Theo các chuyên gia, ung thư đại trực tràng là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời chỉ 11% bệnh nhân tái phát trong năm đầu tiên.
Mặc dù, bác sĩ thường khuyến cáo người dân cần quan tâm đến các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón không rõ nguyên nhân), phân có máu, đau bụng không rõ nguyên nhân, chán ăn, sụt cân, nhưng đây vẫn là những dấu hiệu khá muộn. Trên thực tế, y học hiện đại đã có những biện pháp giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Vị trí của trực tràng trong cơ thể người. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Mới đây, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện Xanh Pôn, đã lắp đặt hệ thống thiết bị và đầu tư những bộ kiểm tra để triển khai thí điểm và tiến tới nhân rộng tầm soát ung thư cho người dân. Bên cạnh đó, người dân có thể thực hiện xét nghiệm CEA để tầm soát ung thư đại trực tràng.
CEA là tên viết tắt của kháng nguyên carcinoembryonic, có thể tìm thấy trong nhiều tế bào khác nhau của cơ thể, nhưng thường liên kết với các khối u nhất định và sự phát triển của thai nhi.
Thông thường, chất này được sản xuất bởi tế bào niêm mạc dạ dày, ruột của thai nhi. Sau khi sinh, CEA tự biến mất và không còn phát hiện trong huyết thanh nữa. Tuy nhiên, chúng có thể tăng trong trường hợp cơ thể mắc bệnh ác tính, đặc biệt là ung thư đại tràng và người hút thuốc lá.
Khối u ở đường tiêu hóa bao gồm cả lành tính và ác tính đều có thể làm tăng mức độ CEA. Ngoài ra, những bệnh ung thư khác như ung thư tuyến tụy, dạ dày, vú, phổi, buồng trứng và tuyến giáp hay hút thuốc, nhiễm trùng, bệnh viêm ruột, viêm tụy, xơ gan và một số khối u lành tính cũng có thể có nồng độ CEA tăng cao.
Bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm này 3 tháng một lần trong vòng 2 năm đầu sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng. Nếu bệnh nhân có nồng độ CEA mức bình thường có nghĩa là khối u đã được cắt bỏ hoàn toàn, trái lại nồng độ CEA vẫn tiếp tục tăng cao chỉ ra rằng vẫn còn tế bào ung thư tồn dư.