Các nhà khoa học cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu đang vượt tiến gần đến thời điểm không thể đảo ngược. Ảnh: Reuters. |
Theo Cơ quan chống Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), khi các phái đoàn quốc tế tập trung tại thành phố Bonn của Đức vào đầu tháng 6 để chuẩn bị cho hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc hàng năm - dự kiến diễn ra trong tháng 11, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt mốc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Dù mức tăng nhiệt độ đã có thời điểm vượt mốc 1,5 độ C trong quá khứ, đây là lần đầu tiên điều này xảy ra vào mùa hè tại bắc bán cầu, bắt đầu từ hôm 1/6. Nhiệt độ nước biển cũng phá vỡ kỷ lục của tháng 4 và tháng 5.
"Chúng ta hết thời gian vì sự thay đổi mất một khoảng thời gian dài để thực hiện", Sarah Perkins-Kirkpatrick, nhà khí tượng học tại Đại học bang New South Wales, nhận định.
Trong bối cảnh những phái viên về khí hậu từ 2 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới chuẩn bị gặp mặt vào tháng 7, nhiệt độ tại thủ đô Bắc Kinh đã phá vỡ kỷ lục của khu vực này trong tháng 6. Trong khi đó, nước Mỹ phải đối mặt với những làn sóng nhiệt nghiêm trọng.
Một số khu vực tại Bắc Mỹ có nhiệt độ cao hơn 10 độ C so với mức trung bình của tháng này. Làn khói từ hàng trăm đám cháy rừng đã bao phủ Canada và bờ Đông nước Mỹ. Các đám cháy cũng tạo ra lượng khí thải carbon kỷ lục là 160 triệu tấn.
Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, nhiều trường hợp tử vong đã được ghi nhận do tình trạng nắng nóng kéo dài. Những quốc gia khác như Tây Ban Nha, Iran cũng hứng chịu các đợt nắng nóng dài lại, làm dấy lên nỗi lo rằng mùa hè "chết chóc" vào năm 2022 có thể trở thành một hiện tượng thường thấy.
Các quốc gia tham dự hội nghị chống biến đổi khí hậu tại Paris vào năm 2015 đã thống nhất hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình ở dưới ngưỡng 1,5 độ C. Tuy nhiên, Tổ chức Khí tượng Thế giới giờ đây dự đoán có 66% khả năng nhiệt độ trung bình của ít nhất một năm sẽ vượt quá con số này trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027.
"Bốn mối đe dọa đồng thời"
Xu hướng tăng nhiệt độ không chỉ diễn ra tại các lục địa mà cũng lan ra đại dương, vốn đang chịu tác động ngày càng tăng của hiện tượng El Nino và một vài nhân tố khác.
Nhiệt độ mặt biển trung bình vào cuối tháng 3 đã đạt 21 độ C và tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục trong các tháng 4 và 5. Cơ quan khí tượng Australia cảnh báo nhiệt độ nước biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có thể cao hơn 3 độ C so với mức bình thường vào tháng 10.
Theo Piers Forster, giáo sư vật lý khí tượng tại Đại học Leeds, tình trạng biến đổi khí hậu là nhân tố chính. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino, sự sụt giảm lượng bụi bay từ sa mạc Sahara đến các đại dương và việc sử dụng nhiên liệu có lượng sulphur thấp trong vận tải đường biển cũng góp phần khiến nước biển ấm lên.
Hàng trăm vụ cháy rừng tại Canada trong thời gian qua đã thải khoảng 160 triệu tấn carbon lên bầu khí quyển. Ảnh: Reuters. |
"Các đại dương đang phải đối mặt với bốn mối đe dọa đồng thời. Đây là một dấu hiệu cho những gì sắp xảy ra", ông nhận định.
Hàng nghìn con cá chết đã trôi dạt lên bờ biển của bang Texas trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hiện tượng tảo nở hoa do nước biển ấm lên cũng đang khiến nhiều cá thể sư tử biển và cá heo thiệt mạng ở bang California.
Nhà khí tượng học tại Viện Công nghệ Georgia, Annalisa Bracco, cho biết việc nước biển ấm lên cũng khiến cho các đợt gió và lượng mưa sụt giảm, tạo ra một quá trình xoay vòng khiến thời tiết càng trở nên nóng hơn.
Mặc dù tình trạng nước biển ấm lên trong năm nay bắt nguồn từ "một sự kết hợp hoàn hảo" của nhiều yếu tố, tác động của nó đến hệ sinh thái có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài.
"Đại dương tích tụ nhiệt một cách chậm rãi nhưng lưu trữ lượng nhiệt này trong một thời gian dài. Chính vì vậy quá trình hồi phục sẽ kéo dài", bà dự đoán.
Đường tới Dubai
Các nhà khí tượng nhận định tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng. Trong năm nay, thế giới đã chứng kiến các đợt hạn hán ở nhiều khu vực cũng như những cơn bão nguy hiểm ở châu Phi.
Quỹ Thiên nhiên Toàn cầu cảnh báo rằng các cuộc thảo luận về khí hậu tại thành phố Bonn trong tháng 6 dường như "thiếu đi động lực" khi không có nhiều tiến triển trong các vấn đề như nhiên liệu hóa thạch hay tài chính. Các cuộc thảo luận trên có mục đích chuẩn bị cho Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai vào tháng 11.
Các cuộc thảo luận về khí hậu tại thành phố Bonn trước thềm hội nghị COP28 đã không đạt được kết quả khả quan nào. Ảnh: UNFCCC. |
"Các cuộc thảo luận xa rời với thực tế những gì đang diễn ra bên ngoài tòa nhà ở thành phố Bonn. Tôi cảm thấy thất vọng vì điều này", Li Shuo, cố vấn khí hậu cấp cao của tổ chức Hòa bình Xanh ở thủ đô Bắc Kinh cho hay.
"Chúng ta đang tiến gần tới thời khắc của sự thật. Tôi hy vọng rằng những gì đang diễn ra có thể khiến loài người hành động và thay đổi chính sách", ông bổ sung.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.