Sáng 21/3, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đến thăm và làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng.
"2-3 người/giường thì bệnh nặng thêm"
Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết nhiều năm qua bệnh viện đã đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng. Hai tháng đầu năm, đơn vị đã tiếp nhận hơn 38.000 bệnh nhân đến khám. Trong đó, có hơn 9.200 người phải ở lại bệnh viện để điều trị nội trú.
Ngoài việc khám và điều trị cho người dân thành phố thì bệnh viện còn phải tiếp nhận hơn 38% bệnh nhân là người Quảng Nam, Quảng Ngãi...
"Công suất sử dụng giường bệnh đã vượt 188%. Mỗi ngày, bệnh viện khám và điều trị cho 2.000 bệnh nhân. Những tháng cao điểm, đơn vị phải kê thêm giường để đáp ứng cho gần 2.500 người đến khám và điều trị", ông Thạnh cho hay.
Bí thư Đà Nẵng thăm và làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Để đáp ứng nhu cầu, Bệnh viện Đà Nẵng phải kê 2.300 giường, vượt năng lực 1.200 giường trên thực tế của bệnh viện, nhưng tình trạng nằm ghép 2-3 bệnh nhân/giường vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào những ngày cao điểm.
Ông Xuân Anh yêu cầu lãnh đạo bệnh viện phải có kế hoạch đề xuất nâng cấp các phòng khám, mở rộng bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho người dân.
"Người dân có bệnh thì mới vào đây nhưng để họ nằm 2-3 người/giường như thế thì bệnh càng nặng thêm. Bệnh viện phải nghiên cứu làm sao để cho người dân vào đây điều trị có cảm giác như ở nhà. Bác sĩ điều trị thì bệnh phải dứt, chứ nằm kiểu này thì sao khỏi được", ông Xuân Anh nói.
Bác sĩ không thể cứ "bình chân như vại"
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói rằng tình trạng quá tải của bệnh viện là do có hơn 38% người bệnh đến từ các địa phương khác. Trong khi đó, ngành Y tế cũng rất muốn xây thêm, mở rộng các bệnh viện nhưng ngân sách hạn hẹp nên rất khó thực hiện.
Bệnh viện Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng 2-3 bệnh nhân nằm trên một giường bệnh. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Người đứng đầu TP Đà Nẵng thừa nhận ngân sách hạn hẹp nhưng không vì thế mà không đầu tư cơ sở vật chất để nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh.
"Không thể vì chuyện thiếu tiền mà để bệnh nhân phải quằn quại với những cơn đau do bệnh tật. Chăm sóc sức khỏe cho dân là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người làm trong ngành y", ông Xuân Anh nói.
Ông Xuân Anh yêu cầu sau buổi làm việc này, Sở Y tế làm đề án xây thêm các bệnh viện vệ tinh ở ngoại thành Đà Nẵng. Theo ông, với diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay thì nhu cầu khám chữa bệnh của người dân chỉ có tăng chứ không giảm.
"Việc xây các bệnh viện vệ tinh là cấp thiết. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chương trình "4 an" của thành phố. Chị (tức bà Kim Yến- PV) phải làm đề án để tháng 6 đưa ra kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng cho ý kiến, thông qua. Dân bị bệnh mới vào đây nên bác sĩ không thể cứ bình chân như vại", ông Xuân Anh nói.
Bí thư Đà Nẵng cho biết thành phố sẽ đứng ra kêu gọi tư nhân vào đầu tư. "Xây một cái bệnh viện mà chờ ngân sách thì mấy năm cũng chưa xong. Còn tư nhân, nếu giao cho họ thì chỉ khoảng một năm là hoàn thành rồi, chất lượng lại tốt", ông Xuân Anh chốt lại.