Theo cáo trạng, khi lên Hà Nội chơi, hai đứa trẻ Lê Văn Hướng (15 tuổi, ngụ xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Đào Ngọc Anh (15 tuổi, ngụ xã Nghĩa Trụ, Văn Giang) được người đàn ông lạ “tư vấn” bán bóng bay vừa nhàn rỗi lại kiếm nhiều tiền nên đồng ý đi theo.
Nhưng chỉ được ba ngày, thấy “sư phụ” có nhiều tiền nên cả hai nổi lòng tham cướp tài sản. Khi nạn nhân đang ngủ, Hướng và Ngọc Anh dùng búa đập vào đầu nhiều nhát đến khi bất động rồi cả hai lấy bốn điện thoại và ba triệu đồng tiền mặt rồi bắt xe về quê tìm quán Internet chơi.
Nạn nhân may mắn thoát chết nhưng tổn hại 72% sức khỏe.
Lấy oán báo ân?
Sáng ngày 22/1, TAND Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Giết người, Cướp tài sản với hai bị cáo Lê Văn Hướng và Đào Ngọc Anh. Nạn nhân Lê Duy Khải (44 tuổi, quê Thanh Hóa, ngụ phường Phương Liên, quận Đống Đa) là bị hại trong vụ án.
Phiên tòa sau đó phải hoãn bởi bố mẹ hai bị cáo là giám hộ phải về gấp do gia đình có việc đột xuất; còn có lý do bị hại phải bổ sung những giấy tờ liên quan đến thanh toán viện phí để yêu cầu bồi thường.
Ngồi bần thần ở hàng ghế hành lang, bị hại kể, ông rời quê Thanh Hóa ra Hà Nội sinh sống từ năm 2006, hàng ngày đi làm bảo vệ, xe ôm kiêm đại lý sim thẻ. Rồi vài năm gần đây ông kinh doanh bóng bay trang trí cho hội nghị, bán hàng sỉ cho những người bán rong. Những ngày ế khách, ông Khải chạy thêm xe ôm.
Một ngày cuối tháng 6/2015, sau trận mưa lớn, trên đường về nhà, ông gặp hai thiếu niên đứng bên đường.
"Tôi vào chào khách thì được hai cháu kể lên Hà Nội không có tiền, được một nữ sinh viên gần cổng trường Đại học Công nghiệp cho ở nhờ. Cô ấy còn cho 100.000 đồng nên chúng rủ nhau đi tìm việc kiếm tiền trả lại”, bị hại kể.
Bị hại cho rằng hai đứa trẻ đã “lấy oán báo ân”, mưu sát mình. |
Nghe câu chuyện cảm động, ông mở lời sẽ tạo việc làm bằng cách cho lấy chịu bóng bay đi bán, tiền trả sau. Người đàn ông trung niên thấy thương hoàn cảnh hai đứa trẻ không có chỗ ở, còn dẫn cả hai về nhà trọ cho ở nhờ.
Được mấy hôm, ông đang giặt quần áo thì thấy hai thiếu niên bất ngờ cãi vã, đánh nhau.
“Tôi nghe loáng thoáng chúng cãi nhau về chuyện xưng hô, gọi tên bố mẹ gì đó. Chúng đánh nhau, tôi chạy vào can nhưng không được. Tôi khuyên hết lời nhưng chúng đòi mở cửa ra ngoài đánh nhau tiếp. Bực mình, tôi vào giặt quần áo, xong nằm xuống ngủ. Sau đó tôi bị chúng đánh, không nhớ chuyện gì xảy ra”, bị hại nhớ lại.
Còn theo điều tra của công an, ngày 23/6/2015, ông Khải gặp Ngọc Anh và Hướng tại khu vực hồ Ha Le (quận Đống Đa). Cả hai xin ông Khải cho đi bán bóng bay, nuôi ăn nghỉ hàng ngày và được đồng ý.
Thời gian ở trọ cùng, thấy ông Khải có nhiều tiền và điện thoại nên hai thiếu niên bàn nhau cướp tài sản. Khoảng 2h ngày 26/6/2015, chủ nhà nằm trên giường để Hướng và Ngọc Anh đấm lưng.
Khi thấy ông Khải đã ngủ, Hướng lấy chiếc búa dưới gầm giường đập vào gáy. Nạn nhân theo phản xạ vùng dậy. Hướng tiếp tục dùng búa đập 6 - 7 nhát vào đầu khiến ông Khải ngã gục xuống giường. Thấy chủ nhà bò dậy, Ngọc Anh cầm búa đập vào gáy khiến ông Khải nằm bất động.
Hai bị cáo sau đó lấy bốn điện thoại trị giá 2,7 triệu đồng và ba triệu đồng tiền mặt trong cốp xe bỏ trốn. Nhóm cướp “nhí” thuê xe về quán điện tử ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên chơi, sau đó bị bắt.
Về phía ông Khải, trưa ngày 26/6 tỉnh lại nhưng không thể đi ra ngoài mà nằm tiếp đến chiều tối mới lết ra cửa và được hàng xóm đưa đi cấp cứu. Bản kết luận giám định pháp y kết luận thương tích của ông Khải tại thời điểm giám định: Tổn thương mô não, gãy xương gò má trái, mất ba chiếc răng… tỷ lệ tổn hại sức khỏe 72%.
Tại cơ quan điều tra, Hướng và Ngọc Anh đã giao nộp bốn điện thoại. Riêng số tiền chiếm đoạt của ông Khải, Ngọc Anh bỏ quên dưới bàn phím máy tính tại quán điện tử, sau đó bị mất, không thu hồi được.
Hai bên đổ lỗi cho nhau
Chỉ lên đỉnh đầu và khắp mặt còn loang vết sẹo chưa lành, ông Khải cho biết đó là dấu vết bị hai thiếu niên đánh để lại. Đến nay tuy đã hồi phục nhưng sức khỏe ông suy giảm nặng: “Hai mắt vẫn còn đau, mờ đi. Mỗi lần trái gió trở trời nhức mỏi khắp mình mẩy”, ông nói. Những ngày ốm đau, ông không thể đi bán hàng, phải nằm nghỉ ở nhà, thu nhập theo đó giảm sút.
Mặc dù vậy, bị hại trầm giọng cho biết ông sẵn sàng tha thứ, mong muốn các bị cáo lấy vụ án làm bài học để tu dưỡng bản thân thành người có ích cho xã hội.
Thậm chí ông còn mong muốn các bị cáo không bị tuyên án để lý lịch cá nhân được “sạch”, có thể tiếp tục đến trường. Về mặt dân sự, ông đề nghị các bị cáo phải bồi thường 300 triệu đồng chi phí điều trị thương tích, tổn thương tinh thần đã gây ra cho ông.
Liên lạc với bà Lê Thị Linh (40 tuổi) là mẹ bị cáo Ngọc Anh cho biết: Ngọc Anh và Hướng là anh em họ. Hướng hiện đã nghỉ học, còn Ngọc Anh đang học lớp 8.
Kể về hai đứa trẻ, bà Linh cho biết trong những lần lấy lời khai trong trại giam, con và cháu bà kể nguyên nhân xảy ra vụ án là do “hoàn cảnh đưa đẩy”.
"Chúng khai nhận gặp Khải ở bờ hồ Ha Le. Ông Khải đến làm quen rồi rủ các cháu đi bán bóng bay, “mỗi tháng được 5 - 6 triệu đồng mà nhàn lắm”. Hai đứa thấy nhiều tiền như vậy nên đồng ý về nhà ông ấy ở. Nhưng vì ông có hành vi sờ soạng khiến chúng bức xúc gây chuyện”, mẹ bị cáo Ngọc Anh tố cáo.
Từ khi biết con gây chuyện tày đình, gia đình bà Linh đã đến thăm hỏi và thanh toán viện phí, giám định thương tích cho bị hại. Tuy nhiên, sau đó bố bị ung thư nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn.
“Bị hại yêu cầu bồi thường số tiền hơn 300 triệu đồng là quá lớn với chúng tôi. Bố Hướng là anh trai tôi cũng đang dốc toàn bộ tiền bạc để chữa bệnh cho bố tôi nên làm gì có tiền. Không biết chúng tôi xoay sở tiền đâu để đền bù cho người ta đây. Mong sao ông ấy nghĩ lại, rút bớt yêu cầu”, người mẹ thở dài.