Nguy cơ nhiễm trùng da của chúng ta đang tăng lên. Ảnh: sharphealthcare. |
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi lâu dài trong các kiểu thời tiết do một số yếu tố như hoàn lưu đại dương, sự thay đổi bức xạ mặt trời, mảng kiến tạo, phun trào núi lửa và con người.
Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệt độ toàn cầu hoặc một địa phương cụ thể về độ ẩm, lượng mưa và các nhiễu động thời tiết.
Mặt khác, bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Ngọc Bửu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho hay khi tiếp xúc với môi trường, làn da của chúng ta đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt độ và độ ẩm tăng lên vì biến đổi khí hậu.
Những nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất
BS Bửu cho hay những người có nguy cơ đặc biệt cao từ tình trạng ấm lên của trái đất bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Người cao tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Công nhân ngoài trời và vận động viên
- Người sống, làm việc trong nhà ở môi trường không có hệ thống làm mát
- Khách du lịch hoặc những người không quen với các thay đổi thời tiết cụ thể tại địa phương
- Những người mắc bệnh mạn tính (bệnh thận, nghiện rượu…)
- Những người mắc các bệnh làm suy giảm nhận thức, khả năng vận động và hành vi (bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, chậm phát triển…)
- Các gia đình và quốc gia bị khó khăn về tài chính và không thể thích nghi với những thay đổi của môi trường
- Những người sống ở khu vực thành thị: Thành phố hấp thụ, tạo ra và giữ nhiệt nhiều hơn khu vực nông thôn
- Những người thiệt thòi về mặt xã hội: Người có địa vị kinh tế xã hội thấp, vô gia cư hoặc bị cô lập xã hội.
Da chịu tác động trực tiếp từ sự biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: imperia college london. |
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới da như thế nào?
BS Trương Thị Ngọc Bửu cho hay điều kiện khí hậu ấm hơn trực tiếp dẫn đến tỷ lệ nhiễm trùng da cao hơn, bao gồm:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Chốc, viêm mô tế bào và nhọt
- Tình trạng da do nhiễm nấm: Lang ben và nấm da
- Nhiễm trùng da do virus
- Các vấn đề khác: Vị chuyên gia chia sẻ một nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trung bình cứ tăng 1 độ, tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tăng 10%. Độ ẩm tương đối tăng 1% (dưới 65%), tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng 6,6%
Một số bệnh lý nghiêm trọng cũng bị tác động bởi vấn đề này gồm:
Bệnh do vector truyền:
Theo BS Bửu, muỗi, ve và bọ chét là trung gian mang virus, vi khuẩn và động vật nguyên sinh gây bệnh. Do đó, virus có thể truyền từ vật chủ này (muỗi) sang vật chủ khác (người hoặc động vật).
“Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong sự lây lan của vector và bệnh do vector truyền. Điều kiện ấm hơn dẫn đến sự sao chép nhanh hơn của một số loại virus và vector, từ đó tăng tốc độ lây truyền”, vị chuyên gia giải thích.
Một số ví dụ tiêu biểu có thể để tới là nhiễm trùng do ve (Bệnh Lyme (Borrelia burgdorferi, sốt phát ban rickettsia, anaplasmosis/ehrlichiosis, sốt thỏ…); nhiễm trùng do muỗi truyền (bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, virus Zika…); nhiễm trùng do bọ chét…
Bệnh lây qua đường nước:
BS Bửu cho hay mưa lớn và lũ lụt được dự đoán sẽ tăng lên cùng với biến đổi khí hậu. Những điều này thường dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh.
Biến đổi khí hậu tác động đến da qua nhiều con đường khác nhau, từ trực tiếp đến gián tiếp. Ảnh minh họa: Very Well Health. |
“Nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm hơn do lũ lụt hoặc bị tù đọng trong hạn hán. Lũ lụt cũng khiến dịch bệnh lây lan khi mọi người di chuyển hàng loạt để đến vùng đất khô ráo”, vị chuyên gia nói.
Bệnh lây qua thực phẩm:
Song song với các bệnh lây qua đường nước, lũ lụt và hạn hán cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt ở các quốc gia nghèo tài nguyên, từ đó gây bùng phát dịch bệnh và một số vấn đề.
Cụ thể, sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm làm cho thực phẩm bị thối rữa, làm tăng độc tố nấm mốc - chất chuyển hóa của nấm mốc. Mycotoxin cũng có thể gây bệnh bằng cách thâm nhập vào da.
Trên thực tế, khoảng 4,5 tỷ người sống ở các nước đang phát triển thường xuyên tiếp xúc với lượng aflatoxin - phần lớn không được kiểm soát từ các loài nấm Aspergillus (được tìm thấy trong ngô, lạc và rau quả thối).
Tiếp xúc với tia cực tím:
BS Bửu cho hay mức bức xạ tia cực tím đo được phần lớn không phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm. Tuy nhiên, nhiệt độ ngoài trời cao hơn có thể dẫn đến việc mọi người mặc ít quần áo hơn và dành thời gian ở ngoài trời lâu hơn, làm tăng khả năng tiếp xúc của da với bức xạ UV.
Những tác động có hại khi tiếp xúc tia cực tím bao gồm:
- Cháy nắng
- Lão hóa da
- Ung thư da
- Viêm da
- Viêm da tiếp xúc trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ môi trường cao hơn.
- Tỷ lệ viêm da cơ địa bị ảnh hưởng do sự thay đổi của các chất gây dị ứng trong không khí như mạt bụi, mạt nhà.
- Nhiệt độ cao hơn gây ra nhiều chứng hăm kẽ hơn, đặc biệt ở người béo phì và tiểu đường.
- Tăng tiết mồ hôi gây rôm sảy và bệnh da liễu dạng gai (bệnh Grover).
- Môi trường nóng cũng có thể gây bùng phát bệnh trứng cá đỏ, nổi mề đay cholinergic và nổi mề đay do nhiệt.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.