số ngôn ngữ thông thạo, đội bóng thần tượng... đều được công khai.
Nhiều nữ sinh còn tìm mọi cách liên lạc với chàng trai Thụy Sĩ qua phần tin nhắn trên Facebook. Khi không thể trò chuyện cùng "soái ca Thời sự", họ liền lan truyền thông tin rằng anh "chảnh".
Trong kỳ thi Đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm thi tại Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 5/5 vừa qua, nữ sinh Nguyễn My - học sinh trường THPT Trần Phú, sở hữu gương mặt thanh tú - đã lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia.
Từ một Facebook vô danh, cô gái nhanh chóng thu hút gần 10.000 người theo dõi, nhận vô số "bom" bình luận và yêu cầu kết bạn từ dân mạng. Ngay lập tức, My đành phải khóa Facebook. Tới thời điểm hiện tại, trang cá nhân này đã mở trở lại. Nhưng My khóa mọi thông tin, không cho ai bình luận hay theo dõi được mình.
Hai ngày cuối tuần vừa rồi, dân mạng lại được dịp "bùng nổ" vì vẻ ngoài điển trai, cao ráo của Kim Wonsuk - sinh viên Đại học Hanseo, Hàn Quốc. Sau khi một nữ sinh đăng tải loạt ảnh về anh với phong cách lịch lãm, mặc áo sơ mi trắng, quần âu đơn giản, vóc dáng cao khỏe tại sân trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), giới trẻ Việt nhanh chóng "phát cuồng" và bắt tay vào tìm bằng được tung tích.
Chỉ sau một ngày, Instagram của Kim Wonsuk từ vài trăm người theo dõi đã nhảy tới con số gần 13.000. Các bức ảnh bùng nổ like (thích) và đáng nói nhất là hàng loạt bình luận khiếm nhã cũng được dân mạng viết lên. Không chỉ thế, bạn gái của chàng trai Hàn Quốc cũng bị mang ra chế giễu, đùa cợt.
Những bình luận quá khích bằng tiếng Việt của dân mạng Việt tràn ngập Instagram của "trai đẹp Hàn Quốc". |
Đã làm gì để bị làm phiền như vậy?
Ba trường hợp trên chỉ là vài ví dụ đơn cử cho sự thiếu tôn trọng riêng tư cá nhân của dân mạng. Chỉ vì một bức ảnh, một khoảnh khắc, các bạn trẻ này bỗng dưng trở thành tâm điểm tấn công từ người khác.
Tuần Đoàn - bạn của nữ sinh được tìm kiếm sau ngày thi ở ĐHQG Hà Nội - bức xúc cho biết, Nguyễn My thường chỉ chơi với những người bạn thân, ít khi tiếp xúc với người lạ. Việc nhiều người theo dõi, đòi kết bạn, bình luận vào trang cá nhân của cô dẫn đến việc phải đóng Facebook, khóa tài khoản.
Nguyễn Minh Trang (20 tuổi, Học viện Ngân hàng) chia sẻ: "Tưởng tượng xem một ngày, ảnh của bạn tràn ngập khắp nơi trong khi bạn không muốn thế. Chẳng những vậy, bao nhiêu người không quen nhận xét và đưa ra những lời làm bạn tổn thương. Thật kinh khủng. Không cô gái nào đáng bị đối xử như vậy".
Không ít chàng trai Việt cũng lên tiếng thắc mắc về hành động của một số cô nàng "quá khích". Trần Minh Huy (23 tuổi, Hai Ba Trưng, Hà Nội) tcho hay: Nhìn thấy ảnh rồi, tại sao phải tìm cho được thông tin cá nhân?
"Tất nhiên ai cũng thích ngắm trai xinh - gái đẹp, nhưng việc tìm ngọn ngành người đó là ai, đến từ đâu, thích cái gì... sẽ giải quyết vấn đề gì? Đôi khi, nhiếp ảnh gia bắt được khoảnh khắc đẹp của một cô gái, chúng ta nhìn và khen ngợi là đủ.
Việc tìm ra tài khoản cá nhân sẽ cho những thông tin khác, không đúng với ý muốn của mỗi người, gây thất vọng, dẫn đến việc một số bạn buông ra lời cợt nhả, chê bai vô lý. Đây là hành động vô văn hóa, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cá nhân", Huy đưa ý kiến.
"Cứ thế này, sẽ chẳng ai dám đến Việt Nam", Minh Khôi (21 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh) thẳng thắn. Cậu giải thích, mỗi khi có một chàng ngoại quốc nào đến Việt Nam được đưa lên mạng xã hội, Facebook và Instagram của anh sẽ bị tấn công bằng những bình luận quá khích.
Cùng quan điểm với Khôi, Nguyễn Thu Trà (học sinh THPT Phan Đình Phùng) đặt câu hỏi: "Tại sao nhiều bạn trẻ thích bình luận tiếng Việt vào tài khoản của người nước ngoài?
Facebook của bạn người Thụy Sĩ đầy comment tiếng Việt, Instagram nam sinh Hàn Quốc cũng đầy ngôn ngữ của teen Việt. Thế giới sẽ nghĩ thế nào về tiếng Việt và người Việt đây?".
Không phải ai cũng muốn được nổi tiếng, vì thế đừng đẩy cuộc sống của người khác trở nên khó khăn hơn. |
Thói quen hùa theo đám đông
Điều đáng nói, trong số những dân mạng bấm nút theo dõi, bình luận về ảnh củangười khác, phần lớn là các bạn trẻ thích hùa theo đám đông.
Quỳnh Thư (19 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) kể, trong ngày nộp hồ sơ vào trường, cô chẳng may lọt vào ống kính của đàn anh khóa trên.
"Mọi người đã chia sẻ bức ảnh của mình trên mạng xã hội. Chỉ sau một đêm, tên, tuổi, địa chỉ, trường học, bạn bè, ảnh cá nhân của mình lan truyền khắp nơi.
Nhiều bạn vào nhận xét về gương mặt, sở thích, đoán tính cách mình qua ảnh, làm phiền bạn bè mình. Mình đã sợ hãi và khóc rất nhiều", Thư bức xúc nhớ lại.
Ai chia sẻ gì cũng ấn like, ai nói gì cũng hùa theo bình luận. Nhiều bạn trẻ còn có thói quen tìm ra mọi chi tiết trong bức hình để phán đoán, đào bới, phán xét cuộc sống của người khác.
Chỉ một giờ đồng hồ xuất hiện trên các diễn đàn, Facebook của Nguyễn My - nữ sinh được tìm kiếm vì xinh xắn trong kỳ thi ở ĐHQG Hà Nội - nhanh chóng bị "tấn công". Không những thế, một số chàng trai còn chia sẻ những bức ảnh vô nghĩa, viết lời đùa cợt khắp bài viết, bình luận... của cô.
Có nhiều người còn phủ nhận nhan sắc của My khi cho rằng, ảnh ở Facebook đã được chỉnh sửa, cô không xinh như trong hình, ở ngoài đời nhìn khác, chế giễu cô vì xõa tóc lúc trời nắng nóng, trang điểm khi đi thi đại học...
Hồ Phương Giảng (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho rằng, một bộ phận giới trẻ hiện nay có thói quen tìm kiếm những điều tiêu cực, tìm ra cái xấu của người khác để trêu chọc mà không cần biết đến hậu quả.
"Lý do vì ghen tỵ, rảnh rỗi và thói quen chê bai người khác. Không cần biết đối tượng là ai, nổi vì lý do gì, nhiều bạn trẻ sẵn sàng lao vào tìm kiếm thông tin, rồi ném đá, chê bai", Giảng nhận xét.
Câu chuyện những người trẻ bỗng dưng nổi tiếng, rồi bị tấn cộng trên mạng xã hội chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở đây. Với tình trạng các kênh thông tin phát triển như hiện này, việc tìm ra tung tích của một người là không khó. Chỉ với một cú click ở Facebook, một nút tìm kiếm ở Google, việc bảo vệ thông tin riêng trở nên khó hơn bao giờ hết.
Từ một nhân viên ngoại giao, nam sinh Hàn Quốc cho đến một cô gái vô danh nơi cổng trường đại học, tất cả đều dễ dàng bị "khủng bố" bởi dân mạng.
Có bao giờ bạn nghĩ rằng, một ngày, bạn chính là người bị cộng đồng mạng đưa lên các diễn đàn để nhận xét và đùa cợt?