Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: 'Phải biết đứng dậy khi vấp ngã'

“Hôm nay, chú tâm sự với các cháu không phải với tư cách là người đứng đầu thành phố, mà với tình cảm của bậc làm cha, chú. Chú mong các cháu sớm dừng lại với các chất ma túy”.

Đó là những tâm sự chân thành của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với hơn 100 thanh thiếu niên chậm tiến tại buổi “Gặp mặt vận động thanh thiếu niên nói không với ma túy”, diễn ra ngày 18/6.

Tham gia buổi nói chuyện là những người ở độ tuổi 12 - 16. Phần lớn các em là con của các gia đình nghèo, ít được chăm sóc, không học hành đến nơi đến chốn, có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội.

Mở đầu buổi nói chuyện, ông Thọ nói, những năm qua, Đà Nẵng đã và đáng trở thành “thành phố đáng sống”, khiến hàng triệu du khách khắp nơi trong và ngoài nước đổ về chiêm ngưỡng và tận hưởng.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nói chuyện với hơn 100 thanh thiếu niên chậm tiến. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng nói chuyện với hơn 100 thanh thiếu niên chậm tiến. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nhưng tiếc thay, thành phố này lại đang có nhiều em thanh thiếu niên sa vào con đường ăn chơi, sa đọa. Trong đó, nhiều em đã trở thành “nô lệ” của nàng tiên nâu. Thậm chí, không ít em phải từ bỏ giấc mơ đến trường để tra tay vào còng số 8.

“Tất cả các cháu ngồi đây đều đang còn quá trẻ. Các cháu cũng như con, cháu của chú. Tại sao các cháu không chọn cách đến trường học hành cho tốt để xây dựng quê hương, mà lại đi vào con đường trộm cắp, hút chích và lang thang? Nếu các cháu không dừng lại, trong một một thời gian không xa, nhà đá sẽ rộng cửa đón các cháu”, ông Thọ nói. 

Cả hội trường im lặng, ông Thọ nhìn xuống, hỏi: “Có cháu nào dám đứng dậy kể cho chú nghe vì sao lại sa vào con đường tội lỗi?

Một cô gái mặt còn rất trẻ đứng dậy, kể rằng, do bố mẹ ly hôn nên em thiếu sự quan tâm, giáo dục của người lớn. Học đến lớp 7, những bài toán, con chữ trong sách hầu như em không thể tiếp thu được. Bạn rủ, em cùng một số người có cùng hoàn cảnh đi bụi rồi dính vào ma túy. Sau 2 lần ăn cắp vặt bị công an bắt giữ, em trở thành thiếu niên thuộc diện quản thúc ở địa phương.

Ở dãy ghế cuối hội trường, một thiếu niên khoảng 16 tuổi, đầu nhuộm vàng hoe, đứng dậy nói: “Thưa chú, con biết sai rồi".

Cậu này kể, cách đây hai năm, trong một lần vào quán bar, cậu ta đã không cưỡng lại được những lời rủ rê của các bạn nên hút ma túy. Sau hai, ba lần nữa, cậu đã nghiện lúc nào không hay. 

"Giờ con muốn bỏ ma túy để được đến trường đi học”, thiếu niên này lí nhí đề bạt nguyện vọng với người đứng đầu TP Đà Nẵng.

"Vấp ngã phải biết đứng lên"

Sau khi nghe các em tâm sự, Bí thư Trần Thọ nhẹ nhàng khuyên 100 thanh thiếu niên. Theo ông, mục đích buổi gặp mặt này là từ bỏ ma túy, nói không với ma túy, làm lại cuộc đời.

Ông Thọ đặt câu hỏi, các cháu có quyết tâm đến trường đi học không? Vậy muốn đến trường đi học để làm người tốt, các cháu phải có quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

Các chú, các bác và toàn xã hội không ai ruồng bỏ các cháu. Điều quan trọng là các cháu phải biết vấp ngã ở đâu thì phải đứng dậy ở đó.

Rồi ông Thọ nói tiếp: “Các cháu có biết, vì dính vào con đường nghiện ngập, trộm cắp mà bố mẹ của các cháu đã và đang rất xấu hổ không? Rồi sau này, các cháu cũng sẽ trở thành những ông bố, bà mẹ. Các cháu sẽ nói gì với các con của mình khi mà chính các cháu lại là những người không tốt?”.

Ông Thọ phân tích tiếp, bây giờ các cháu đang là nạn nhân, nhưng nếu không từ bỏ ma túy, thì không bao lâu, trại giam Hòa Sơn sẽ đón các cháu.

Giữa nạn nhân và tội phạm, ranh giới gần nhau ghê gớm lắm. Bởi vì nghiện thuốc, không có tiền, người ta đi trộm cắp, cướp giật…, rồi trở thành tội phạm. Khi đã trở thành tội phạm, không chỉ các cháu khổ mà cả gia đình đều liên lụy.

“Các cháu đã lỡ nghiện rồi, thì nói tới cách cai nghiện. Cái quyết định thành công hay không là tự bản thân mình. Đấu tranh chiến thắng chính mình - cái đó mới khó. Chứ bây giờ, các cô, các chú, các bác có giúp đỡ, hỗ trợ thì cũng chỉ một phần thôi. Phần chính là quyết tâm của các cháu”, Bí thư Trần Thọ cho biết.

Ông Thọ cho rằng, để giúp các em cai nghiện, gia đình cũng phải có trách nhiệm. Còn trách nhiệm của xã hội là không phân biệt, kỳ thị với các cháu. Bởi vì, các cháu chỉ mới là nạn nhân, chưa phải tội phạm, mà nếu là tội phạm thì cũng tìm cách giúp đỡ.

"Bản thân mình không đủ sức để cai nghiện thì đăng ký với Sở Lao động Thương binh & Xã hội để lên Trung tâm 05 - 06 cai nghiện. Nếu ở nhà không tự giác cai nghiện được, chính quyền sẽ bắt đi cai nghiện, đưa ra tòa xét xử chứ không để lởn vởn ngoài xã hội đi trộm cắp, cướp giật…", ông Thọ nghiêm nghị nói.

Người đứng đầu TP Đà Nẵng cho hay, sẽ hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện cho các thanh thiếu niên chậm tiến làm ăn. TP Đà Nẵng sẽ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt với điều kiện các bạn trẻ phải cai nghiện thành công, từ bỏ con đường ma túy.

"Trước mắt, thành phố giao 1 tỷ đồng để triển khai cho kế hoạch này. Nếu không có tiền, tôi và anh Thơ (ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) sẽ đi xin các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để làm", ông Thọ nhấn mạnh.

“Thành phố vẫn còn nghèo, tích cóp từng đồng để xây dựng những công trình, cây cầu, con đường, những khu dân cư mới… để nhân dân thành phố thụ hưởng. Cái đó cần lắm. Nhưng nếu như chỉ lo kinh tế mà không lo cho tuổi trẻ, thế hệ mai sau, để các cháu nghiện ma túy, trở thành tội phạm thì mấy cây cầu, công trình… đó không có ý nghĩa gì hết”, ông Thọ chốt lại buổi nói chuyện.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm