Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Biện pháp chống dịch độc đáo, khác biệt của Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhận định Việt Nam đã lập nên kỳ tích bởi số bệnh nhân rất ít so với thế giới dù có đường biên giới dài với Trung Quốc - nơi khởi phát đại dịch Covid-19.

phong chong covid-19 o Viet Nam anh 1

Trao đổi với Zing, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chia sẻ năm 2020, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn. Trong đó, cái được lớn nhất chính là lòng tin tuyệt đối của nhân dân.

Việt Nam đã tạo nên kỳ tích

- Điều gì đọng lại với ông sau một năm Việt Nam đương đầu đại dịch Covid-19?

- Chúng ta vừa bước qua một năm chống đại dịch Covid-19 kể từ thời điểm ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Tôi cho rằng năm vừa qua, chúng ta chiến thắng rất lớn.

Thứ nhất, Việt Nam chiến thắng về mặt tinh thần, chiến lược. Chúng ta đã có tinh thần phòng bệnh rất tích cực, chủ động và có chiến lược rất hợp lý, linh hoạt. Thứ 2, chúng ta triển khai các công việc trên tinh thần một quốc gia có nguồn lực hạn chế nhưng đạt hiệu quả cao nhất. Đó là cái độc đáo và khác biệt của Việt Nam.

Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch Covid-19, nhưng cho đến nay, số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam rất ít so với thế giới. Đây là kỳ tích.

phong chong covid-19 o Viet Nam anh 2
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội (Hà Nội). Ảnh: Hà Quyên.

Trong các biện pháp cụ thể Việt Nam đã triển khai, tôi nhấn mạnh việc quản lý thật chặt người nhập cảnh vào Việt Nam, bao gồm người Việt Nam trở về, người nước ngoài nhập cảnh. Chúng ta đã khu trú được ngay, “đánh” rất gọn.

Có thể thấy những ca trước và nhất là đến bệnh nhân số 17 ở Hà Nội, chúng ta còn có phần lúng túng. Ổ dịch Đà Nẵng rất lớn nhưng Việt Nam đã chiến thắng hoàn toàn bằng việc khu trú, phân luồng, cách ly và làm xét nghiệm tích cực. Đặc biệt, đến ca bệnh nam tiếp viên (bệnh nhân 1342) ở TP.HCM, chúng ta “đánh gọn” nhanh nhất, tốn kém rất ít và kịp thời cách ly các ca bệnh.

- Có lẽ chưa bao giờ nước ta thực hiện xét nghiệm số lượng lớn như với đại dịch Covid-19. Ngoài số lượng lớn, công tác xét nghiệm có điều gì đặc biệt?

- Việt Nam đã sử dụng các xét nghiệm linh hoạt, hiệu quả. Chúng ta đã triển khai ngay xét nghiệm rRT-PCR để sàng lọc, phát hiện người mang virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế đã huy động các đơn vị cùng tham gia xét nghiệm.

Đặc biệt, chúng ta đã biết gộp mẫu để làm xét nghiệm ở ổ dịch tại Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng chiến lược gộp mẫu xét nghiệm để sàng lọc nhanh người mắc Covid-19.

Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch Covid-19, nhưng cho đến nay số ca nhiễm bệnh tại Việt Nam rất ít so với thế giới. Đây là kỳ tích.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí

Vì đã có kinh nghiệm trong việc sàng lọc các loại virus như HIV, viêm gan B, viêm gan C cho các đơn vị túi máu, trong một cuộc họp khoảng tháng 3/2020 do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chủ trì, tôi đề xuất phương pháp gộp mẫu để làm sàng lọc virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Sau đó, khi trực tiếp chỉ đạo chống dịch ở Đà Nẵng, Thứ trưởng đã cho gộp mẫu để làm xét nghiệm sàng lọc. Về sau, Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh của Bộ Y tế đã có quy định về việc gộp mẫu này.

Đây là phương pháp tối ưu để xét nghiệm sàng lọc cho cộng đồng với số lượng lớn bằng phương pháp rRT-PCR, nhờ đó, không chỉ tiết kiệm kinh phí, hóa chất, thời gian, năng lực của labo xét nghiệm được nâng cao.

Hình ảnh phi hành đoàn, y bác sĩ..., sang đón công dân Việt Nam tại các nước trở về gây xúc động mạnh mẽ. Ảnh: Việt Linh.

Tôi lấy ví dụ, labo đó chỉ có thể xét nghiệm tối đa 2.000 mẫu/ngày, nhưng trong thời điểm thần tốc truy vết ca bệnh cần thực hiện đến 6.000 mẫu, họ không thể đáp ứng. Bằng cách gộp mẫu 4, họ có thể hoàn thành 8.000 mẫu. Nếu xét nghiệm SARS-CoV-2 của nhóm mẫu cho kết quả dương tính, họ sẽ tách ra từng mẫu riêng lẻ để làm xét nghiệm rRT-PCR.

Ngoài ra, các phác đồ điều trị Covid-19 của Việt Nam cũng rất linh hoạt, mềm dẻo. Trên thực tế, nhiều nước đã tham khảo và sử dụng phác đồ này.

Dịch Covid-19 còn dai dẳng

- Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam vẫn liên tục đón các công dân trở về nước?

- Giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ trên khắp thế giới, Việt Nam là một trong những nước làm tốt việc phòng, chống và điều trị dịch bệnh Covid-19. Điều đó khiến Việt Nam giống như “một vùng trũng an toàn”. Rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, khám - chữa bệnh ở nước ngoài muốn quay ngược trở về nước. Đây có thể nói là một đợt di dân rất lớn, theo tôi là lớn chưa từng có ở Việt Nam.

Tôi rất xúc động với hình ảnh phi hành đoàn, y bác sĩ..., sang đón công dân Việt Nam tại các nước trở về. Họ giống như những chiến sĩ đang "ra mặt trận" bất chấp hiểm nguy. Nếu không đưa các công dân về, những người đó có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng khi đưa về, chúng ta tốn kém và nhất là nguy cơ nhiễm bệnh cho những người được cử đi rất cao. Cá nhân tôi cảm nhận được tính nhân văn và đánh giá rất cao chính sách của Việt Nam trong thời gian qua.

phong chong covid-19 o Viet Nam anh 3

Công tác phun khử khuẩn tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám.

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra phép thử đối với lòng tin của nhân dân và Đảng, sự đoàn kết, tuân thủ với sự điều hành của Chính phủ. Đó là phép thử đẹp và tốt nhất. Qua phép thử này, chúng ta đã củng cố tinh thần và niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Thời điểm này chính là đỉnh cao của niềm tin.

- Ông đánh giá đại dịch sẽ diễn biến như thế nào? Chúng ta đã có tiến triển tốt trong sản xuất vaccine, đã đến lúc Việt Nam “dễ thở” hơn?

- Đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng, chắc chắn năm 2021 chưa cắt được triệt để mặc dù trên thế giới một số nước đã có vaccine phòng bệnh. Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan, mà tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, nhất là biện pháp 5K do Bộ Y tế đề nghị. Thiết lập điều kiện bình thường mới, chấp nhận sống trong môi trường dịch có nguy cơ xâm nhập bất cứ lúc nào, chủ động đối phó, chính là con đường đi đúng đắn của Việt Nam hiện nay.

Đại dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng, chắc chắn năm 2021 chưa cắt được triệt để mặc dù trên thế giới một số nước đã có vaccine phòng bệnh.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí

Bên cạnh đó, các bệnh viện phải giữ vững an toàn, không để lọt ca bệnh. Khi giao ban mỗi sáng tại bệnh viện, chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên tuyệt đối tuân thủ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; hàng tuần, hàng tháng luôn có kiểm tra, giám sát, đánh giá và chỉnh đốn hoạt động này. Thực tiễn cho thấy mỗi đơn vị, nhất là các cơ sở y tế nếu phòng dịch tốt thì hạn chế được sự sự lây lan của dịch bệnh hiệu quả nhất.

Hiện các nhân viên y tế của viện tôi tới từng nhà dân để lấy mẫu. Điều này sẽ trở nên nguy hiểm nếu họ không tuân thủ phòng hộ, dẫn tới nhiễm bệnh và virus xâm nhập vào khắp bệnh viện. Chúng tôi ý thức rõ điều đó và tự nhủ phải tuân thủ quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế. Tôi cho rằng trong bối cảnh này, mỗi cá nhân giữ làm sao để mình không nhiễm bệnh chính là thể hiện lòng yêu nước của mình.

Tôi muốn nhấn mạnh vaccine đang là hy vọng có thể dập tắt được dịch nhưng chúng ta đừng quá kỳ vọng, tin tưởng quá mức mà bỏ quên các phương pháp khác. Chúng ta đã trải qua một năm thắng lợi, tâm thế hiện giờ khác. Chúng ta tự tin để đối phó, song tuyệt đối không được chủ quan.

Hơn 100 triệu người mắc Covid-19 trên toàn cầu

Tính đến 7h ngày 26/1, tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã chạm mốc hơn 100 triệu ca, trong đó, trên 2 triệu bệnh nhân tử vong.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm