Ngày 8/9, một quan chức thuộc bộ phận truyền thông của Công ty Quản lý Lâm nghiệp Hải Lâm đã xác nhận sự cố khinh khí cầu và cho biết công nhân này hiện trong tình trạng ổn định, đang được theo dõi thêm tại bệnh viện, theo The Washington Post.
Trước đó, ngày 4/9, anh Hu cùng đồng nghiệp sử dụng khinh khí cầu để thu hoạch hạt thông ở một khu rừng tại huyện Hải Lâm (tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc). Bỗng phương tiện di chuyển đột nhiên mất kiểm soát, kéo theo cả hai công nhân.
Người đàn ông (đang nằm) được giải cứu trong khu rừng cách nơi làm việc 300 km. Ảnh: CCTV. |
Trong khi đồng nghiệp kịp nhảy ra khỏi khinh khí cầu, Hu bị cuốn đi và tạm thời mất liên lạc với mặt đất do mất sóng trong khu vực núi, theo Global Times.
Các nhân viên của một công ty địa phương, lính cứu hỏa, cảnh sát và lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp nhanh chóng thành lập một đội cứu hộ gồm 500 người nhằm thực hiện cuộc giải cứu anh Hu.
Sáng 5/9, lực lượng cứu hộ mới có thể liên lạc với người bị nạn và hướng dẫn anh xì hơi khinh khí cầu để hạ cánh an toàn, đài truyền hình quốc gia CCTV đưa tin.
Cuối cùng, ngày 6/9, người đàn ông hạ cánh thành công xuống khu rừng thuộc huyện Phương Chính, tỉnh Hắc Long Giang, sát biên giới với nước Nga.
Khinh khí cầu nhỏ được ứng dụng trong nông nghiệp tại Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
Meng Qingchun, một thành viên của đội cứu hộ, nói với tờ Beijing Youth Daily rằng quá trình giải cứu diễn ra rất khó khăn.
“Trời mưa rất lớn trong khu rừng tối khiến chúng tôi khó để nhìn rõ mọi thứ”, anh kể lại.
Do nhiệt độ xuống thấp cộng thêm mặt đất sũng nước, mọi thành viên trong đội cứu hộ đều kiệt sức sau 10 giờ tìm kiếm liên tục trên diện tích 900 ha. Anh Hu cho biết mình cũng suýt bỏ cuộc.
“Nếu không nhờ đội cứu hộ, có thể tôi sẽ không sống sót nổi”, anh nói.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với những gì anh Hu phải trải qua, ngưỡng mộ lòng dũng cảm và khả năng sinh tồn của anh trong môi trường hoang dã. Một số khác ca ngợi lực lượng cứu hộ khi nỗ lực cứu sống thành công người bị nạn.