Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến chủng Delta của SARS-CoV-2 xuất hiện ở Hà Tĩnh

Sự lây lan nhanh của biến chủng virus này là một trong những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 tại Hà Tĩnh bùng phát mạnh.

Mới đây, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh về tình hình dịch tại địa bàn.

Tại buổi làm việc, Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), thông tin mẫu bệnh phẩm của một số bệnh nhân Covid-19 tại Hà Tĩnh được gửi tới NIHE giải trình tự gene đã cho kết quả xác định là biến chủng Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ).

Đây là biến chủng virus đã xuất hiện tại nhiều ổ dịch tại Việt Nam vừa qua và được nhiều chuyên gia nhận định có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và tác động tới diễn biến lâm sàng của bệnh.

bien chung virus tai ha tinh anh 1

Ông Đặng Đức Anh thông tin kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm tại Hà Tĩnh là biến chủng Delta từ Ấn Độ. Ảnh: BYT.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 4/6 đến chiều 19/6, tỉnh có tổng cộng 79 ca mắc Covid-19 tại 6 địa khu vực trên địa bàn. Tỉnh cũng rà soát được 2.024 F1, 15.862 F2 để đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp lấy mẫu diện rộng, đồng thời chuẩn bị cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng như khu cách ly tập trung cần thiết.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh việc cách ly, phong tỏa nhằm triệu tiêu nguồn lây, từ đó dập tắt ổ dịch. Do đó, ông cho rằng bên ngoài các khu phong tỏa phải thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" nhưng bên trong cũng cần tuyệt đối tuân thủ cách ly.

Ông Dương nói thêm: "Tỉnh cũng cần xử phạt nghiêm vi phạm trong khu cách ly, phong tỏa. Thiết quân luật để khi tháo phong tỏa, khu vực đó thực sự sạch virus".

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương. Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, cho hay qua kiểm tra thực tế, doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh chưa chủ động lên kịch bản nếu xảy ra dịch trong nhà máy.

“Việc không chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch của mỗi doanh nghiệp, nhà máy sẽ dẫn đến tâm thế bị động trong việc phòng, chống dịch nói chung của tỉnh. Do đó, địa phương cần có kế hoạch cụ thể hơn về kế hoạch ứng phó khi có dịch trong các khu công nghiệp, đặc biệt lưu ý đến vấn đề xét nghiệm, cách ly”, PGS Hương nói.

Về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn nhấn mạnh tỉnh Hà Tĩnh cần đẩy nhanh tiến độ tiêm nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Tấn cho biết ngành y tế thời gian tới sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc. Do đó, ngay từ bây giờ, tỉnh Hà Tĩnh cần tập huấn về công tác tiêm chủng cho toàn tuyến.

Đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh về việc phân công nhân sự, đơn vị chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tễ Đỗ Xuân Tuyên cho rằng địa phương này cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ biện pháp 5K + vaccine. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi công tác phòng dịch.

Về năng lực xét nghiệm, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tổ chức ngay việc tập huấn cho lực lượng y tế đến tận tuyến xã và cả lực lượng công nhân trong các khu công nghiệp để có thể lấy mẫu xét nghiệm thuần thực.

Về điều trị, Hà Tĩnh cần chủ động phương châm 4 tại chỗ. Khi cần, tỉnh có thể kết nối ngay với hệ thống hội chẩn từ xa để các chuyên gia tuyến trên kịp thời hỗ trợ về chuyên môn.

Hai biện pháp giúp TP.HCM chặn đứng nguồn lây Covid-19

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TP.HCM cần nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày và huy động tổng lực triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm