Từ hôm nay, Việt Nam chính thức tổ chức khai báo y tế toàn dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Liên quan vấn đề này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế).
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế). Ảnh: TD. |
'Nếu không có ý thức, người mắc Covid-19 sẽ lây cho chính gia đình mình'
- Ông có thể giải thích khai báo y tế toàn dân là gì không? Ý nghĩa của việc khai báo này là gì?
- Chính phủ xác định chống dịch như chống giặc, toàn dân tham gia chống dịch. Khai báo y tế là một hình thức người dân tham gia vào việc chống dịch. Sẽ có phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân.Việc khai báo y tế này thực hiện với tất cả trăm triệu người dân trong nước, tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với các khách nhập cảnh đến/về từ tất cả quốc gia.
Thông tin khai báo y tế lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch.
- Người dân sẽ cần khai báo những gì?
- Khi khai, người dân sẽ cung cấp những thông tin cần thiết liên quan thủ tục hành chính để khi cần họ có thể được liên hệ như tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm. Sau đó, họ cần khai báo tình trạng sức khỏe, những triệu chứng có xảy ra cũng như lịch trình đi nước nào trong 14 ngày qua, nhất là có đi qua vùng dịch bệnh hay không, kể cả khai những bệnh hàng ngày... Sau khi đã khai như vậy, khi có biểu hiện bệnh, người dân không cần đi tới cơ sở y tế mà sẽ có cán bộ y tế qua lời khai đó, tới thăm khám tại nhà, giúp đỡ trong các việc theo dõi, giám sát, phòng chống bệnh.
- Như vậy, quá trình này rõ ràng do sự tự giác và ý thức của người dân. Sẽ có tình huống khai không trung thực?
- Trong quá trình thực hiện khai báo y tế toàn dân có thể xảy ra tình huống khai báo không trung thực. Chẳng hạn, một người có các biểu hiện sốt, ho, khó thở... nhưng không khai, giấu bệnh. Ngược lại, khi không có triệu chứng đó, họ lại khai.
Tuy nhiên, với nghiệp vụ riêng, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các tình huống liên quan yếu tố nguy cơ. Mỗi cá nhân khai báo y tế cho bản thân hoặc khai báo hộ cho thành viên trong gia đình (với trẻ nhỏ, người không đủ điều kiện sức khỏe trực tiếp khai báo) sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu khai báo không trung thực ảnh hưởng đến phòng chống dịch sẽ bị xử phạt.
- Việt Nam đã có 31 ca nhiễm, trong đó, 15 ca mới. Ông nhận định tình hình hiện tại ra sao?
- Tình hình dịch bệnh ở nước ta hiện tại phức tạp. Hiện, châu Âu cũng bùng phát mạnh, ngay cả một chuyến bay của nước ta trở về cũng đã có một loạt ca mắc. Nếu không làm tốt, những trường hợp đó lây lan trong cộng đồng thì dịch sẽ bùng phát trong chính nội địa của nước ta. Do đó, điều quan trọng hiện nay là việc phát hiện các bệnh dịch tại chỗ, sau đó tổ chức cách ly, dập dịch, khoanh vùng gọn.
- Còn Hà Nội thì sao, khi đã có 4 ca mắc, nhất là ca đầu tiên được công bố sau 22 ngày nước ta không ghi nhận ca mới?
- Hà Nội cũng không lo lắng lắm vì đã phát hiện, xác định rõ những ca từ nước ngoài về. Ca đầu tiên là ca số 17, hiện tại, đã lây lan qua lái xe và người bác. Đây là người có tiếp xúc gần. Hà Nội đã tổ chức cách ly tốt nên không đáng ngại lắm. Tất nhiên vẫn phải theo dõi xem diễn biến thế nào.
Cách ly tại nhà là đảm bảo an toàn
- Liên quan các trường hợp mắc, ngành y tế đã tổ chức phân loại, cách ly nhiều người xung quanh. Các thuật ngữ F0, F1, F2,... được hiểu như thế nào?
- Các trường hợp nhiễm Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người mắc này được gọi là F1. Tiếp đến, những người có tiếp xúc gần với F1 được hiểu là là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác (F4, F5,...).
- Nhiều người dân cũng đang có sự lo lắng và hoang mang khi trong khu vực sinh sống có các trường hợp phải cách ly tại nhà. Liệu sự lo lắng này có cần thiết?
- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp cách ly tại nhà sẽ được giám sát bởi y tế địa phương, mỗi ngày, sẽ đo nhiệt độ ít nhất 2 lần và thông báo khi có các dấu hiệu mắc bệnh. Người cách ly được khuyến cáo nên ở trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nơi cách ly.
Việc cách ly tại nhà đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh. Với những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi nhiễm bệnh, những người này cũng không có nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp đang tự cách ly tại nhà.
- Nếu khu vực lưu trú có trường hợp phải cách ly tại nhà, người dân nên làm gì?
- Điều cần làm là bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng. Phải có hiểu biết thì mới không hoang mang, lo lắng. Sau đó là tự bảo vệ mình và gia đình bằng các biện phát sát trùng, khử khuẩn, rửa tay thường xuyên. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng dịch.
Với những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi nhiễm bệnh, những người này cũng không có nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu không có sự tiếp xúc gần. Ảnh: Duy Hiệu. |
- Theo ông, người dân cả nước nói chung, người dân ở những vùng đang có dịch hiện nay cần làm gì?
- Một là người dân cần thế hiện trách nhiệm của mình trong việc chống dịch, chung tay cùng cả nước. Hai là phải hiểu biết để không hoang mang, lo lắng quá. Người dân nên vào website của Bộ Y tế để theo dõi thông tin; biết khai báo trung thực, thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm, khử khuẩn, vệ sinh môi trường cá nhân, đặc biệt rửa tay với xà phòng. Đó là những biện pháp cần thiết vừa phòng bệnh cho mình, sau đó là gia đình và cộng đồng. Nếu không có ý thức, người mắc sẽ lây cho chính gia đình của mình đầu tiên, chẳng hạn trường hợp cô gái số 17 vừa qua.
Những người trong chuyến bay có nhiều ca dương tính đã được khoanh vùng, theo dõi chặt chẽ. Đồ họa: Minh Hồng. |