Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Đồng Nai: Dùng chất cấm trong chăn nuôi là đầu độc đồng loại

Trước thực trạng người chăn nuôi, nhà vườn sử dụng chất cấm, chất kích thích vào sản xuất nông sản, Bí thư tỉnh Đồng Nai nói cần xử lý nghiêm và kêu gọi sản xuất nông nghiệp sạch.

Ngày 7/7, kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX bước vào ngày làm việc thứ 3 với phần chất vấn và trả lời chất các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thị trường…

Trước việc đại biểu quan tâm vấn để sản xuất nông sản bền vững, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, dẫn câu chuyện đi thăm mô hình trồng rau của một hộ dân ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) với nhiều ẩn ý.

Ông nói: “Khi đến thăm, tôi thấy một luống rau xấu hơn những luống khác trong vườn nên hỏi chủ nhà tại sao. Chủ nhà nói luống đó chỉ trồng để ăn”.

bi thu tinh dong nai anh 1
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Ngọc An. 

Theo ông Cường, người dân rất muốn dùng thực phẩm sạch nhưng hiện nay, nhiều người sản xuất nông sản vẫn còn sử dụng chất kích thích, chất cấm. Như vậy, nông sản làm ra không đảm bảo chất lượng thì không thể cạnh tranh trên thị trường, khó bền vững.  

“Cần xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi. Đó là hành vi đầu độc đồng loại. Ngành nông nghiệp của tỉnh phải vừa quy hoạch sản xuất vừa quản lý chất lượng và hướng dẫn nông dân sản xuất nguồn hàng sạch”, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói.

Ông nói: “Qua chương trình truyền hình trực tiếp kỳ họp, tôi kêu gọi toàn thể bà con sản xuất nông sản sạch”.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đề nghị lãnh đạo tỉnh trả lời về vấn đề tổ chức chăn nuôi, giúp nông dân tránh tình trạng thua lỗ vì mất giá.

bi thu tinh dong nai anh 2
Hội viên Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai bán thịt heo trong đợt giải cứu hồi tháng 4. Ảnh: Ngọc An.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho biết trước mắt, ngành nông nghiệp buộc phải thực hiện các giải pháp giảm đàn để tránh tình trạng cung vượt cầu. Các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, không thể cạnh tranh với mô hình chăn nuôi lớn cũng cần giảm để không bị ảnh hưởng.

Theo ông Vinh, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các sở ngành, đơn vị chức năng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để phát triển bền vững, tránh tác động tiêu cực, ngành nông nghiệp của tỉnh phải đi theo hướng sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm để cạnh tranh.

Thời gian qua tỉnh Đồng Nai tổ chức nhiều đợt "giải cứu" chuối, "giải cứu" heo, để giúp người dân khi giá những nông sản này giảm sút. 

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, thông tin trong đợt giải cứu sở cùng các đơn vị tổ chức 35 điểm bán thịt heo bình ổn giá. Sau nhiều tháng, cuộc giải cứu giải quyết lượng lớn heo tồn. Ông nói đàn heo của tỉnh hiện khoảng 1,6 triệu con, trong khi heo trước khi "giải cứu" là trên 2 triệu con.

Trước các vấn đề về giải pháp và giải cứu, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đồng ý với việc ngành nông nghiệp thực hiện giảm đàn và đề nghị ngành có giải pháp bền vững hơn: “Phải có giải pháp khác chứ tối ngày đi bán thịt heo thì đâu có được. Vấn đề là quy hoạch chứ không phải 'giải cứu' mãi”.

Nhiều lợi ích khi làm thủ tục hành chính với Zalo

Khi giải quyết thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo, người dân, doanh nghiệp không tốn thời gian và tiết kiệm được nhiều chi phí, bớt căng thẳng khi chờ đợi.

Ngọc An

Bạn có thể quan tâm