Biến đổi khí hậu, hàng triệu người Indonesia 'chìm' cùng những bờ biển
Thứ tư, 7/3/2018 22:32 (GMT+7)
22:32 7/3/2018
Cuộc sống của hàng triệu người thuộc các cộng đồng dân cư duyên hải của Indonesia đang bị đe dọa khi nơi họ ở cứ chìm dần do biến đổi khí hậu và việc khai thác cạn kiệt nước ngầm.
Mỗi ngày, các em học sinh làng Pantai Bahagia, bờ biển phía bắc đảo Java, đều lội qua nước biển cao tới bắp chân để đến trường. Cách bờ biển vài km nhưng sân trường và lớp học gần như ngày nào cũng bị ngập. Đó là biểu hiện rõ ràng về mối đe dọa rằng bờ biển Java đang chìm dần và gây ảnh hưởng cho hàng triệu cư dân.
Một mặt, người dân các khu vực ven biển của Indonesia phải đối phó với biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao, mặt khác việc khai thác nước ngầm để sử dụng trong các thành phố lớn như thủ đô Jakarta lại là nguyên nhân làm đất dọc bờ biển sụt lún. Trong ảnh, thủy triều lên tại cảng cá Muara Baru ở Jakarta.
Gần 40% diện tích thành phố Jakarta hiện nằm dưới mực nước biển. Một bức tường biển khổng lồ đã được xây nhằm ngăn những con sóng tấn công thủ đô. Tuy nhiên, nhiều khu vực rộng lớn ở phía bắc Jakarta vẫn thường xuyên bị ngập. Trong ảnh, thanh thiếu niên vui chơi gần một nhà thờ Hồi giáo bên bờ biển tại cảng Muara Baru.
Một phụ nữ xem tivi trong khi nước biển tràn vào nhà bà ở Demak. Tại thị trấn ven biển này, người dân phải kê tủ lạnh và tivi lên các khối bê tông để tránh cho đồ vật tiếp xúc với nước chảy vào nhà mỗi khi thủy triều dâng. Một số người đã bỏ nhà cửa khi bờ biển chìm dần.
Đất nước vạn đảo Indonesia có đường bờ biển dài khoảng 81.000 km và đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hơn 1/5 diện tích rừng ngập mặt của thế giới tập trung tại Indonesia. Rừng ngập mặn giúp hạn chế tác động của thủy triều, nhưng hiện nay chỉ còn 3 triệu ha, giảm chỉ còn hơn một nửa so với cách đây 3 thập kỷ.
Từ nhiều năm nay, các cộng đồng dân cư ven biển đã chặt phá rừng ngập mặn để lấy đất cho các hoạt động nông nghiệp như nuôi tôm cá và trồng lúa. Ở một số nơi, hàng trăm mét bờ biển từng được rừng ngập mặn che chắn giờ đã bị biển nuốt mất.
Chính phủ Indonesia đã làm việc với các nhóm hoạt động vì môi trường để trồng lại rừng ngập mặn, xây đê và tái định cư người dân.
Tuy nhiên, nhiều cư dân, chủ yếu là ngư dân nghèo và những người bán hàng, hoặc không muốn rời ngôi nhà đã gắn bó, hoặc đơn giản không có nơi nào khác để đi.
Indonesia đang chìm dần. Theo các nhà thủy văn học, thủ đô Jakarta chỉ còn một thập kỷ nữa để được cứu. Viễn cảnh xấu nhất là khu vực phía bắc thành phố với hàng triệu cư dân sẽ chìm xuống dưới nước cùng phần lớn nền kinh tế Indonesia.
Thế nhưng với tốc độ sụt lún như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo toàn bộ tường biển cũng có thể bị chìm dưới nước trong chỉ hơn một thập kỷ nữa. Trong ảnh, ngư dân sửa chữa tàu cá hỏng và trẻ em chơi đùa bên một đoạn tường biển, giải pháp tạm thời để cứu lấy Jakarta khỏi triều cường và xói mòn do nước biển.
Thủ đô Jakarta của Indonesia đang chìm với tốc độ chóng mặt và chỉ còn 10 năm để tự "cứu". Nguyên nhân không chỉ ở biến đổi khí hậu mà còn do tác động khủng khiếp từ con người.
Đảo du lịch của Indonesia đang "chết ngạt" vì lượng rác thải khổng lồ, đặc biệt là nhựa. Những nỗ lực để kiểm soát tình trạng này dường như không bao giờ là đủ.